Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (28/9): DBD, GAS và GMD
VDSC cho rằng giá cổ phiếu GMD sẽ khó có diễn biến tốt trong ngắn hạn khi công ty này sẽ đối mặt với khó khăn ngắn hạn của thương mại toàn cầu giảm do lạm phát cao ở các đối tác thương mại chính của Việt Nam. Tuy nhiên, GMD có triển vọng dài hạn tươi sáng đến từ giai đoạn 2 của cảng Nam Đình Vũ và Gemalink.
DBD: BVSC khuyến nghị khả quan với giá mục tiêu 53.800 đồng/cổ phiếu
Công ty Cổ phần Dược Bình Định (HoSE: DBD) ghi nhận doanh thu thuần luỹ kế 6 tháng đầu năm 2022 đạt 695,7 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2021. Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 110 tỷ đồng, tương đương tăng trưởng 17,6%. Kết quả này đạt được là nhờ DBD thay đổi cơ cấu kinh doanh và đẩy mạnh bán các mặt hàng dược phẩm công ty tự sản xuất, hiệu quả kinh doanh tăng so với cùng kỳ.
Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) ước tính doanh thu và lợi nhuận sau thuế của DBD trong năm 2022 của DBD lần lượt đạt 1.618 tỷ đồng (+3.8% so với mức thực hiện năm 2021) và 201 tỷ đồng (tăng 6%). Công ty chứng khoán này cũng ước tính CAGR (tỷ lệ tăng trưởng kép) của doanh thu và lợi nhuận sau thuế của DBD lần lượt ở mức 29%/năm và 32%/năm trong giai đoạn 2022 - 2026, động lực tăng trưởng chính đến từ việc giành thị phần thuốc điều trị ung thư ở nhóm 1 & nhóm 2 tại kênh bệnh viện (ETC) sau khi nhà máy công nghệ cao Nhơn Hội đạt chuẩn EU – GMP và mở rộng nhóm ngành hàng mới tại kênh bán lẻ.
Theo BVSC, hiện tại trong nước có khoảng 10 công ty sản xuất thuốc điều trị ung thư. Trong đó, DBD là doanh nghiệp tiên phong sản xuất thuốc điều trị ung thư với hơn 20 loại hoạt chất khác nhau, trong khi các doanh nghiệp còn lại chỉ có 1-4 hoạt chất trong nhóm 3-5. Công ty có những sản phẩm thuốc điều trị ung thư chiếm đến 80% thị phần về sản lượng.
Công ty chứng khoán này cho rằng, dư địa tăng trường dài hạn trong kênh ETC vẫn còn lớn nhờ xây dựng các nhà máy mới đạt tiêu chuẩn GMP PICs/EU. Theo đó, từ năm 2018, DBD đã có kế hoạch xây dựng 3 nhà máy mới đạt tiêu chuẩn GMP PICs/EU trong giai đoạn 2022 – 2030 với công suất tăng gấp 3 lần so với hiện tại của nhóm thuốc ung thư, thuốc uống dạng rắn không kháng sinh (Non Betalactam) và thuốc vô trùng.
Mục tiêu chính của DBD trong dài hạn là giành thị phần tại kênh bệnh viện ở nhóm 1 & nhóm 2 bởi các hợp đồng thuốc điều trị ung thư ở nhóm thuốc biệt dược, thuốc nhóm 1 & nhóm 2 đều có giá trị lớn, chiếm đến 85-90% tổng giá trị đấu thầu nhóm thuốc ung thư tại bệnh viện.
Theo BVSC, mở rộng kênh cửa hàng thuốc sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng các sản phẩm cốt lõi khác. DBD hiện đang nhanh chóng mở rộng kết nối với các cửa hàng thuốc trên toàn quốc. Năm 2020, công ty phân phối cho 5.000 nhà thuốc, đến tháng 8/2022 số lượng nhà thuốc mà công ty phân phối đã tăng gần gấp 4 lần, đạt sấp xỉ 18.000 nhà thuốc.
DBD đặt kế hoạch khá tham vọng là sẽ phân phối cho 30.000 nhà thuốc vào năm 2025. Bên cạnh đó, công ty này cũng nỗ lực gia tăng doanh thu trung bình/ cửa hàng thuốc thông qua đẩy mạnh thêm ngành hàng thực phẩm chức năng (Consumer Healthcare Products) tập trung vào nhóm trẻ em và phụ nữ có con, nhóm trung niên và người cao tuổi.
Công ty dự kiến doanh thu trung bình/cửa hàng sẽ cán mốc 60 - 80triệu/cửa hàng vào năm 2025 - đây là mức trung bình của ngành, với tốc độ tăng trưởng doanh thu/cửa hàng khoảng 20-25%/năm.
BVSC khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu DBD, giá mục tiêu là 53.800 đồng/cổ phiếu.
GAS: SSI khuyến nghị khả quan với giá mục tiêu 128.000 đồng/cổ phiếu
Công ty Chứng khoán SSI cho biết theo tiết lộ của ban lãnh đạo Tổng công ty Khí Việt Nam (HoSE: GAS), trong ba quý đầu năm 2022, GAS dự kiến đạt 76,5 nghìn tỷ đồng doanh thu (tăng 30% so với cùng kỳ) và 14 nghìn tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (tăng 61,8% so với cùng kỳ). Cho cả năm 2022, ban lãnh đạo ước tính doanh thu và lợi nhuận trước thuế sẽ lần lượt đạt 100 nghìn tỷ đồng (tăng 26,6% so với cùng kỳ) và 15,5 nghìn tỷ đồng (tăng 38,4% so với cùng kỳ).
