Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (8/5): ACB, SCS và GEG

MBS cho rằng trong trung và dài hạn, ACB có khả năng tiếp tục đưa ra mức lãi suất huy động thấp hơn. Điều này góp phần giúp ACB có dư địa để áp dụng mức lãi suất cho vay thấp hơn, tạo lợi thế cạnh tranh trong ngành đối với các khoản vay mới. Chính vì vậy, NIM của ACB được MBS kỳ vọng vẫn được duy trì ở quanh mức 4,2% trong các năm tới.

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (8/5): ACB, SCS và GEG
Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (8/5): ACB, SCS và GEG

ACB: MBS khuyến nghị mua với giá mục tiêu 29.810 đồng/cổ phiếu

Tổng thu nhập hoạt động trong 3 tháng đầu năm của Ngân hàng TMCP Á Châu (HoSE: ACB) tăng 15,6% so với cùng kỳ, với động lực chính đến từ khoản thu nhập lãi thuần và ngoài lãi đều có sự tăng trưởng so với cùng kỳ. Khoản thu nhập lãi thuần tăng 14% so với cùng kỳ, và thu nhập ngoài lãi tăng 21% so với cùng kỳ.

NIM trong quý I/2023 tiếp tục ổn định cho thấy khả năng sinh lời tốt của ACB. Ngân hàng có tổng tài sản đạt 611.224 tỷ đồng. Tổng dư nợ tín dụng giảm 0,6% trong 3 tháng đầu năm, đạt gần 411,3 nghìn tỷ đồng (ngân hàng không đầu tư trái phiếu doanh nghiệp).

Trong năm 2023, ACB hoạch định hạn mức tăng trưởng tín dụng ở mức 9,7%. Đồng thời, ngân hàng cũng lên kế hoạch chia cổ tức 25% trong năm nay, trong đó 15% bằng cổ phiếu và 10% bằng tiền mặt. Như vậy, ACB có khả năng phát hành hơn 5 triệu cổ phiếu để chia cổ tức năm 2022 (dự kiến diễn ra trong quý III/2023), và vốn điều lệ sẽ tăng từ 33,774 tỷ đồng lên 38,840 tỷ đồng.

Ngoài ra, trong giai đoạn 2023-2027, ngân hàng cũng đưa ra những dự phóng như tổng tài sản dự kiến tăng bình quân 14%/năm, tiền gửi khách hàng tăng 13%/năm, dư nợ cho vay tăng 14%/năm, vốn chủ sở hữu tăng 19%/năm, trong đó vốn điều lệ tăng khoảng 11%/năm, lợi nhuận trước thuế tăng khoảng 18%/năm.

Tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) của ACB được kỳ vọng tiếp tục duy trì trong các năm tới. Dữ liệu quá khứ cho thấy, lãi suất huy động của ACB luôn tương đối thấp hơn so với các doanh nghiệp cùng ngành ở hầu hết các kỳ hạn. Dựa theo số liệu vào ngày 31/3/2023, lãi suất điều hành của trung bình ngành ngân hàng lớn hơn lãi suất huy động của ACB khoảng 1 đến 3 điểm cơ bản ở hầu hết các kỳ hạn (trừ kỳ hạn 24 tháng và 48 tháng).

Vì vậy, Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho rằng trong trung và dài hạn, ACB có khả năng tiếp tục đưa ra mức lãi suất huy động thấp hơn so với các doanh nghiệp cùng ngành. Điều này góp phần giúp ACB có dư địa để áp dụng mức lãi suất cho vay thấp hơn, qua đó, tạo lợi thế cạnh tranh trong ngành đối với các khoản vay mới. Chính vì vậy, NIM của ACB được MBS kỳ vọng vẫn được duy trì ở quanh mức 4,2% trong các năm tới.

Theo MBS, chất lượng tài sản của ACB nằm trong top các doanh nghiệp cùng ngành. Đến thời điểm cuối năm 2022, ACB đã trích lập dự phòng cụ thể bổ sung đủ 100% cho số dư nợ của khách hàng có nợ được cơ cấu theo Thông tư 03. Như vậy, việc trích lập đầy đủ sớm hơn 1 năm so với quy định sẽ giúp ngân hàng giảm áp lực lên lợi nhuận trong năm 2023.

Trong năm 2022, ACB ghi nhận khoản hoàn nhập dự phòng 381 tỷ đồng từ khách hàng vay bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tỷ lệ nợ xấu của ACB đạt 0,74% cuối năm 2022, là một trong các ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất. Tỷ lệ trích lập dự phòng đạt 159.27% cuối năm 2022, năm trong top 5 ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao nhất ngành.

