Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (24/5): PVS, KBC và SAB

Theo MASVN, quy hoạch chung TP. Hải Phòng được điều chỉnh là bước tiến quan trọng của 2 dự án lớn của KBC. Quy hoạch mới ban hành sẽ là cơ sở pháp lý để thực hiện các dự án bất động sản, trong đó KBC hiện đang đầu tư 2 dự án lớn là khu công nghiệp Tràng Duệ 3 quy mô 687ha và khu đô thị Tràng Cát quy mô 581ha. Nếu tình hình khả quan, 2 dự án này có thể được triển khai từ năm 2024.

PVS: SSI khuyến nghị khả quan với giá mục tiêu 33.000 đồng/cổ phiếu

Quý I/2023, Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (HNX: PVS) đạt 3,8 nghìn tỷ đồng doanh thu hợp nhất (đi ngang so với cùng kỳ) và 266 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế hợp nhất (giảm 14% so với cùng kỳ). Nếu loại trừ khoản lãi bất thường từ việc thanh lý tài sản trong quý I/2022, tăng trưởng lợi nhuận cốt lõi đạt 5% so với cùng kỳ trong quý I/2023. Các mảng hoạt động cải thiện chính bao gồm M&C, FPSO và tàu chuyên dụng, trong khi các cảng và cơ sở cung ứng ghi nhận kết quả đi lùi so với quý I/2022.

Lợi nhuận trước thuế quý I/2023 đạt 266 tỷ đồng, phù hợp với ước tính của Công ty Chứng khoán SSI cho lợi nhuận trước thuế năm 2023 là 1,04 nghìn tỷ đồng (giảm 4% so với cùng kỳ) như SSI đã đề cập trong báo cáo trước (link) . M&C cải thiện nhờ tỷ suất lợi nhuận gộp cao hơn (3,3% so với 1,7% trong quý I/2022), đây là một dấu hiệu tích cực. Mặt khác, dòng doanh thu từ mảng cảng yếu đi, điều này có thể là do cảng container của công ty tại Hải Phòng bị sụt giảm sản lượng do nhu cầu bên ngoài và hoạt động xuất nhập khẩu yếu hơn.

Về Block B, PVS đã đấu thầu xong các hạng mục chính của dự án và đang chờ chủ đầu tư xét thầu cũng như chờ Chính phủ phê duyệt quyết định đầu tư cuối cùng của dự án. Ban lãnh đạo PVS cũng cho biết Block B là dự án có quy mô hàng tỷ USD nên đây sẽ là một trong những dự án trọng điểm cho mảng M&C của công ty trong thời gian tới.

Ban lãnh đạo PVS cũng nhận định, khí tự nhiên vẫn là nguồn điện chủ lực của Việt Nam trong thời gian tới do tính chất thiếu ổn định của các nguồn năng lượng tái tạo cũng như giá nguồn LNG cao, trong khi các nguồn điện than đang giảm dần theo cam kết về bảo vệ môi trường.

SSI đồng ý về quan điểm điện khí tự nhiên sẽ trở thành một trong những nguồn điện cơ bản quan trọng cùng với thủy điện và điện LNG trong dài hạn, như đã nêu trong Quy hoạch Phát triển Điện VIII vừa được phê duyệt vào tuần trước. Hơn nữa, PDP VIII cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển các nguồn năng lượng trong nước để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Điều này sẽ tạo thêm động lực cho Chính phủ để kịp thời hạn khai thác dòng khí đầu tiên vào năm 2026. Theo đó, SSI duy trì giả định hiện tại rằng quyết định đầu tư cuối cùng của Block B có thể được phê duyệt vào năm 2023 và có thể khởi công xây dựng vào năm 2024. SSI giả định PVS có thể giành được 900 triệu USD giá trị EPC trong giai đoạn 2024-2027 của dự án này.

Ban lãnh đạo cho biết điện gió ngoài khơi sẽ là một hướng phát triển chiến lược mới của công ty bên cạnh các hoạt động dầu khí truyền thống, điều này cũng đã được nêu trong các nhận xét trước đây của SSI về công ty. Mới đây, PVS đã ký hợp đồng xây dựng 33 chân đế điện gió ngoài khơi cho Orsted, công ty hàng đầu của Đan Mạch về năng lượng tái tạo cho dự án tại Đài Loan, với tổng khối lượng EPC là 70 nghìn tấn thép (SSI dự kiến giá trị hợp đồng là 300 triệu USD).