SSI kỳ vọng GAS sẽ ghi nhận 16,8 nghìn tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (tăng 56,5% so với cùng kỳ) và 13,5 nghìn tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (tăng 56,5% so với cùng kỳ). Quý III/2021 là mức nền so sánh thấp cho sản lượng tiêu thụ khí khô của GAS, do các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt được áp dụng tại Việt Nam trong giai đoạn này đã dẫn đến hiệu suất hoạt động các nhà máy nhiệt điện thấp.
Trong quý III, SSI ước tính sản lượng khí của GAS đạt 1,7 tỷ mét khối, tăng 13% so với cùng kỳ do nhu cầu phục hồi từ các nhà máy điện, trong khi lượng khí bán cho các nhà máy đạm và nhà máy công nghiệp vẫn duy trì tốt.
Trong 9 tháng đầu năm 2022, tổng lượng khí tiêu thụ ở mức 5,7 tỷ mét khối (tăng 4% so với cùng kỳ).
Năm tới, SSI cho rằng sản lượng khí khô sẽ hồi phục trở lại mức bình thường do nhu cầu tiêu thụ mạnh hơn, đặc biệt là trong bối cảnh thủy điện có thể sẽ không tốt nhưng 2 năm vừa qua do hình thái La Nina có thể sẽ suy giảm vào năm tới.
Ban lãnh đạo GAS đã thảo luận về triển vọng chung của ngành công nghiệp khí Việt Nam. Dự án LNG Thị Vải sẵn sàng hoạt động vào quý IV/2022, và quá trình ký kết hợp đồng LNG cho việc chạy thử dự án đang được triển khai. Ban lãnh đạo cũng chia sẻ quan điểm rằng mặc dù giá LNG nhập khẩu cao hơn giá khí khô trong nước hiện tại, nhưng đó không phải là sự so sánh phù hợp vì Việt Nam đang cạn kiệt nguồn khí giá rẻ. LNG nhập khẩu sẽ giúp theo đuổi chiến lược an ninh năng lượng trong dài hạn.
Theo SSI, lợi nhuận theo quý đã đạt đỉnh vào quý II/2022. GAS có thể sẽ ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận là 12% trong 6 tháng cuối năm 2022, giảm tốc so với 6 tháng đầu năm 2022 (tăng 96% so với cùng kỳ).
SSI duy trì khuyến nghị khả quan với cổ phiếu GAS, giá mục tiêu 128.000 đồng/cổ phiếu.
GMD: VDSC khuyến nghị mua với giá mục tiêu 61.100 đồng/cổ phiếu
Trong quý II/2022, Công ty Cổ phần Gemadept (HoSE: GMD) công bố doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 978 và 288 tỷ đồng, tương ứng tăng 30% và tăng 103% so với cùng kỳ. Theo Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), mặc dù sản lượng giảm 2% so với quý liền trước và giảm 20% so với cùng kỳ (không tính cảng Gemalink), biên lợi nhuận gộp của GMD tăng 456 điểm cơ bản so với quý liền trước và tăng 211 điểm cơ bản so với cùng kỳ lên 45% nhờ quản lý chi phí tốt hơn.
Về cảng Gemalink, thông lượng đạt 330.000 TEU trong quý II/2022, tăng gần gấp đôi so với năm 2021. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế thấp hơn quý I do chi phí tài chính (VND giảm giá và lãi suất tăng). Trong khi đó, các cảng biển ở Hải Phòng mất sức cạnh tranh kể từ khi HITC hoàn thành việc nạo vét, dẫn đến sản lượng giảm nhẹ.
Đầu quý III/2022, VDSC cho biết tổng thông lượng hàng hóa đã phản ánh sự giảm tốc của các hoạt động thương mại tại Việt Nam. Trong 8 tháng năm 2022, khu vực Hải Phòng là khu vực đóng góp nhiều nhất, tăng 10% YoY trong khi Vũng Tàu và TP. HCM chỉ tăng 1% so với cùng kỳ.
Nằm ở khu vực Cái Mép - Thị Vải có nhiều tiềm năng phát triển thành cửa ngõ giao thương quốc tế chính, Gemalink Terminal có nhiều động lực phát triển. Theo đó, GMD đặt mục tiêu tăng gấp đôi công suất lên 3 triệu TEU và đưa vào hoạt động từ năm 2024.
VDSC cho rằng cụm cảng Gemalink sẽ trở thành động lực tăng trưởng trong những năm tới. Công ty có kế hoạch bắt đầu giai đoạn 2 Gemalink vào cuối năm nay, tuy nhiên, chúng ta cần chờ đợi tiến độ xin giấy phép xây dựng.
Về cụm cảng Hải Phòng, cảng Nam Đình Vũ vẫn đang chịu áp lực cạnh tranh gay gắt từ cảng nước sâu HICT. Tuy nhiên, nhằm hưởng lợi sự tăng trưởng thuần tại Hải Phòng, GMD có kế hoạch đưa giai đoạn 2A và 2B vào hoạt động lần lượt từ năm 2023 và 2025, tăng 125% so với công suất hiện tại.
VDSC cho rằng giá cổ phiếu sẽ khó có diễn biến tốt trong ngắn hạn khi GMD sẽ đối mặt khó khăn ngắn hạn của thương mại toàn cầu giảm do lạm phát cao ở các đối tác thương mại chính của Việt Nam. Tuy nhiên, công ty có triển vọng dài hạn tươi sáng đến từ giai đoạn 2 của cảng Nam Đình Vũ và Gemalink.
Công ty chứng khoán này khuyến nghị mua cổ phiếu GMD với giá mục tiêu 61.100 đồng/cổ phiếu.