Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (3/8): IDC, GMD và CTG

Công ty Chứng khoán Mirae Asset (MASVN) nhận định, một số mảng kinh doanh và triển vọng của IDC trong thời gian tới được dẫn đầu là mảng bất động sản khu công nghiệp. Lĩnh vực này của IDC đang sở hữu doanh thu chưa thực hiện tại các khu công nghiệp đã lắp đầy gần 5.900 tỷ đồng với biên lợi nhuận ròng khoảng 50%.

MASVN: Khuyến nghị mua IDC với giá mục tiêu 76.800 đồng/cổ phiếu

Theo số liệu riêng lẻ, Tổng công ty IDICO - CTCP (HNX: IDC) ghi nhận doanh thu thuần quý II công ty mẹ đạt 2.196 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số 93 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Khấu trừ chi phí, IDC thu về lợi nhuận sau thuế 1.416 tỷ đồng, tăng gấp 7 lần cùng kỳ năm.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm, IDC công bố doanh thu thuần đạt 2.890 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 1.627 tỷ đồng, lần lượt gấp 16 lần và 6 lần kết quả thực hiện trong nửa đầu năm 2021.

Giải trình về lợi nhuận tăng trưởng trong quý II, IDC cho biết chủ yếu là nhờ ghi nhận doanh thu tại các hợp đồng tại dự án khu công nghiệp: Nhơn Trạch 5, Phú Mỹ 2, Phú Mỹ 2 mở rộng và Hựu Thạnh.

Tại thời điểm 30/6/2022, tổng tài sản của IDC đạt 10.896 tỷ đồng, giảm nhẹ so với con số đầu năm. Nợ phải trả giảm từ 7.311 tỷ đồng xuống 5.774 tỷ đồng. Trong đó, khoản giảm mạnh nhất là vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn, từ 1.181 tỷ đồng hồi đầu năm xuống còn 269 tỷ đồng. Tuy nhiên nợ vay dài hạn lại tăng hơn 600 tỷ đồng, lên 1.928 tỷ đồng.

Công ty Chứng khoán Mirae Asset (MASVN) nhận định, một số mảng kinh doanh và triển vọng của IDC trong thời gian tới được dẫn đầu là mảng bất động sản khu công nghiệp. Lĩnh vực này của IDC đang sở hữu doanh thu chưa thực hiện tại các khu công nghiệp đã lắp đầy gần 5.900 tỷ đồng với biên lợi nhuận ròng khoảng 50%.

Các khu công nghiệp chưa lắp đầy gồm Khu công nghiệp Phú Mỹ 2 và Phú Mỹ 2 mở rộng, với giá thuê hơn 125 USD/m2, doanh thu hơn 7.250 tỷ đồng, lợi nhuận hơn 5.860 tỷ đồng; Khu công nghiệp Hựu Thạnh với giá thuê 135 USD/m2, doanh thu 12.545 tỷ đồng, lợi nhuận xấp xỉ 6,270 tỷ đồng; Khu công nghiệp Quế Võ II với giá thuê 115 USD/m2, doanh thu 2.492 tỷ đồng, lợi nhuận 1.718 tỷ đồng và Khu công nghiệp Cầu Nghìn với giá thuê 60 USD/m2, doanh thu 1.414 tỷ đồng, lợi nhuận 469 tỷ đồng.

Về phía mảng bất động sản dân cư và thương mại, một số dự án tiềm năng khác của IDC là Khu nhà ở công nhân Nhơn Trạch 2. Dự án này đã được UBND chuyển đổi mục đích sử đất từ khu công nghiệp sang đất xây dựng nhà ở cho công nhân (được quyền bán) và đang xin điều chỉnh quy hoạch 17 block (12 block bán) cc nâng từ 9 tầng lên 25 tầng, 2 khu nhà liền kề. Khu nhà ở công nhân Nhơn Trạch 2 dự kiến triển khai vào đầu năm 2023.

Bên cạnh đó là dự án Khu nhà ở chung cư cao tầng đường Quốc lộ 1K Hóa An, với quy mô 4 block chung cư 5 tầng (đã xây 2/4 và bán hết 2/4); 3 block chung cư 12 tầng và nhà liền kề (đã triển khai). Dự án đang xin điều chỉnh quy hoạch của 5 block còn lại (2b5 và 3b12) lên 5b25.