Hợp đồng EPC dự kiến sẽ hoàn thành và bàn giao vào cuối năm 2025. PVS kỳ vọng thị trường Việt Nam và khu vực sẽ giảm lượng khí thải carbon, điều này sẽ dẫn đến nhu cầu cao hơn đối với việc xây dựng các trang trại gió ngoài khơi, gần như hoàn toàn phù hợp với chuyên môn hiện tại của PVS. Do đó, công ty sẽ đầu tư để mở rộng năng lực trong lĩnh vực kinh doanh này trong thời gian tới (tổng vốn đầu tư 1,8 nghìn tỷ đồng vào năm 2023 cho cả điện gió và dầu khí).

Ngoài ra, PVS mong muốn hợp tác với các công ty khác để xây dựng hệ thống chuỗi cung ứng trong lĩnh vực kinh doanh trang trại điện gió ngoài khơi tại Việt Nam, nhằm phục vụ cho các dự án lớn hơn trong thời gian tới. Trong dài hạn, PVS có thể tham gia kinh doanh, trực tiếp với tư cách là nhà đầu tư.

Về tỷ suất lợi nhuận, ban lãnh đạo PVS kỳ vọng dự án trang trại điện gió sẽ nhận được tỷ suất lợi nhuận thấp hơn so với dầu khí truyền thống, nhưng do quy mô lớn nên lợi nhuận tính theo số tuyệt đối vẫn ở mức tích cực. SSI đồng ý với quan điểm của ban lãnh đạo về các cơ hội trong hoạt động kinh doanh điện gió ngoài khơi của PVS, như giả định của SSI về giá trị EPC của trang trại điện gió ngoài khơi trong ước tính hiện tại cho giai đoạn 2023-2026 (backlog mỗi năm là 100-200 triệu USD tại trang trại điện gió).

Khả năng sinh lời có thể thấp, nhưng có thể được cải thiện theo thời gian ở quy mô lớn hơn và chuyên môn tốt hơn. SSI tin rằng cam kết giảm khí thải của Việt Nam và các nước trên thế giới sẽ tiếp tục chuyển dịch đầu tư từ dầu khí truyền thống sang các nguồn năng lượng xanh và tái tạo, do đó mang đến những cơ hội mới cho PVS.

Tuy nhiên, SSI vẫn cho rằng dự án dầu khí truyền thống sẽ tiếp tục là nguồn thu nhập chính cho PVS trong thời gian tới, đặc biệt nếu các đại dự án như Block B có thể được khởi động. Vì vậy, SSI sẽ tiếp tục theo dõi sát sao tiến trình của cả hai mảng hoạt động này.

SSI sẽ tiếp tục theo dõi tiến độ ký kết các hợp đồng mới trong thời gian tới của PVS. SSI chuyển cơ sở định giá đến cuối năm 2024 và đưa ra giá mục tiêu 1 năm là 33.000 đồng/cổ phiếu (từ 30.000 đồng/cổ phiếu) và duy trì khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu. Trong ngắn hạn, yếu tố hỗ trợ tăng giá có thể đến từ bất kỳ diễn biến mới nào liên quan đến Block B có thể tạo đà cho Chính phủ phê duyệt và từ tin tức về việc ký kết hợp đồng EPC tiếp theo đối với các dự án điện gió ngoài khơi.

KBC: MASVN khuyến nghị mua với giá mục tiêu 33.000 đồng/cổ phiếu

Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (HoSE: KBC) được biết đến là một trong những doanh nghiệp có quỹ đất khu công nghiệp lớn nhất đang niêm yết trên thị trường chứng khoán. Trong năm 2022, quỹ đất sẵn sàng cho thuê của KBC đã có sự bổ sung quan trọng với 2 dự án: khu công nghiệp Quang Châu mở rộng (90ha) và Nam Sơn – Hạp Lĩnh (300ha hiện đã GPMB được 100ha). Quỹ đất này đã nhanh chóng được các Tập đoàn lớn quan tâm và ký thỏa thuận thuê đất như Foxconn (60ha), Fullian (49,6ha) và Goertek (62,7ha).

