Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (26/12): TPB, KDH và MBB

Trong quý III/2022, kênh ngân hàng số của TPB đã đóng góp tới 49% tổng số khách hàng mới (so với 44,7% trong quý II/2022). SSI tin rằng mô hình này (bao gồm cả hệ thống LiveBank) sẽ hỗ trợ ngân hàng thu hút thêm nhiều khách hàng đặc biệt là thế hệ trẻ. SSI dự báo doanh thu phí dịch thanh toán sẽ tăng 30% so với cùng kỳ, giúp thu nhập phí thuần tăng 28,8% vào năm 2023.

TPB: SSI khuyến nghị trung lập với giá mục tiêu 22.800 đồng/cổ phiếu

Tổng thu nhập hoạt động của Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank, HoSE: TPB) tăng nhẹ 2,5% so với cùng kỳ năm ngoái lên gần 3,8 nghìn tỷ đồng trong quý III/2022, do hoạt động kinh doanh trái phiếu không mấy khả quan. Lợi nhuận cốt lõi tăng trưởng 54% so với cùng kỳ, đạt khoảng 2,1 nghìn tỷ đồng, điều này là do việc tích cực trích lập dự phòng trong quý III/2021.

Thanh khoản được duy trì khá dồi dào nhờ tăng trưởng huy động từ khách hàng (tăng 16,6% so với đầu năm) trong khi tăng trưởng tín dụng ở mức khiêm tốn 11,2% so với cùng kỳ. Số dư trái phiếu doanh nghiệp giảm nhẹ so với quý II/2022, nhưng vẫn chiếm 12,5% tổng dư nợ trong quý III/2022.

Mặt khác, các khoản nợ tái cơ cấu không còn là mối quan ngại chính, khi số dư nợ tái cơ cấu đã giảm xuống 0,4% tổng tín dụng trong quý III/2022. Mặc dù nợ xấu tăng nhẹ trong quý III/2022, nhưng tỷ lệ này vẫn có thể kiểm soát tốt ở mức dưới 1%.

Trong năm 2022, Công ty Chứng khoán SSI dự báo lợi nhuận trước thuế của TPB sẽ đạt 8 nghìn tỷ đồng (tăng 32,5% so với cùng kỳ), nhờ tăng trưởng tín dụng 15% so với đầu năm với hạn mức tăng trưởng tín dụng được cập nhật mới nhất và tăng trưởng thu nhập phí đạt 37,8% so với cùng kỳ.

Trong môi trường lãi suất tăng và hạn mức tăng trưởng tín dụng được kiểm soát chặt chẽ, SSI ước tính tăng trưởng huy động (tăng 16,2% so với đầu năm) sẽ vượt mức tăng trưởng tín dụng (tăng 15% so với đầu năm), khiến NIM giảm 39 điểm cơ bản so với cùng kỳ xuống 3,97% và ROE giảm 68 điểm cơ bản xuống 21,9 %. Ngoài ra, việc Thông tư 14 hết hiệu lực và lãi suất cho vay tăng lên sẽ ảnh hưởng đến tỷ lệ nợ xấu, dự báo của SSI cho tỷ lệ nợ xấu là 1,1%.

Năm 2023, SSI kỳ vọng lợi nhuận trước thuế của TPB đạt 9 nghìn tỷ đồng (tăng 11,8% so với cùng kỳ).

SSI điều chỉnh tăng ước tính tăng trưởng dư nợ khách hàng lên 14,5% so với giả định trước đây là 12,5%, trong khi số dư trái phiếu doanh nghiệp giảm 15% so với đầu năm. Do thanh khoản vẫn ở mức khá nên SSI cho rằng tăng trưởng tổng tiền gửi sẽ là 12,5%, đủ hỗ trợ cho tăng trưởng tín dụng là 11,5% so với đầu năm cho năm 2023

Đến nay, tỷ giá và thanh khoản đã được cải thiện, áp lực tăng lãi suất giảm bớt. Tuy nhiên, SSI dự báo chi phí huy động vốn trung bình tại TPB sẽ tăng thêm 109 điểm cơ bản vào năm 2023, khiến NIM và ROE giảm xuống mức 3,82% (giảm 15 điểm cơ bản so với cùng kỳ) và 20% (giảm 204 điểm cơ bản so với cùng kỳ).

SSI quan sát thấy lãi suất huy động đã tăng trở lại mức trước đại dịch Covid (một số ngân hàng thậm chí còn cao hơn), khiến tiền gửi có kỳ hạn trở thành một kênh đầu tư hấp dẫn.

