Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (6/12): VGC, HDG và MWG
MBS cho rằng động lực phát triển trong trung dài hạn của HDG chính là mảng năng lượng. HDG đang thuộc top 4 công ty năng lượng tái tạo niêm yết có công suất lớn nhất vào cuối năm 2022 và theo đó HDG đang hưởng lợi từ đà tăng trưởng ổn định của nhu cầu điện của Việt Nam trong các năm tới.
VGC: VCBS khuyến nghị trung lập với giá mục tiêu 40.000 đồng/cổ phiếu
Kết thúc 9 tháng năm 2022, Tổng công ty Viglacera (HoSE: VGC) ghi nhận doanh thu thuần tăng trưởng mạnh mẽ với hơn 11.312 tỷ đồng (tăng 50,7% so với cùng kỳ) và gần 1.707 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (tăng 104% so với cùng kỳ), hoàn thành lần lượt 75% và 120% kế hoạch 2022.
Kết quả doanh thu tăng trưởng tích cực đến chủ yếu từ mảng bất động sản và kinh doanh thuận lợi từ mảng vật liệu xây dựng (kính xây dựng và gạch ốp lát). Tăng trưởng lợi nhuận sau thuế còn khả quan hơn cả khi biên lợi nhuận được mở rộng nhờ giá bán cao hơn ở các mảng kinh doanh.
Cụ thể, mảng bất động sản (khu công nghiệp và dân cư) tăng trưởng mạnh. Trong 9 tháng năm 2022, doanh thu thuần đạt 4.099 tỷ đồng (tăng 70% so với cùng kỳ), lợi nhuận gộp đạt 1.781 tỷ đồng (tăng 66% so với cùng kỳ). doanh thu thuần mảng bất động sản khu công nghiệp đạt 2.759 tỷ đồng (tăng 26,6% so với cùng kỳ), công ty đã cho thuê được KCN Yên Phong Mở Rộng, Yên Phong II- C, Phú Hà, Đông Mai trong đó doanh thu chủ yếu tới từ KCN Yên Phong Mở Rộng với 50 ha cho thuê trong 9 tháng đầu năm. doanh thu thuần mảng BĐS dân cư, đạt 1.011 tỷ đồng (tăng 149%) trong đó bao gồm dự án KĐT Đặng Xá và các dự án nhà ở xã hội.
Mảng vật liệu xây dựng góp đà tăng trưởng, trong 9 tháng năm 2022, doanh thu thuần đạt 7.081 tỷ đồng (tăng 54% so với cùng kỳ). Trong đó, doanh thu thuần kính xây dựng tăng trưởng mạnh mẽ đạt 2.257 tỷ đồng (tăng 310% so với cùng kỳ), doanh thu thuần gạch ốp lát đạt 2.553 tỷ đồng (tăng 46% so với cùng kỳ).
Nguyên nhân tăng trưởng mảng kính đến từ việc hợp nhất Công ty Kính nổi siêu trắng Phú Mỹ với công suất 600 tấn/ngày (tăng 60% công suất) và giá kinh tăng phi mã trong nửa đầu năm 2022.
Các mảng khác như sứ, gạch ngói chỉ tăng trưởng nhẹ, trong đó doanh thu thuần mảng sứ đạt 799 tỷ đồng (tăng 15% so với cùng kỳ), mảng gạch ngói đạt 1.240 tỷ đồng (tăng 1% so với cùng kỳ).
Biên lợi nhuận gộp của VGC tăng lên 31,2% trong 9 tháng năm 2022 (tăng 5% so với cùng kỳ), nguyên nhân chủ yếu tới từ biên lợi nhuận gộp mảng kính xây dựng tăng mạnh lên 35% (tăng 15% so với cùng kỳ) chủ yếu tới từ giá kính nổi tăng mạnh; mảng cho thuê BĐS tích cực khi lợi nhuận cao được đóng góp từ KCN Yên Phong Mở Rộng với biên lợi nhuận gộp lên tới 50%.
Lũy kế 9 tháng năm 2022, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của VGC dương mạnh 2.041 tỷ đồng nhờ vào việc lợi nhuận tăng trưởng mạnh với dòng tiền tốt từ hoạt động cho thuê KCN; quản trị ổn định các khoản tồn kho và phải thu.
Trong quý cuối năm 2022 và 2023, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) đánh giá triển vọng tăng trưởng lợi nhuận của VGC gặp nhiều áp lực. Về mảng bất động sản khu công nghiệp, các dự án sẵn sàng có thể cho thuê hiện tại như Yên Phong IIC, Phú Hà, Hài Yên, Tiền Hải, Phong Điền có biên lợi nhuận thấp và diện tích cho thuê còn lại không còn quá nhiều.
Do vậy áp lực tăng trưởng về cả doanh thu và lợi nhuận trong năm 2023 sẽ rất lớn. Về mảng BĐS dân cư, VGC đã hạch toán phần lớn các khu đô thị đã bán như KĐT Đặng Xá và còn lại các dự án nhà ở xã hội do đó tiềm năng hạch toán trong năm 2023 sẽ không nhiều.
