Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay 26/7: STK, ACB và PC1

MASVN duy trì khuyến nghị tăng tỷ trọng và nâng giá mục tiêu cho ACB lên 25.500 đồng/cổ phiếu. Các yếu tố tích cực của ACB bao gồm: chất lượng tài sản vượt trội và tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao; tăng trưởng bền bỉ trong gần một thập kỷ và nền tảng vững chắc và chiến lược kinh doanh thận trọng đảm bảo tăng trưởng dài hạn.

STK: SSI khuyến nghị trung lập, giá mục tiêu mới là 33.400 đồng/cổ phiếu

Trong quý II/2023, Công ty Cổ phần Sợi Thế Kỷ (HoSE: STK) đạt doanh thu thuần và lợi nhuận ròng lần lượt là 407 tỷ đồng (giảm 23% so với cùng kỳ; tăng 41% so với quý trước) và 38 tỷ đồng (giảm 47% so với cùng kỳ), cao hơn ước tính của Công ty chứng khoán SSI.

Công ty tự tin rằng các đơn đặt hàng sẽ tiếp tục cải thiện về số lượng trong quý III và quý IV/2023 so với quý trước. Xu hướng giảm của giá chip PET trung bình sẽ tiếp tục giúp biên lợi nhuận gộp cải thiện trong nửa cuối năm 2023.

Trong năm 2023, SSI ước tính doanh thu thuần và lợi nhuận ròng của STK lần lượt đạt 1,8 nghìn tỷ đồng (giảm 14,7% so với cùng kỳ) và 167 tỷ đồng (giảm 31% so với cùng kỳ).

Trong năm 2024, SSI ước tính doanh thu thuần và lợi nhuận ròng lần lượt đạt 2,2 nghìn tỷ đồng (tăng 19,7% so với cùng kỳ) và 225 tỷ đồng (tăng 34,4% so với cùng kỳ).

SSI đã áp dụng mức P/E trung bình lịch sử là 14x cho EPS 2024 để đưa ra mức giá mục tiêu mới cho cổ phiếu STK là 33.400 đồng/cổ phiếu (tăng từ 26.800 đồng/cổ phiếu), với tiềm năng tăng giá là 5%.

Công ty chứng khoán này cũng lặp lại khuyến nghị trung lập đối với cổ phiếu STK. Do STK hoạt động ở phân khúc cao hơn chuỗi giá trị ngành, SSI kỳ vọng kết quả doanh thu sẽ là dấu hiệu đầu tiên cho thấy sự phục hồi của ngành, tiếp sau đó là các doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc khác.

ACB: MASVN duy trì khuyến nghị tăng tỷ trọng, nâng giá mục tiêu lên 25.500 đồng/cổ phiếu

Dù chất lượng tài sản có phần sụt giảm, nhưng so với mặt bằng chung, chỉ số của ACB vẫn tỏ ra vượt trội so với phần lớn các NHTM. Theo quan điểm của MASVN, kinh tế tăng trưởng chậm sẽ dẫn đến chi phí trích lập dự phòng ngắn hạn cho ACB (so với gánh nặng dài hạn) nhờ dư nợ cho vay của ACB tập trung vào nhóm khách hàng cá nhân (KHCN) và doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN). Trong 5 năm qua, tỷ trọng hai nhóm này luôn chiếm hơn 90% dư nợ cho vay của ACB (94% tính đến quý II năm 2023), điều này sẽ loại trừ yếu tố bất ngờ từ áp lực trích lập dự phòng tăng đột biến do rủi ro thanh khoản khó khăn của các tập đoàn với bối cảnh kinh tế bất ổn.

Các tỷ lệ an toàn vốn (CAR) cao và thanh khoản ổn định sẽ tạo động lực cho tăng trưởng dài hạn của ngân hàng. Đến cuối quý II/2023, CAR ACB tăng nhẹ 0,1% so với 2022 lên 12,9%. Bên cạnh đó, các tỷ lệ đo sức khỏe thanh khoản của ngân hàng duy trì ở mức an toàn, bao gồm tỷ lệ cho vay trên tiền gửi (LDR) (79,1% so với trần là 85%), tỷ lệ huy động vốn ngắn hạn trên tổng cho vay trung dài hạn (19,2% so với trần 34%) và tỷ lệ dự trữ thanh khoản(17,2% so với tối thiểu 10%). Nhìn chung, ACB được kỳ vọng duy trì tăng trưởng tín dụng ổn định, qua đó hỗ trợ tăng trưởng thu nhập.

Đến cuối quý II/2023, tổng danh mục cho vay của ngân hàng tăng 4,6% so với 2022 hay 5,4% so với quý I/2023, đạt 429 nghìn tỷ.

Như vậy tăng trưởng tín dụng của ACB đã bắt kịp với tăng trưởng chung của ngành trong quý II. Về huy động, tăng trưởng tiền gửi của ACB có phần vượt trội hơn so với mặt bằng chung là 4,2% so với 2022 trong khi toàn hệ thống chỉ tăng trưởng 3,3% đến 20/06/2023.

Do tác động của các yếu tố bất lợi trong điều kiện vĩ mô, chất lượng tài sản của ACB tiếp tục suy giảm trong quý II/2023. Tổng nợ dưới chuẩn tăng 13,3% so với 2022 lên 4,5 nghìn tỷ, tương đương với tỷ lệ nợ xấu (NPL) là 1,07% (tăng 12bps so với 2022).