Ngay từ quý đầu năm, KBC đã ghi nhận kết quả khả quan với mức doanh thu thuần đạt 2.223 tỷ đồng, gấp 3 lần so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.056 tỷ đồng, tăng 102% so với cùng kỳ. Đáng chú ý khi kết quả ấn tượng trên hầu hết đến từ hoạt động kinh doanh chính với việc công ty bàn giao 60ha đất tại khu công nghiệp Quang Châu - Bắc Giang (KBC sở hữu 88,06%), ngoài ra công ty còn ghi nhận thêm khoản lãi 108 tỷ đồng từ chuyển nhượng công ty con.

Với kết quả trên, quý I/2023 đã vươn lên trở thành quý có mức lợi nhuận thường xuyên cao nhất từ trước đến nay của doanh nghiệp. Trong quý I/2023, KBC cho biết đã ký biên bản ghi nhớ cho Goertek thuê 62,7ha tại khu công nghiệp Nam Sơn Hạp Lĩnh, công ty cho biết đã thu 20% tiền cọc từ doanh nghiệp và phần còn lại sẽ thu trong tháng 6 và 17ha tại khu công nghiệp Tân Phú Trung – TP. HCM.

Với mức giá thuê ước tính 160 USD/m2 tại khu công nghiệp Nam Sơn Hạp Lĩnh và 250 USD/m2 tại Tân Phú Trung, KBC có thể thu về dòng tiền khoảng 3.400 tỷ đồng sau khi bàn giao giúp cải thiện rất lớn bảng cân đối của công ty hiện tại.

Cuối quý I/2023, nợ vay của KBC đã giảm lần lượt 550 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn và 700 tỷ đồng nợ vay dài hạn, tổng nợ ở mức 6.382 tỷ đồng giảm 16,4% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ/ vốn chủ sở hữu ở mức 33,8%. Trong năm công ty có 2 khoản trái phiếu đến hạn với tổng giá trị 2.500 tỷ đồng. Trong điều kiện hiện tại, Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MASVN) cho rằng KBC sẽ thu xếp tốt dòng tiền để thanh toán các khoản trái phiếu này.

Theo MASVN, quy hoạch chung TP. Hải Phòng được điều chỉnh là bước tiến quan trọng của 2 dự án lớn của KBC. Theo đó, ngày 30/3/2023, Quyết định 323/QĐ-TTg được phê duyệt Điều chỉnh chung TP. Hải Phòng đến năm 2040. Quy hoạch mới ban hành sẽ là cơ sở pháp lý để thực hiện các dự án bất động sản, trong đó KBC hiện đang đầu tư 2 dự án lớn là khu công nghiệp Tràng Duệ 3 quy mô 687ha và khu đô thị Tràng Cát quy mô 581ha. Nếu tình hình khả quan, 2 dự án này có thể được triển khai từ năm 2024.

Theo MASVN, dù lạc quan về tình hình tài chính của công ty, nhà đầu tư vẫn còn lo ngại về sự ổn định trong kết quả kinh doanh của KBC. Trong năm 2022 dù ghi nhận kết quả kinh doanh cả năm khả quan nhưng xét theo từng quý thì lợi nhuận sau thuế của công ty biến động rất lớn. Sự lo ngại này có thể chỉ là ngắn hạn trong trường hợp hoạt động kinh doanh thuận lợi như MASVN kỳ vọng bên trên.

KBC đang có mức định giá P/B 12 tháng là 1,3 lần, thấp hơn mức trung bình trên 2 lần của ngành bất động sản khu công nghiệp. MASVN kỳ vọng thị giá của KBC sẽ hướng đến mức 1,5 lần P/B tương ứng mức giá 33.000 đồng/cổ phiếu.

SAB: BVSC khuyến nghị trung lập với giá mục tiêu 182.700 đồng/cổ phiếu

Tổng công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước Giải khát Sài Gòn (Sabeco, HoSE: SAB) ghi nhận doanh thu quý I đạt 6.214 tỷ đồng (giảm 15% so với cùng kỳ) và lợi nhuận ròng đạt 967 tỷ đồng (giảm 17% so với cùng kỳ).

Tình hình tiêu thụ bia của SAB nhìn chung không khả quan trong quý I. SAB cho biết có một số lý do chính là sức mua yếu, người tiêu dùng thận trọng; lãi suất cao ảnh hưởng đến chi phí vốn lưu động của các điểm phân phối; và hoạt động kiểm tra nồng độ cồn theo Nghị định 100 diễn ra gay gắt.