ACB sở hữu danh mục đầu tư trái phiếu lành mạnh với trái phiếu Chính phủ (85% tổng danh mục) và trái phiếu các tổ chức tín dụng (15% tổng danh mục). ACB cũng là một trong những ngân hàng nói không với việc đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp trong nhiều năm qua. Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) cuối năm 2022 ở mức 12,8%. ROA và ROE liên tục cải thiện qua các năm, trong đó ROEA và ROAA đạt mức lần lượt là 23,42% và 2,25%.

MBS dự phóng TOI của ACB trong năm 2023 sẽ đạt 32.400 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ, với kỳ vọng NIM vẫn tiếp tục duy trì quanh mức 4,2% và hoạt động ngoài lãi sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt trong năm nay, với việc ghi nhận khoản upfront fee (khoảng 568 tỷ đồng) hàng năm.

Lợi nhuận trước thuế năm 2023 dự phóng đạt gần 18.700 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ, chủ yếu đến từ việc gia tăng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng trong năm nay lên 1.200 tỷ đồng. Mặc dù đầu năm nay, hạn mức tín dụng ACB được cấp đạt 9,7%, MBS vẫn cho rằng ngân hàng có khả năng được nới room quota trong năm nay, với tổng hạn mức tín dụng trong năm là 12%.

Tại mức giá hiện tại, ACB đang giao dịch tại mức P/B dự phóng 1,1 lần lần cho năm 2023, thấp hơn so với P/B ngành (1,5 lần ). Với chất lượng tài sản cũng như dựa theo P/B quá khứ của ACB và P/B của các ngân hàng trên sàn HoSE, MBS dự phóng P/B của ACB ở quanh 1,4 lần.

SCS: SSI khuyến nghị trung lập với giá mục tiêu 68.300 đồng/cổ phiếu

Trong quý I/2023, doanh thu của Công ty Cổ phần Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn (HoSE: SCS) giảm 33% so với cùng kỳ đạt 162 tỷ đồng, tương ứng với sản lượng giảm 34% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế giảm 35% so với cùng kỳ và đạt 129 tỷ đồng, mang lại biên lợi nhuận trước thuế là 79%, nhưng thấp hơn mức 82% trong quý I/2022. Lợi nhuận sau thuế đạt 113 tỷ đồng (giảm 40% so với cùng kỳ).

Mặc dù SCS phải đối mặt với những thách thức trong ngắn hạn do nhu cầu thế giới yếu, nhưng công ty có nền tảng tài chính mạnh và chất lượng quản lý tốt, do đó, đây vẫn là một lựa chọn đầu tư dài hạn tốt với mức giá phù hợp.

Việc trì hoãn xây dựng Sân bay Quốc tế Long Thành, giúp Sân bay Tân Sơn Nhất kéo dài thời gian với vai trò là cửa ngõ duy nhất đối với hàng hóa hàng không ở miền Nam, đây là một điều rất tích cực đối với SCS.

Công ty Chứng khoán SSI cho rằng triển vọng của SCS trong năm 2023 có thể khá biến động và khó xác định chính xác, với những lý do như địa chính trị căng thẳng & leo thang, chính sách thắt chặt tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và tình hình kinh tế trong nước. Doanh thu của SCS bị ảnh hưởng bởi cả nhu cầu trong nước và nhu cầu thế giới yếu, do đó SSI cho rằng năm 2023 sẽ tiếp tục là năm có mức sụt giảm sâu về sản lượng.

Mức độ suy giảm trong thời gian còn lại của năm 2023 sẽ thu hẹp hơn so với quý I/2023, nhờ mức nền không quá cao, đồng thời trong kịch bản cơ sở, SSI cũng kỳ vọng các hoạt động thương mại sẽ phục hồi trong nửa cuối năm 2023, do lượng hàng tồn kho giảm và bắt đầu có nhiều đơn đặt hàng hơn. SSI cũng cho rằng các nền kinh tế lớn trên toàn cầu sẽ chuyển sang nới lỏng tiền tệ và giảm lãi suất từ năm 2024, kéo theo sự phục hồi tích cực từ năm 2024.

Nhìn chung, lợi nhuận sau thuế của SCS năm 2023 ước tính sẽ giảm 25% so với cùng kỳ trước khi tăng trở lại 16% so với cùng kỳ trong năm 2024, cùng với sự tăng trưởng về sản lượng.

Kết hợp các ước tính mới/ước tính về ngành/ước tính của công ty cho quý/năm/vài năm tới, SSI tiếp tục sử dụng phương pháp DCF để định giá SCS trong dài hạn. SSI đưa ra mức giá mục tiêu 1 năm mới là 68.300 đồng/cổ phiếu (tiềm năng tăng giá là 4%), và duy trì khuyến nghị trung lập đối với cổ phiếu.

