Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay 25/8: TCB, DGC và BSR
TCB đang được giao dịch ở mức P/B 0,9 lần, thấp hơn mức trung bình ngành và thấp hơn triển vọng dài hạn của ngân hàng. Do đó, VDSC khuyến nghị tích lũy TCB với giá mục tiêu là 39.500 đồng/cổ phiếu tương ứng PBR 1,1 với mức sinh lời 17% so với giá đóng cứa ngày 24/8/2023.
TCB: VDSC khuyến nghị tích lũy, giá mục tiêu là 39.500 đồng/cổ phiếu
Trong quý II/2023, tổng thu nhập hoạt động của Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank, HoSE: TCB) là 9,3 nghìn tỷ (giảm 16% so với cùng kỳ), tiếp tục bị ảnh hưởng bởi thu nhập lãi thuần khi ghi nhận 6,2 nghìn tỷ (giảm 19% so với cùng kỳ, giảm 3,6% so với quý trước) đến từ việc NIM (quy năm) ghi nhận giảm 160 bps so với cùng kỳ và giảm 26 bps so với quý trước trong bối cảnh Ngân hàng đã sử dụng hết hạn mức tín dụng được cấp trong quý I.
Nợ xấu gia tăng đồng thời cũng áp lực lên chi phí dự phòng rủi ro của Ngân hàng khi chi phí dự phòng rủi ro trong kỳ là 807 tỷ đồng (tăng 93% so với cùng kỳ) khiến lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng âm 23% so với cùng kỳ đạt 5,6 nghìn tỷ.
Chi phí huy động (quy năm) trong quý II của TCB đã tăng chậm lại ở mức 21 bps. Trong khi đó, lợi suất tài sản ghi nhận giảm 10 bps đã khiến NIM của ngân hàng tiếp tục giảm 26 bps về mức 3,9%.
Lợi suất tài sản sinh lãi sụt giảm do Ngân hàng đã chuyển dịch cơ cấu cho vay sang khối khách hàng doanh nghiệp nhiều hơn và thực hiện chính sách “lãi suất linh hoạt” hỗ trợ cắt giảm lãi suất cho một số khách hàng gặp khó khăn.
Theo đó, lãi suất cho vay bình quân đối với các khoản vay có lãi suất dưới 8% và trên 10% đã giảm đáng kể so với cuối năm 2022. Tuy nhiên, các khoản hỗ trợ lãi suất này dự kiến sẽ được bù đắp khi sức khỏe tài chính của khách hàng khôi phục.
Tỷ lệ nợ xấu trong quý II là 1,07% tăng 22 bps so với quý I và 50 bps so với cùng kỳ trong đó nợ xấu từ nhóm KHCN và SME lần lượt là 1,96% và 1,51% và đặc biệt không xuất hiện nợ xấu ở khối doanh nghiệp.
Mặc dù tiềm năng mở rộng khiêm tốn trong năm 2023 do các điều kiện khó khăn, CTCP chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đánh giá khả quan với triển vọng dài hạn cho tăng trưởng bảng cân đối nhờ vào sự tiên phong và thành công của TCB trong lĩnh vực ngân hàng bán lẻ, với các trụ cột: cơ sở hạ tầng công nghệ dẫn đầu, bộ đệm vốn mạnh và hệ sinh thái được kết nối tốt, sẽ giúp ngân hàng tăng trưởng nhanh trong các giai đoạn kinh tế thịnh vượng, do vậy việc cải thiện ROE khi ngân hàng sớm vượt qua giai đoạn khó khăn sẽ giúp tái định giá lại ngân hàng.
TCB đang được giao dịch ở mức P/B 0,9 lần, thấp hơn mức trung bình ngành và thấp hơn triển vọng dài hạn của ngân hàng. Do đó, VDSC khuyến nghị tích lũy TCB với giá mục tiêu là 39.500 đồng/cổ phiếu tương ứng PBR 1,1 với mức sinh lời 17% so với giá đóng cứa ngày 24/8/2023.
DGC: VNDirect khuyến nghị khả quan, giá mục tiêu 82.200 đồng/cổ phiếu
Doanh thu quý II/2023 của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (HoSE: DGC) giảm 39,7% so với cùng kỳ, xuống còn 1.112 tỷ đồng do nhu giảm trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái.
Biên lợi nhuận gộp giảm 14,2 điểm % so với cùng kỳ nhưng tăng 3,1 điểm % so với quý trước do DGC được hưởng lợi từ nguồn cung đá giá rẻ trong quý II/2023 và giá nguyên liệu đầu vào thấp (lưu huỳnh, than cốc).
Do đó, lợi nhuận ròng của DGC trong quý II/2023 đạt 873 tỷ đồng (giảm 52,7% so với cùng kỳ và tăng 7,3% so với quý trước). Trong nửa đầu năm 2023, DGC ghi nhận DT 4.897 tỷ đồng (giảm 35,9% so với cùng kỳ) và LN ròng đạt 1.630 tỷ đồng (giảm 47,8% so với cùng kỳ), lần lượt hoàn thành 44,8% và 45,2% dự phóng của Công ty chứng khoán VNDirect.
DGC vừa đặt kế hoạch kinh doanh quý III/2023 với doanh thu đạt 2.384 tỷ đồng (giảm 1,2% so với quý trước/giảm 35,4%so với cùng kỳ) và lợi nhuận ròng đạt 800 tỷ đồng (giảm 8,2% so với quý trước/giảm 47,1% so với cùng kỳ).
VNDirect kỳ vọng lợi nhuận ròng của DGC sẽ tăng nhẹ trong quý III/2023 do đóng góp từ việc CTCP Phốt pho 6 mới hợp nhất và đẩy mạnh sản phẩm phosphoric Acid (85% H3PO4) nhờ nhu cầu axit photphoric tăng mạnh tại Ấn Độ và Mỹ.