Nhìn chung, MASVN dự phóng doanh thu hợp nhất năm 2022 của IDC ước đạt 6.237 tỷ đồng (tăng 45% so với năm trước) và lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ đạt 1.196 tỷ đồng (tăng 178% cùng kỳ). Biên lợi nhuận gộp kỳ vọng được cải thiện từ mức 17,1% lên mức 25% trong năm 2022. Doanh thu hoạt động tài chính dự báo tăng 10% lên 666 tỷ đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp, bán hàng tăng lần lượt 10% và 20% trong năm 2022.

Tương ứng EPS dự phóng đạt 3.625 đồng trong năm 2022 (tăng 139% cùng kỳ) và P/E dự phóng đạt ở mức 17,2 lần thấp hơn mức trung bình 5 năm của doanh nghiệp. Từ đó MASVN đánh giá khả quan với IDC trong dài hạn, khuyến nghị các nhà đầu tư có thể mua cổ phiếu này với giá mục tiêu 78.600 đồng/cổ phiếu, cao hơn 28% thị giá hiện tại.

Yuanta: Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu GMD

Hết quý II, Công ty Cổ phần Gemadept (HoSE: GMD) ghi nhận doanh thu thuần đạt 978 tỷ đồng (tăng 30% cùng kỳ năm 2021) và lợi nhuận trước thuế đạt 370 tỷ đồng (tăng gần 90%). Doanh thu của GMD tăng trưởng ở cả hai mảng chính là khai thác cảng và logistics, đồng thời cho thuê văn phòng và các hoạt động khác cũng khả quan.

Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (Yuanta) nhận thấy doanh thu mảng khai thác cảng tiếp tục duy trì tăng trưởng trong quý II, tuy nhiên chậm hơn so với quý I do tình hình xuất nhập khẩu cả nước chịu ảnh hưởng lớn từ lạm phát và chi phí vận tải tăng cao. Biên lợi nhuận quý II tăng lên mức 44,6% (cùng kỳ đạt 42,4%) nhờ tăng giá dịch vụ cảng. Lợi nhuận tăng mạnh còn nhờ lãi từ công ty liên doanh, liên kết đạt 100 tỷ đồng, tăng 43% cùng kỳ. Yuanta cho rằng lý do là nhờ cảng Gemalink đã có lãi từ quý IV/2021.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, GMD ghi nhận doanh thu thuần 1.858 tỷ đồng (tăng 29% cùng kỳ) và lợi nhuận trước thuế 720 tỷ đồng, tăng 86% cùng kỳ. Như vậy, GMD đã hoàn thành 49% kế hoạch doanh thu và 72% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Trong năm 2022, Yuanta cho rằng tình hình xuất nhập khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục khả quan. Theo số liệu mới nhất, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trong tháng 7/2022 tiếp tục tăng trưởng 6,4% cùng kỳ, giá trị lũy kế 7 tháng đầu năm tăng 15,1% cùng kỳ. Tình hình xuất nhập khẩu sẽ hồi phục rõ nét hơn khi các yếu tố lạm phát cũng như chi phí xăng dầu đang dần hạ nhiệt.

Bên cạnh đó, kế hoạch chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu của GMD để bổ sung vốn cho giai đoạn 2 cảng Nam Đình Vũ (tỷ lệ 3:1 với giá chào bán 20.000 đồng/cổ phiếu) cũng là thông tin tác động tích cực lên giá cổ phiếu. Sau khi hoàn thành 2 dự án này, tổng công suất GMD sẽ tăng lên gấp đôi so với hiện tại. Tương tự, đó là việc ban lãnh đạo cho biết đang làm việc với các bên về việc chuyển nhượng 24% cổ phần Gemalink và vẫn sẽ ưu tiên đối tác hãng tàu để tối ưu hiệu suất Gemalink.

Ở mức giá đóng cửa hiện tại, GMD đang được giao dịch tại mức P/E 12 tháng là 20,6 lần (tương ứng EPS là 2.426 đồng). Mức Stock Rating của GMD ở mức 86 điểm cho nên Yuanta duy trì đánh giá tích cực mức xếp hạng tăng trưởng của cổ phiếu này. Đồ thị giá của GMD đóng cửa tăng 5% với khối lượng giao dịch tăng mạnh trên mức trung bình 20 phiên.