SCS hiện được giao dịch ở mức P/E là 13,5 lần, cao hơn một chút so với mức định giá chung của thị trường, nhưng thấp hơn mức P/E lịch sử của SCS là 15-16 lần (theo quan điểm của SSI mức này là hợp lý do triển vọng tăng trưởng lợi nhuận chậm hơn so với các năm trước). Trong ngắn hạn, SSI kỳ vọng nhu cầu xuất nhập khẩu sẽ cải thiện vào nửa cuối năm 2023, đây sẽ là yếu tố hỗ trợ cho giá cổ phiếu và SSI sẽ xem xét lại ước tính và định giá.

GEG: PHS khuyến nghị mua với giá mục tiêu 18.600 đồng/cổ phiếu

Năm 2023, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của Công ty Cổ phần Điện Gia Lai (HoSE: GEG) dự kiến lần lượt là 2.785 tỷ đồng và 155 tỷ đồng. Kế hoạch này dựa trên giả định rằng sản lượng điện sẽ đạt 1,3 tỷ kWh trong năm nay, trong đó, điện gió sẽ chiếm tỷ trọng cao nhất với 537 triệu kWh (chiếm 68%).

Mức lợi nhuận sau thuế này thấp hơn đáng kể so với dự báo của Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS). Cụ thể, PHS dự báo doanh thu thuần năm 2023 của GEG đạt 2.481 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 253 tỷ đồng.

Dù GEG sẽ rơi vào giai đoạn khó khăn, PHS vẫn cho rằng kế hoạch này là tương đối thận trọng khi mảng điện mặt trời của công ty có thể hưởng lợi đáng kể từ chu kỳ El Nino sắp diễn ra ngay trong năm 2023.

Dự án điện gió Tân Phú Đông 1 của GEG hiện tại đã hoàn thành việc thi công lắp đặt và ban lãnh đạo kỳ vọng dự án sẽ đi vào hoạt động từ quý III/2023, sau khi hoàn thành thỏa thuận giá bán điện với EVN với mức thấp hơn giá FIT trước đó khoảng 15-20%.

Từ cơ sở đó, PHS ước tính dự án Tân Phú Đông 1 sẽ đóng góp sản lượng hơn 140 triệu kWh và mang về thêm 282 tỷ đồng doanh thu thuần cho công ty trong năm 2023.

Trong năm 2023, GEG dự kiến chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 6% để tăng vốn điều lệ (sở hữu 100 cổ phiếu sẽ nhận được 6 cổ phiếu mới).

Theo PHS, sản lượng và doanh thu của GEG sẽ tăng đáng kể trong năm 2023, nhờ nhà máy điện gió Tân Phú Đông 1 sắp đi vào hoạt động, với giá bán thấp hơn khoảng 15% so với FIT trước đây và mang lại doanh thu tăng thêm 282 tỷ đồng trong năm 2023.

GEG đang đẩy nhanh phát triển dự án điện gió mới VPL2 có tổng công suất 30MW vào năm 2024, cùng với Tân Phú Đông 1, cả hai sẽ tăng gấp đôi công suất điện gió lắp đặt hiện tại sau khi hoàn thành và sẽ đóng góp hơn 660 tỷ đồng vào tổng Doanh thu thuần vào năm 2025 theo dự phóng của PHS.

Việc EVN được phép tăng 3% giá điện ngay trong tháng 5/2023 có thể giúp cải thiện tình hình công nợ với GEG, từ đó giúp giải tỏa áp lực dòng tiền. PHS kỳ vọng đợt tăng giá tiếp theo (khoảng 5%) sẽ diễn ra vào nửa cuối năm 2023.

Sử dụng phương pháp DCF và P/E, PHS ước tính giá trị hợp lý là 18.600 đồng/cổ phiếu. Do đó, PHS đưa ra khuyến nghị mua với mức tăng giá tiềm năng là 13%. Định giá của PHS đã bao gồm 2 nhà máy điện gió sắp tới với tổng công suất 130MW nhưng chưa tính đến dự án điện mặt trời Đức Huệ 2 với công suất 49MWp do sự không chắc chắn liên quan đến chính sách khuyến khích phát triển năng lượng mặt trời, do giá đề xuất của EVN cho các dự án điện mặt trời chuyển tiếp thấp hơn nhiều so với giá FIT trước đây (1.188 đồng/kWh đối với điện mặt trời mặt đất và 1.570 đồng/kWh đối với điện mặt trời nổi)

Hải Đường

Theo VietnamFinance