Ngoài ra, việc thắt chặt tín dụng để kiểm soát lạm phát có thể sẽ kéo dài (ít nhất đến nửa đầu năm 2023) khiến các doanh nghiệp phải sử dụng vốn của mình để tài trợ cho hoạt động kinh doanh hàng ngày. Do đó, SSI dự báo tỷ lệ CASA sẽ ở mức 16,5% cùng với sự sụt giảm của cả CASA khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân trong năm 2023.

Trong quý III/2022, kênh ngân hàng số của TPB đã đóng góp tới 49% tổng số khách hàng mới (so với 44,7% trong quý II/2022). SSI tin rằng mô hình này (bao gồm cả hệ thống LiveBank) sẽ hỗ trợ ngân hàng thu hút thêm nhiều khách hàng đặc biệt là thế hệ trẻ. SSI dự báo doanh thu phí dịch thanh toán sẽ tăng 30% so với cùng kỳ, giúp thu nhập phí thuần tăng 28,8% vào năm 2023.

Nợ xấu ngoại bảng có khả năng tăng lên 1,2% vào năm 2023, với tỷ lệ hình thành nợ xấu là 1,58% do lãi suất cho vay cao hơn; và yêu cầu về vốn của ngân hàng để cơ cấu lại các khoản vay. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ xấu có thể thấp hơn nếu dự thảo sửa đổi Nghị định 65 được thông qua.

Cụ thể, các khoản thanh toán gốc trái phiếu có thể được hoãn lại tới hai năm, bất cứ khi nào 65% trái chủ đồng ý. Vì hiệu quả hoạt động của trái phiếu doanh nghiệp có mối tương quan cao với lĩnh vực bất động sản, SSI tin rằng việc sửa đổi này sẽ giảm bớt khó khăn thanh khoản cho các chủ đầu tư bất động sản và giảm nợ xấu tiềm ẩn cho các ngân hàng đặc biệt đối với các khoản trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn vào năm 2023.

Mặc dù SSI không tính đến rủi ro tiềm ẩn phát sinh từ trái phiếu doanh nghiệp do TPB nắm giữ nhưng công ty chứng khoán này đã điều chỉnh giảm vốn chủ sở hữu của TPB để phản ánh những biến động bất ngờ có thể xảy ra trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Do đó, SSI ước tính BVPS (giá trị sổ sách của cổ phiếu) sau điều chỉnh là 22.800 đồng/cổ phiếu. SSI cũng điều chỉnh giảm P/B mục tiêu từ 1,8 lần xuống 1 lần để phản ánh môi trường lãi suất tăng, khiến NIM và ROE giảm, cùng với nợ xấu tiềm ẩn phát sinh từ lĩnh vực bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp. Theo đó, SSI lặp lại khuyến nghị trung lập đối với cổ phiếu TPB, với giá mục tiêu 1 năm là 22.800 đồng/cổ phiếu.

KDH: KBSV khuyến nghị mua với giá mục tiêu 35.000 đồng/cổ phiếu

Theo Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền (HoSE: KDH) là một trong những chủ đầu tư có uy tín và kinh nghiệm 20 năm trong lĩnh vực đầu tư và phát triển bất động sản trung và cao cấp tại TP. HCM. Khang Điền sở hữu quỹ đất lớn lên tới hơn 600ha, đều nằm tại TP. HCM, tập trung tại khu vực TP. Thủ Đức và khu vực phía Tây TP. HCM với vị trí thuận lợi.

Trong năm 2023-2024, KDH có kế hoạch sẽ mở bán gối đầu các dự án có quy mô nhỏ Clarita – The Privia – The Solina. Trong quý I/2022, KDH cũng đã bổ sung thêm dự án Đoàn Nguyên (6,1ha) vào danh mục quỹ đất. Các dự án này sẽ đảm bảo giá trị bán hàng cũng lợi nhuận của KDH trong trung hạn trong khi chờ đợi mở khóa các quỹ đất có quy mô lớn.

KBSV kỳ vọng các dự án của KDH sẽ đạt tỷ lệ hấp thụ cao và giá bán tốt nhờ thương hiệu tốt của chủ đầu tư Khang Điền với chất lượng sản phẩm cao, bàn giao nhà đúng thời hạn và pháp lý rõ ràng; các dự án sẽ được hưởng lợi từ sự phát triển của TP. Thủ Đức và Bình Chánh.