Đồng thời, đồ thị giá có dấu hiệu bước vào giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng tích cực, nhưng đồ thị giá có khả năng sẽ xuất hiện ở 1-2 phiên giao dịch tới khi đồ thị giá vượt ra khỏi dãi Bollinger và chạm đường trung bình 50 phiên. Ngoài ra, xu hướng ngắn hạn của GMD cũng được nâng lên mức tăng.

Do đó, Yuanta khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể xem xét mua ở mức giá hiện tại với tỷ trọng thấp dưới 5% và tăng dần tỷ trọng khi mức sức mạnh giá trên 80 điểm. Giá mục tiêu là 61.460 đồng/cổ phiếu, tương đương triển vọng sinh lời dự kiến 17,07%.

BVSC: Khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu CTG

Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank, HoSE: CTG) ghi nhận thu nhập lãi thuần đạt 11.970 tỷ đồng trong quý II, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, hoạt động dịch vụ lãi 1.560 tỷ đồng, tăng trưởng 15%; hoạt động ngoại hối có lãi 813 tỷ đồng và hoạt động chứng khoán đầu tư lãi 238 tỷ đồng, đều tăng mạnh hơn gấp rưỡi và hơn 10 lần so với quý II/2021.

Tuy vậy, hoạt động mua bán chứng khoán lỗ hơn 7 tỷ đồng, mặc dù trước đó quý II/2021 lãi đến 72 tỷ đồng. Hoạt động khác cũng giảm lãi 2% xuống còn 1.110 tỷ đồng.

Trong quý II, CTG trích lập hơn 5.880 tỷ đồng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, thấp hơn 17% so với cùng kỳ năm trước. Chi phí hoạt động đi ngang ở mức 4.270 tỷ đồng.

Kết thúc quý vừa qua, CTG ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 5.785 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Lãi tăng trưởng chủ yếu là nhờ chi phí dự phòng giảm mạnh và tín dụng gia tăng.

Gộp chung 6 tháng đầu năm, CTG ghi nhận 22.120 tỷ đồng thu nhập lãi thuần, 9.380 tỷ lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 2,8% và 7% so với cùng giai đoạn 2021. Như vậy, ngân hàng đã hoàn thành gần 60% chỉ tiêu lợi nhuận đề ra cho năm 2022.

Tổng tài sản tại ngày 30/6/2022 của CTG đạt 1,69 triệu tỷ đồng, tăng 10,4% so với đầu năm. Tiền mặt ghi nhận có 9.828 tỷ đồng, giảm 13,3%, tiền gửi Ngân hàng Nhà nước tăng 7,6% lên hơn 25.161 tỷ đồng, tiền gửi và cho vay các tổ chức tín dụng tăng 26% lên 188.405 tỷ đồng.

So với đầu năm, dư nợ cho vay khách hàng tăng 9,5% lên hơn 1,23 triệu tỷ đồng, dự phòng rủi ro cho vay khách hàng theo đó cũng tăng 22,6% lên 31.621 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,34%, tỷ lệ bao phủ nợ xấu cải thiện từ 180% lên 189%.

Về nguồn vốn, tiền gửi khách hàng ghi nhận 1,2 triệu tỷ đồng, tăng gần 4% so với đầu năm. Phát hành giấy tờ có giá tăng 1,5% lên 65.446 tỷ đồng, quỹ của các tổ chức tín dụng tương đương với đầu năm ở mức 13.658 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là 30.625 tỷ đồng, tăng 42,5%.

Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết, CTG là một trong những ngân hàng có sự cải thiện mạnh mẽ nhất trong vài năm qua. Trong giai đoạn 2018-2021, CTG tăng trưởng lợi nhuận sau thuế bình quân là 39%, ROE tăng từ mức 8% lên 15,7%. Riêng năm 2021, ảnh hưởng của dịch bệnh cũng như việc CTG đẩy mạnh hoạt động trích lập dự phòng đã làm giảm tốc độ tăng trưởng lợi nhuận nhưng điều này cũng tạo ra bộ đệm và nhiều khả năng sẽ làm cho CTG tăng trưởng mạnh trong năm 2022.

Ước tính mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế cho năm 2022 là 43%. Do đó BVSC đánh giá khả quan đối với CTG, mức giá mục tiêu là 33.800 đồng/cổ phiếu, tiềm năng tăng giá là 17,8% so với mức giá đóng của ngày 2/8.

Tân Mai

Theo VietnamFinance