Trong quý III/2023, DGC cũng dự kiến hoàn thành sửa chữa nhà máy Phospho 6 (chi phí sửa chữa 30 tỷ đồng), xây dựng nhà máy Na2SiF6 (5 tỷ đồng) và dây chuyền NPK tại Đăk Nông (20 tỷ đồng). VNDirect kì vọng LN ròng của DGC sẽ tăng 2,3%/4,2% so với quý trước trong quý III-quý IV/2023.
VNDirect hạ dự báo EPS năm 2023-2024 do: giá bán phốt pho vàng thấp hơn trong năm 2023 và loại bỏ dự án CAV trong năm 2024. VNDirect cũng tăng P/E mục tiêu 2023 lên 8,5 lần, tương đương với mức P/E trung vị của các công ty cùng ngành trong năm 2023 và chuyển năm cơ sở định giá đến giữa năm 2024; hạ WACC từ 16,5% xuống 15,4% để phản ánh giảm lãi suất phi rủi ro (từ 4% xuống 3%) và phần bù rủi ro vốn cổ phần (từ 11% xuống 10%) do chênh lệch CDS của Việt Nam đã thu hẹp từ đầu năm đến nay.
Do đó, VNDirect đưa ra khuyến nghị khả quan đồng thời điều chỉnh giá mục tiêu cao hơn 82.200 đồng/cổ phiếu cho DGC.
BSR: VNDirect duy trì khuyến nghị, giá mục tiêu cao hơn là 23.400 đồng/cổ phiếu
Doanh thu quý II/2023 của Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (UPCoM: BSR) giảm nhẹ 1,2% so với quý trước xuống 33.669 tỷ đồng nhờ công suất vận hành cao hơn bù đắp một phần cho việc giá bán sản phẩm của BSR giảm mạnh.
Trong khi đó, biên lợi nhuận gộp quý II/2023 giảm 2,6 điểm % so với quý trước xuống 3,5% chủ yếu do crack spread diesel và nhiên liệu bay giảm mạnh (crack spread diesel châu Á giảm 43% so với quý trước).
Trong quý II/2023, lợi nhuận tài chính thuần là trợ lực chính hỗ trợ cho LN ròng của BSR, tăng 10 lần so với cùng kỳ (và 3,6 lần so với quý trước) nhờ: thu nhập tiền gửi tăng gấp đôi so với cùng kỳ lên 393 tỷ đồng và lãi ròng tỷ giá đạt 280 tỷ đồng.
Kết quả, lợi nhuận ròng quý II/2023 giảm 17,9% so với quý trước xuống 1.339 tỷ đồng. Trong 6 tháng năm 2023, lợi nhuận ròng giảm 76% so với cùng kỳ từ mức kỷ lục của 6 tháng năm 2022 xuống 2.970 tỷ đồng, hoàn thành 37,6% dự phóng cả năm của VNDirect.
Crack spread dầu diesel tham chiếu tại châu Á dường như đã chạm đáy trong tháng 5, và tăng lên mức hiện tại là 30 USD/thùng. VNDirect nhận thấy tình trạng thiếu hụt dầu diesel trên toàn cầu, đặc biệt là ở châu Âu, vẫn đang hiện hữu do nguồn cung dầu diesel bị hạn chế trong bối cảnh nhu cầu nhiên liệu phục vụ việc sưởi ấm sẽ ngày càng tăng khi các nước phương Tây bước vào mùa đông.
Hơn nữa, hạn ngạch xuất khẩu diesel của Trung Quốc có thể bị hạn chế do nước này đang tăng cường chi tiêu cho cơ sở hạ tầng để hỗ trợ nền kinh tế, kéo theo nhu cầu nhiên liệu diesel tăng cao. Điều này sẽ hỗ trợ cho crack spread diesel duy trì ở mức cao trong phần còn lại của năm nay, đạt mức trung bình 23-18 USD/thùng trong năm 2023-2024 và là tín hiệu tích cực cho các nhà máy lọc dầu.
Do diesel là sản phẩm chính của BSR, chiếm lần lượt 40%/39%/67% tổng sản lượng, doanh thu và lợi nhuận gộp của BSR, VNDirect kỳ vọng đà tăng trở lại của crack spread diesel sẽ tiếp tục hỗ trợ LN của công ty trong nửa cuối năm. VNDirect dự báo LN ròng nửa cuối 2023 sẽ tăng 46,6% so với 6 tháng năm 2023 nhờ: crack spread diesel tăng từ mức thấp trong quý II/2023 (14,7 USD/thùng) lên 27/25 USD/thùng trong quý III-quý IV/2023, công suất vận hành duy trì ở mức cao đạt 106% và giá dầu ổn định ở mức cao sẽ giảm thiểu rủi ro giảm giá hàng tồn kho.
Trong cả năm 2023, VNDirectdự báo lợi nhuận ròng sẽ giảm 50,3% so với con số kỷ lục của năm 2022, nhưng vẫn cao hơn 9,1% so với mức trước khủng hoảng (năm 2021).
VNDirect cũng duy trì khuyến nghị khả quan với giá mục tiêu cao hơn là 23.400 đồng/cổ phiếu cho BSR do tác động trái chiều của giả định WACC thấp hơn và dự phóng EPS năm 2023-2025 thấp hơn. Động lực tăng giá tiềm năng là crack spread sản phẩm lọc dầu cao hơn kỳ vọng và tiềm năng chuyển niêm yết cổ phiếu lên HoSE trong nửa cuối năm 2023. Rủi ro giảm giá đến từ crack spread sản phẩm lọc dầu thấp hơn kỳ vọng và giá dầu tiếp tục giảm.