VCBS đánh giá năm 2022 là năm rất thuận lợi cho VGC khi các mảng kinh doanh đều có mức tăng trưởng rất tốt. Nhìn chung, kết quả kinh doanh trong các quý tới sẽ kém khả quan hơn khi động lực tăng trưởng không còn nhiều.
Do đó, VCBS dự báo doanh thu thuần trong năm 2022 đạt 15.065 tỷ đồng (tăng 34,6%) và 1.996 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (tăng 56%). Kết quả kinh doanh từ các quý tiếp theo sẽ khó có mức tăng trưởng ấn tượng như quý I và quý II/2022.
VCBS dự báo doanh thu thuần năm 2023 đạt 14.946 tỷ đồng ( giảm 1%) và lợi nhuận sau thuế đạt 1.651 tỷ đồng (giảm 17%), với phương pháp định giá Sum-of-the-parts và chiết khấu dòng tiền (FCFF), VCBS cho rằng giá trị hợp lý cho VGC là 40.000 đồng/cổ phiếu, khuyến nghị trung lập với VGC.
HDG: MBS khuyến nghị mua với giá mục tiêu 39.900 đồng/cổ phiếu
Trong quý III/2022, HDG ghi nhận doanh thu thuần đạt 838 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 251 tỷ đồng (tăng 10% so với cùng kỳ), chủ yếu do doanh thu bán điện tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ đạt 537 tỷ đồng (tăng 175%so với cùng kỳ) và là mảng hoạt động đóng góp lớn nhất vào cơ cấu doanh thu (62%) với sản lượng điện trong quý III đạt 458 triệu KWh (tăng 154% so với cùng kỳ).
Sản lượng quý III tăng mạnh nhờ các nhà máy thủy điện vận hành hiệu quả nhờ điều kiện thủy văn tốt (doanh thu bán điện đạt 410 tỷ đồng) do hiện tượng La Nina, và đóng góp của 2 nhà máy thủy điện Sông Tranh 4 (vận hành thương mại trong tháng 9/2021) và Đăk Mi 2 (tháng 10/2021) và 1 nhà máy điện gió mới (7A, vận hành thương mại trong tháng 10/2021). Trong khi đó, doanh thu mảng BĐS lại giảm 42% so với cùng kỳ khi chỉ đạt 224 tỷ đồng do trong kỳ chỉ bàn giao 15 căn tại dự án Charm Villas so với mức cao của cùng kỳ năm trước (khi ghi nhận từ Hado Centrosa).
Lũy kế 9 tháng, doanh thu của HDG đạt 2.492 tỷ (tăng 2% so với cùng kỳ) và lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 873 tỷ đồng (tăng 53% so với cùng kỳ). Biên lợi nhuận 9 tháng tiếp tục cải thiện, đạt 65% nhờ bàn giao biệt thự Charm Villas có biên lợi nhuận cao, và giá bán trên thị trường điện cạnh tranh (CGM) 9 tháng đạt 1.478 đồng/kWh (tăng 42% so với cùng kỳ) kéo theo giá bán điện trung bình cao hơn.
Năm 2022, Hà Đô đặt mục tiêu doanh thu thuần 3.703 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.344 tỷ đồng. Như vậy, kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm đạt lần lượt 67% và 77% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận sau thuế cả năm.
Theo Công ty Chứng khoán MB (MBS), kế hoạch tăng trưởng quỹ đất tham vọng dù trong ngắn hạn vẫn thiếu hụt dự án quy mô lớn. HDG tập trung quỹ đất phía Tây Hà Nội (Láng - Hòa Lạc, Hòa Bình, các quận mới nằm trong đường Vành đai 4), phát triển mới thêm 200ha đến 400ha tại các tỉnh có tiềm năng trong năm 2022.
Những dự án này có thể giúp tăng gấp 4 lần quỹ đất của HDG lên 450ha trong vòng 5 năm tới. Dù điều này cho thấy tiềm năng lớn trong tương lai đối với mảng BĐS, MBS vẫn chưa điều chỉnh định giá do chưa có thông tin chi tiết. Điều này hàm ý khả năng tăng giá mục tiêu trong tương lai nếu kế hoạch diễn ra suôn sẻ.
Dù trong ngắn hạn (2023-2024) mảng BĐS vẫn thiếu hụt dự án quy mô lớn nhưng năm 2025 được dự kiến là điểm rơi lợi nhuận đối với mảng BĐS với kỳ vọng từ dự án Minh Long (phân khu thấp tầng).
MBS cho rằng động lực phát triển trong trung dài hạn của HDG chính là mảng năng lượng. HDG đang thuộc top 4 công ty năng lượng tái tạo niêm yết có công suất lớn nhất vào cuối năm 2022 và theo đó HDG đang hưởng lợi từ đà tăng trưởng ổn định của nhu cầu điện của Việt Nam trong các năm tới.
Với chi phí đầu tư thấp, các nhà máy điện của HDG thường xuyên đạt hiệu quả kinh doanh cao hơn so với các công ty khác trong ngành. Hơn nữa, năng lượng là lĩnh vực kinh doanh ổn định, có biên lợi nhuân cao và hứa hẹn đem đến bứt phá trong trung dài hạn cho tập đoàn.