Các doanh nghiệp trong ngành đều ghi nhận tăng trưởng âm về doanh thu: Sabeco giảm 15%, Bia Hà Nội giảm 13%, Heineken giảm hơn 20% (tính riêng Việt Nam) và Carlsberg cũng ghi nhận sụt giảm (không công bố số liệu chi tiết). Tuy nhiên, trong khó khăn thì xu hướng down-trading cũng giúp các sản phẩm phổ thông hưởng lợi, qua đó với mức giảm thấp hơn đối thủ thì thị phần của Sabeco có thể đã tăng nhẹ so với năm trước.

Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng biên lợi nhuận của SAB chịu áp lực nhiều hơn từ quý II trở đi. SAB ghi nhận biên gộp 30,8% trong quý I, tăng 2,7% so với quý trước và tăng 1% so với cùng kỳ, nhưng chủ yếu là nhờ vẫn hưởng lợi một phần từ chi phí đầu vào thấp đã chốt trong năm ngoái.

Ban lãnh đạo cho biết các hợp đồng chốt giá cao hơn sẽ phản ánh từ quý II và sẽ nỗ lực hết sức trong việc kiểm soát chi phí hoạt động để đảm bảo biên lợi nhuận trong 2023. Tuy nhiên, công ty cũng chia sẻ giá nguyên vật liệu (nhôm, lúa mạch,…) đã giảm khá nhiều nên biên lợi nhuận sẽ phục hồi trong năm 2024.

Ban lãnh đạo SAB kỳ vọng tiêu thụ bia khả quan hơn trong nửa cuối năm 2023 với một số lý do chính bao gồm niềm tin tiêu dùng phục hồi; lãi suất giảm; các chính sách kích cầu như giảm thuế VAT; đẩy mạnh đầu tư công và kỳ vọng vào sự phục hồi của xuất nhập khẩu; và cú hích từ tăng trưởng du lịch.

Với mức đóng góp dưới kỳ vọng của kết quả kinh doanh quý I thì BVSC cũng điều chỉnh dự báo cho cả năm 2023. BVSC dự phóng doanh thu đạt 35.512 tỷ (tăng 1,5% so với cùng kỳ) và lợi nhuận ròng đạt 5.094 tỷ (giảm 2,5% so với cùng kỳ), giảm 7% và 9% so với dự báo trước. Trong đó, sự thay đổi lớn nhất là doanh thu bia tăng 1,5% (so với tăng 9,5% trước đây) và SG&A/doanh thu tăng thêm 50 điểm cơ bản. EPS dự phóng 7.308 đồng/cổ phiếu và P/E 22,2 lần.

Giao dịch tăng sở hữu chi phối tại Sabibeco sẽ hoàn thành vào đầu năm 2024. Năng lực sản xuất của Sabibeco gần 600 triệu lít/năm, tức bằng 25% tổng năng lực 2,4 tỷ lít của cả SAB và các đơn vị liên kết (Sabeco Group). Năm 2022, Sabibeco ghi nhận doanh thu 2.357 tỷ và lỗ sau thuế 3,5 tỷ, hiệu quả thấp các đơn vị liên kết khác như SMB, WSB,... Theo SAB, việc kiểm soát chi phối và cải thiện hoạt động của Sabibeco sẽ giúp nâng cao hiệu quả của cả tập đoàn. Ngoài danh mục sản phẩm cũng được bổ sung thêm bia Sagota, qua đó tăng thêm thị phần nội địa.

Với triển vọng ngắn hạn kém khả quan, BVSC tiếp tục duy trì khuyến nghị trung lập đối với SAB, trong đó hạ giá kỳ vọng xuống 182.700 đồng/cổ phiếu sau khi đã điều chỉnh giảm 9% EPS năm 2023 và giữ nguyên P/E mục tiêu 25 lần. Tuy vậy, BVSC cũng nhìn thấy điểm sáng cho năm 2024 xoay quanh việc biên lợi nhuận phục hồi nhờ giá đầu vào giảm và lợi ích cộng hưởng từ việc hợp nhất Sabibeco.

Do đó, nhà đầu tư có thể cân nhắc tích luỹ nếu giá cổ phiếu điều chỉnh về vùng hợp lý hơn, đặc biệt là khi áp lực so sánh ở quý II 2023 sắp tới với nền lợi nhuận cao năm ngoái là rất lớn.

Hải Đường

Theo VietnamFinance