Lợi nhuận của ACB trong quý II đi ngang do thiếu hỗ trợ từ nguồn thu nhập bán chéo bảo hiểm. LNTT quý II đạt 4,8 nghìn tỷ (giảm 1,7% so với cùng kỳ), do thu nhập thuần từ các hoạt động dịch vụ và thu nhập khác giảm lần lượt 19,4% và 21,7% so với cùng kỳ. Lũy kế 2 quý đầu năm 2023, LNTT ACB đạt xấp xỉ 10 nghìn tỷ, tăng 11% so với cùng kỳ và đạt 50% KHKD.

MASVN duy trì khuyến nghị tăng tỷ trọng và nâng giá mục tiêu cho ACB lên 25.500 đồng/cổ phiếu (từ 22.900 đồng, đã điều chỉnh cổ tức), do các điều chỉnh tăng trong dự phóng lợi nhuận của ngân hàng. Các yếu tố tích cực của ACB bao gồm: chất lượng tài sản vượt trội và tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao; tăng trưởng bền bỉ trong gần một thập kỷ và nền tảng vững chắc và chiến lược kinh doanh thận trọng đảm bảo tăng trưởng dài hạn.

PC1: VDSC khuyến nghị trung lập, giá mục tiêu 28.300 đồng/cổ phiếu

Quý I/2023, CTCP Tập đoàn PC1 (HoSE: PC1) ghi nhận doanh thu thuần và LNST sau lợi ích CĐTS lần lượt là 1.505 tỷ đồng (tăng 2% so với cùng kỳ) và 14,7 tỷ đồng (giảm 89% so với cùng kỳ). Dù có phần đóng góp mới từ mảng khai thác, vận hành KCN, lợi nhuận thấp bởi đóng góp từ thủy điện giảm mạnh khi sản lượng giảm 59% so với cùng kỳ, chi phí lãi vay tăng mạnh +81% so với cùng kỳ, ghi nhận 202 tỷ đồng.

Cho quý II/2023, VDSC dự phóng doanh thu thuần và LNST công ty mẹ lần lượt đạt 1.518 tỷ đồng (tăng 1% so với quý trước, tăng 0% so với cùng kỳ) và 39 tỷ đồng (tăng 166% so với quý trước, giảm 38% so với cùng kỳ). Mức lợi nhuận thấp do đóng góp từ mảng điện thấp, cụ thể là thủy điện; trong khi đó mảng xây lắp & SXCN sẽ sôi động hơn, BĐS KCN và điện gió sẽ tiếp tục duy trì ổn định.

Nhìn chung, cho cả năm 2023, VDSC dự phóng doanh thu thuần và LNST sau lợi ích CĐTS sẽ lần lượt đạt 8.941 tỷ đồng (tăng 7,0% so với cùng kỳ) và 457 tỷ đồng (giảm 0% so với cùng kỳ). EPS 2023 tương ứng là 1.561 đồng. Trong đó, lợi nhuận đóng góp từ dự án Niken và BĐS KCN kỳ vọng sẽ bù đắp cho phần sụt giảm từ mảng xây lắp và thủy điện. Chi phí lãi vay cao với các khoản vay có lãi suất thả nổi dự kiến vẫn sẽ gây áp lực lên lợi nhuận của PC1.

Về dự án Niken, với loại quặng chứa 7,5% Ni và giả định giá bán khoảng $900/tấn, VDSC dự phóng lĩnh vực mới này sẽ đóng góp vào doanh thu lần lượt khoảng 954 và 1.109 tỷ đồng trong năm 2023 và 2024, LNST khoảng 31 và 39 tỷ đồng cho KQKD công ty mẹ.

Trong năm 2023, PC1 bắt đầu ghi nhận doanh thu và lợi nhuận từ việc quản lý, vận hành KCN Nomura từ Q1. VDSC dự phóng doanh thu và lợi nhuận gộp từ việc quản lý vận hành và bán điện cho KCN trong năm 2023 lần lượt đạt 605 tỷ đồng và 106 tỷ đồng.

QHĐ VIII được phê duyệt mở ra kỳ vọng tăng trưởng trong trung và dài hạn cho PC1 với hoạt động xây lắp lưới truyền tải và các dự án NLTT. Tuy nhiên trong năm 2023, VDSC cho rằng hai lĩnh vực kinh doanh cốt lõi đóng góp vào phần lớn cơ cấu lợi nhuận của PC1 là xây lắp điện & sản xuất điện sẽ có thể ghi nhận KQKD thấp hơn so với cùng kỳ.

Năm 2023 cũng là năm doanh nghiệp dự kiến sẽ ghi nhận thêm đóng góp của hai lĩnh vực mới, là khai khoáng và quản lý, vận hành KCN.

Trên cơ sở dự phóng thận trọng đóng góp của hai mảng kinh doanh mới vào cơ cấu lợi nhuận của PC1, VDSC kỳ vọng hai dự án mới bù đắp được phần lợi nhuận thiếu hụt do hoạt động xây lắp và sản xuất điện kém khả quan.

Kết hợp hai phương pháp định giá tổng các thành phần (SoP) và P/E với tỷ lệ là 70/30, VDSC ước tính giá trị hợp lý của cổ phiếu PC1 ở mức 28.300 đồng/cổ phiếu cho tầm nhìn một năm đồng thời cho rằng kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận trong giai đoạn tới phần lớn đã phản ánh vào giá cổ phiếu. Do đó, với mức sinh lời kỳ vọng giảm 2% dựa trên giá đóng cửa ngày 24/07/2023, VDSC cũng khuyến nghị trung lập với PC1.

Minh Tuệ

Theo VietnamFinance