Tính đến nay, HDG đã có 8 nhà máy đi vào vận hành với tổng công suất 462 MW, trong đó có 1 nhà máy điện gió (7A). HDG đang chờ phê duyệt Quy hoạch Phát triển Điện lực Việt Nam (PDP) VIII để triển khai kế hoạch nâng công suất điện lên gấp đôi vào 2025. HDG cũng tự tin rằng dự án điện gió lớn An Phong 300 MW của công ty sẽ được đưa vào PDP VIII.
MBS cho rằng 2 trụ cột kinh doanh chính của HDG vẫn là BĐS và năng lượng. Sử dụng phương pháp định giá RNAV cho BĐS và DCF với các dự án còn lại, MBS cho rằng định giá hợp lý của HDG là 39.900 đồng/cổ phiếu, theo đó tại thị giá hiện tại PE 2022F ở mức rất hấp dẫn (khoảng 6 lần) và PB 2022F ở mức chỉ 1,4 lần, phản ánh mức độ rủi ro hiện tại của thị trường chứng khoán nói chung và ngành BĐS nói riêng nhưng đồng thời cũng mở ra cơ hội để tích lũy cổ phiếu của 1 trong những doanh nghiệp có kế hoạch tăng trưởng tham vọng từ mảng BĐS cũng như động lực tăng trưởng vững chắc từ mảng năng lượng.
MBS lưu ý mức giá khuyến nghị đang tính đến tình trạng thiếu hụt thanh khoản hiện tại, hàm ý tiềm năng tăng giá cao hơn khi ngành BĐS nói chung vượt qua được khó khăn tạm thời trước mắt.
MWG: PHS khuyến nghị mua với giá mục tiêu 44.700 đồng/cổ phiếu
Tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư mới đây, Công ty Cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (HoSE: MWG) cho biết trong tháng 10/2022, doanh thu thuần đạt 10.900 tỷ, giảm 11% so với cùng kỳ.
Trong đó, doanh thu chuỗi Thế giới Di động (TGDĐ) và Điện Máy Xanh (ĐMX) đạt 8.300 tỷ đồng, giảm 18% so với cùng kỳ tháng 10 năm trước. Luỹ kế 10 tháng, tổng doanh thu 2 chuỗi này tăng 21% và đạt 90.000 tỷ đồng.
Tại chuỗi Bách Hoá Xanh (BHX), tháng 10 thu về 2.370 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2021. Luỹ kế 10 tháng, doanh thu chuỗi đạt 22.300 tỷ đồng, giảm 9%.
Luỹ kế 10 tháng, doanh thu của công ty đạt 113.700 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái.
Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS) kỳ vọng doanh thu của MWG trong năm 2022 và 2023 sẽ đạt lần lượt 136.453 tỷ đồng (tăng 11% so với cùng kỳ) và 145.254 tỷ đồng (tăng 6,4% so với cùng kỳ) thông qua việc mở rộng các chuỗi cửa hàng nhưng sẽ gặp bất lợi từ sức mua yếu do bị ảnh hưởng bởi lạm phát.
Lợi nhuận sau thuế có thể đạt 4.271 tỷ đồng (tăng 3,1% so với cùng kỳ) và 4.991 (tăng 3,4% so với cùng kỳ) lần lượt cho năm 2022 và 2023, trong khi đó biên lợi nhuận gộp nhiều khả năng sẽ đạt 23,3% vào năm 2023 nhờ vào các nỗ lực cải thiện hiệu quả chuỗi Bách hóa xanh.
Theo PHS, thị trường điện thoại đã qua thời điểm bùng nổ nhờ xu hướng dịch chuyển từ điện thoại phổ thông sang smartphone và đã bước vào giai đoạn bão hòa. Thị trường điện máy cũng tương tự khi Điện máy xanh đã chiếm lĩnh hơn một nửa thị phần hiện tại.
Tăng trưởng sắp tới của hai mảng sẽ phụ thuộc vào việc chiếm lĩnh thị phần còn lại và quá trình hợp nhất ngành trong tương lai.
PHS cho biết MWG vẫn đang tiếp tục theo đuổi chiến lược mở rộng để chiếm lĩnh thị phần trước khi hướng đến mục tiêu lợi nhuận trong mảng dược đang rất màu mỡ với chuỗi An Khang.
Đối với Bách hóa xanh, công ty vẫn đang phải loay hoay tìm cách cải thiện biên lợi nhuận, cải thiện hiệu suất hoạt động của từng cửa hàng. PHS cho rằng để tái hiện lại thành công của Điện máy xanh và Thế giới di động là không dễ dàng.
Sử dụng phương pháp DCF và P/E, PHS ước tính giá trị hợp lý là 44.700 đồng/cổ phiếu. Do đó, công ty chứng khoán này đưa ra khuyến nghị mua với mức tăng giá tiềm năng là 11%. Định giá của PHS đã phản ánh con số ước tính dựa trên kịch bản cơ sở trong giai đoạn 5 năm tiếp theo và chưa tính đến kết quả của các chuỗi AVA.