KBSV ước tính tổng giá trị bán hàng trong năm 2023 đạt khoảng 4.304 tỷ đồng (tăng 54% so với cùng kỳ) và năm 2024 đạt 7.236 tỷ đồng (tăng 68% so với cùng kỳ) (Doanh số bán hàng ước tính chưa bao gồm dự án Đoàn Nguyên).

KDH hiện đang đầu tư 3 dự án có quy mô lớn bao gồm KDC Tân Tạo (330ha), KCN Lê Minh Xuân (110ha) và KDC Phong Phú 2 (130ha). Các dự án này được kỳ vọng giúp Khang Điền khẳng định vị thế của doanh nghiệp cũng như đảm bảo tăng trưởng lợi nhuận trong dài hạn.

KBSV ước tính doanh thu của KDH năm 2022 đạt 2.687 tỷ đồng (giảm 28% so với cùng kỳ). Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ của KDH đạt 1.254 tỷ đồng (tăng 4% so với cùng kỳ) đến từ việc bàn giao các sản phẩm thấp tầng tại dự án Classia và lợi nhuận từ đánh giá lại khoản đầu tư vào Phước Nguyên trong quý I/2022. Biên lợi nhuận gộp đạt 60%, tăng đáng kể so với mức 48% của năm 2021 do bàn giao các căn thấp tầng tại dự án Classia có biên lợi nhuận gộp cao.

KBSV ước tính doanh thu năm 2023 đạt lần lượt 3,681 tỷ đồng (tăng 37% so với cùng kỳ), phần lớn từ bàn giao các căn hộ thấp tầng tại dự án Classia và Clarita với doanh thu đóng góp lần lượt đạt 975 tỷ đồng và 2.114 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 1.337 tỷ đồng (tăng 7% so với cùng kỳ).

Sử dụng phương pháp đánh giá lại giá trị tài sản ròng (RNAV), KBSV đưa ra mức giá mục tiêu là 35.000 đồng/cổ phiếu. KBSV sử dụng phương pháp chiết khấu dòng tiền (DCF) cho các dự án đang trong quá trình triển khai hoặc có kế hoạch triển khai rõ ràng.

Đối với các quỹ đất còn lại, KBSV sử dụng phương pháp so sánh để xác định giá trị. Công ty chứng khoán này đánh giá tích cực đối với cổ phiếu KDH nhờ thương hiệu mạnh nhờ chất lượng sản phẩm tốt, bàn giao đúng thời hạn và pháp lý rõ ràng; tình hình tài chính khỏe mạnh và quỹ đất lớn tại TP. HCM sẽ đảm bảo tăng trưởng của KDH trong trung và dài hạn. Triển vọng của Khang Điền sẽ thay đổi rõ rệt hơn khi các dự án quy mô lớn được thực hiện.

MBB: ACBS khuyến nghị mua với giá mục tiêu 30.200 đồng/cổ phiếu

Lợi nhuận 9 tháng năm 2022 của Ngân hàng TMCP Quân đội (MB, HoSEL MBB) tăng trưởng 53,1% so với cùng kỳ năm trước với động lực tăng trưởng đến từ hoạt động tín dụng và áp lực trích lập dự phòng giảm xuống. Thu nhập lãi thuần tăng trưởng tốt nhờ tín dụng tăng mạnh và NIM được giữ ở mức cao.

Tuy nhiên, thu nhập ngoài lãi 9 tháng năm 2022 kém tích cực do tác động của thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản. Chi phí dự phòng giảm nhờ áp lực trích lập dự phòng cho nợ tái cơ cấu Covid-19 không còn đáng kể. Bộ đệm dự phòng vẫn được làm dày để đối phó với rủi ro nợ xấu đang gia tăng.

Thanh khoản nền kinh tế gặp khó khăn khiến CASA của MBB chịu tác động theo xu hướng giảm của toàn ngành. Tỷ lệ CASA của MBB giảm từ mức 48,7% vào đầu năm xuống còn 42,4% vào cuối quý III/2022. Khả năng thu hút khách hàng mới của MBB vẫn rất ấn tượng.

Số lượng khách hàng của MBB tăng 10,5 triệu trong năm 2021 và tăng 3,5 triệu trong 6 tháng năm 2022, đưa quy mô tập khách hàng của MBB lên 16,5 triệu khách hàng. MBB dự kiến số lượng khách hàng tăng 7-8 triệu trong cả năm 2022. Việc mở rộng tập khách hàng sẽ giúp MBB duy trì vị thế là một trong những ngân hàng có khả năng huy động CASA tốt nhất hệ thống.

Bộ đệm dự phòng được làm dày để đối phó với nợ xấu gia tăng. Tỷ lệ nợ xấu đến cuối quý III/2022 ở mức 1,04%, giảm 16 điểm cơ bản so với quý trước do MBB xóa nợ xấu bằng nguồn dự phòng. Tỷ lệ nợ nhóm 2 tiếp tục xu hướng tăng, tăng 27 điểm cơ bản lên mức 1,63%.

Dư nợ tái cơ cấu do Covid-19 giảm so với quý trước và chỉ còn chiếm 0,5% dư nợ. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm quý thứ 3 liên tiếp do nợ xấu tăng, nhưng vẫn ở mức cao là 208% so với mức 100% trong giai đoạn trước Covid-19. Bộ đệm dự phòng chiếm 2,2% dư nợ, đủ để bao phủ toàn bộ nợ xấu, nợ tải cơ cấu Covid-19 và một phần nợ nhóm 2.

Chi phí dự phòng chịu áp lực trong những năm tới với việc nhận chuyển giao một ngân hàng yếu kém (Oceanbank), ban lãnh đạo kỳ vọng MBB sẽ được cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng cao hơn trung bình ngành từ 1,5 - 2 lần trong 3 - 5 năm tới. Tuy nhiên, MBB có thể sẽ phải mua nợ xấu của Oceanbank để tự xử lý và đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu.

Tại ngày 31/12/2021, tổng tài sản của Oceanbank là 23.800 tỷ đồng và lỗ lũy kế 18.700 tỷ đồng. Ban lãnh đạo MBB ước tính thời gian để xử lý hết lỗ lũy kế của Oceanbank khoảng 7-8 năm. Số tiền mà MBB sẽ đầu tư góp vốn điều lệ cho Oceanbank không quá 5.000 tỷ đồng.

Ngoài trách nhiệm tái cơ cấu Oceanbank, MBB sẽ phải đối mặt với nguy cơ nợ xấu phát sinh cao trong bối cảnh thanh khoản nền kinh tế đang gặp khó khăn, đặc biệt là các doanh nghiệp bất động sản.

Dư nợ tín dụng (bao gồm trái phiếu doanh nghiệp) đối với Novaland khoảng 12.000 tỷ đồng, chiếm 2,5% tổng dư nợ tín dụng của MBB tính đến quý III/2022. MBB là một trong những ngân hàng đầu tư nhiều nhất vào trái phiếu doanh nghiệp, hiện chiếm tỷ trọng 10,3% tổng dư nợ tín dụng của MBB, so với toàn ngành là 2,7%. Tuy nhiên, ngoài Novaland, các khoản trái phiếu doanh nghiệp khác hiện chưa đáng lo ngại.

Công ty Chứng khoán Á Châu (ACBS) kỳ vọng chi phí dự phòng của MBB sẽ phải tiếp tục duy trì ở mức cao, chiếm khoảng 2% dư nợ tín dụng mỗi năm trong 2 năm tới. 

ACBS dự phóng lợi nhuận trước thuế năm 2023 của MBB đạt 23.692 tỷ đồng, tăng trưởng nhẹ 5,1% do áp lực trích lập dự phòng ở mức cao. Mặc dù triển vọng lợi nhuận không thực sự ấn tượng, tuy nhiên, giá cổ phiếu MBB đang ở vùng hấp dẫn. Giá hiện tại tương đương với P/E 4,7 lần và P/B 1,1 lần, bằng với vùng định giá trong giai đoạn khủng hoảng tài chính năm 2012.

ACBS định giá cổ phiếu MBB vào cuối năm 2023 ở mức 30.200 đồng/cổ phiếu theo phương pháp chiết khấu thu nhập thặng dư. Giá mục tiêu giảm so với báo cáo cập nhật trước vào tháng 8/2022 là 36.800 đồng/cổ phiếu, chủ yếu do kỳ vọng chi phí tín dụng tăng lên khi nền kinh tế đối mặt với những khó khăn từ vĩ mô thế giới, thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong nước đóng băng và việc nhận tái cơ cấu Oceanbank.

Giá mục tiêu của ACBS cho MBB tương đương với P/E và P/B dự phóng là 8,2 lần và 1,5 lần. Trong ngắn hạn, các thay đổi về chính sách (liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp, sửa đổi Thông tư 65,...) và tình hình vĩ mô diễn biến theo hướng tích cực hơn sẽ là những chất xúc tác cho giá cổ phiếu MBB hồi phục.

Hải Đường

Theo VietnamFinance