Cổ phiếu VIB tăng mạnh: Kết quả kinh doanh là động lực hay 'game' của nhà đầu tư cổ phiếu?

Ngoài kết quả kinh doanh rất tích cực được công bố, cổ phiếu ngân hàng VIB tăng mạnh cũng phải kể đến game” mua bán cổ phiếu với số lượng khủng hay chuyện tăng vốn…

Cổ phiếu VIB nhộn nhịp nhất nhóm cổ phiếu ngân hàng

Tính đến thời điểm hiện tại, trong nhóm cổ phiếu ngân hàng, VIB là mã có giao dịch liên quan ban lãnh đạo và người nhà nhộn nhịp nhất thị trường chứng khoán. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm, đã có hàng chục triệu cổ phiếu VIB được các lãnh đạo ngân hàng và người thân mang ra mua bán. 

Diễn biến giá cổ phiếu VIB từ đầu năm đến nay.  
Diễn biến giá cổ phiếu VIB từ đầu năm đến nay.  
Cụ thể, bà Đặng Thị Thu Hà – vợ ông Đặng Văn Sơn, Phó Chủ tịch HĐQT VIB vừa đăng ký mua 2 triệu cổ phiếu dự kiến thực hiện từ ngày 7/6/2021-5/7/2021 theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh.

Hiện bà Hà sở hữu hơn 31,7 triệu cổ phiếu VIB, tương đương tỷ lệ sở hữu 2,864%. Nếu mua thành công 2 triệu cổ phiếu VIB, tỷ lệ sở hữu của bà sẽ tăng lên 3,044%. Trong khi đó, ông Đặng Văn Sơn đang sở hữu hơn 4,2 triệu cổ phiếu VIB, tương đương tỷ lệ 0,379%.

Trước đó không lâu, bà Hà vừa bán thành công 8,5 triệu cổ phiếu VIB trong thời gian 18-28/05/2021, hạ tỷ lệ sở hữu từ 3,63% (gần 40,3 triệu cp) xuống còn 2.864% (gần 31,8 triệu cp). Ước tính bà Hà đã thu về gần 547 tỷ đồng sau thương vụ này với mức giá 64.300 đồng/cp (kết phiên 28/05).

Thế nhưng, chỉ một tuần sau khi bán ra lượng cổ phiếu này, bà Hà đã phải đăng ký mua lại 2 triệu cổ phiếu với giá giao dịch bình quân có thể đắt hơn khoảng 20%.

Ngoài ra, bà Ngô Minh Hiền - vợ ông Hồ Vân Long, Giám đốc Khối Ngân hàng bán lẻ VIB - cũng vừa bán xong toàn bộ hơn 4,5 triệu cổ phiếu đang nắm giữ, tương đương tỷ lệ 0.406%, trong thời gian từ 19/05-02/06. Với mức giá chốt phiên 02/06 là 72.000 đồng/cp, ước tính bà Hiền đã thu về hơn 324 tỷ đồng.

Trước đó, ông Từ Anh Hào – chồng bà Nguyễn Thị Tuyết Hà, Giám đốc chuyển đổi số VIB cũng đã đăng ký bán ra toàn bộ gần 1,7 triệu cổ phiếu đang nắm giữ với mục đích đầu tư tài chính cá nhân. Giao dịch dự kiến diễn ra từ 23/5 đến 22/6 theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh trên sàn. 

Cũng trong tháng 5/2021, bà Nguyễn Thị Tuyết Hà đăng ký bán 1,7 triệu cổ phiếu, tương đương 90% lượng cổ phiếu nắm giữ tại VIB với mục đích đầu tư cá nhân.

Ông Lê Ngọc Bích – bố vợ ông Hoàng Linh, Giám đốc tài chính cũng đăng ký bán 3 triệu cổ phiếu VIB, trên tổng số 4 triệu cổ phiếu nắm giữ. Giao dịch dự kiến diễn ra từ 17/5 đến 10/6 cũng với nhu cầu cá nhân. Đồng thời, bà Lê Diệu Linh, vợ của ông Hoàng Linh đã đăng ký bán 300.000 cổ phiếu để phục vụ nhu cầu cá nhân từ ngày 17/5 đến 16/6.

Trước đó, đầu tháng 2/2021, bà Ngô Minh Hiền đã đăng ký mua 1,5 triệu cổ phiếu của ngân hàng trong thời gian từ ngày 8/2 đến 5/3/2021 bằng hình thức thoả thuận và khớp lệnh.

Cũng vào đầu tháng 2, VIB thông báo về việc 2 người con ông Đỗ Xuân Hoàng, thành viên Hội đồng quản trị đã mua vào tổng cộng 2,5 triệu cổ phiếu (con trai mua 1,5 triệu cổ phiếu, con gái mua 1 triệu cp). Hiện ông Đỗ Xuân Hoàng là cổ đông lớn của VIB, nắm giữ 4,99% vốn ngân hàng và là người giàu thứ 45 trên sàn chứng khoán Việt Nam với khối tài sản khoảng 2.175 tỷ đồng.

Bà Trương Lê Ngọc Trâm, người phụ trách quản trị kiêm Giám đốc quản lý cổ đông của ngân hàng, đã đăng ký mua 500.000 cổ phiếu VIB nhằm đầu tư cá nhân. Thời gian giao dịch dự kiến từ ngày 19/5 đến 18/6.

Ông Tăng Hoàng Quốc Thái, Giám đốc ban Marketing và Truyền thông, muốn mua vào 5.000 cổ phiếu cũng nhằm đầu tư cá nhân. 

Đáng chú ý, mới đây Công ty Cổ phần Uniben đã bán 3 triệu cổ phiếu VIB từ ngày 17/5-27/5/2021. Sau giao dịch, Uniben sở hữu hơn 52,3 triệu cổ phiếu VIB, tương đương tỷ lệ sở hữu 4,72%.

Uniben và ngân hàng VIB vốn được biết đến có mối quan hệ thân thiết với nhau khi công ty con của Uniben là CTCP Đầu tư và Thương mại Hệ thống quốc tế (Nettra) là cựu cổ đông lớn, từng nắm giữ 14,99% vốn của VIB. Ông Đặng Khắc Dũng – em trai Chủ tịch VIB Đặng Khắc Vỹ từng nắm 64,5% cổ phần của Nettra. Trước đó, trong năm 2020, Uniben dùng 17 triệu cổ phiếu VIB để đảm bảo cho khoản nợ giá trị 500 tỷ đồng huy động bằng trái phiếu.

Thực tế, các giao dịch nội bộ tại VIB diễn ra trong bối cảnh giá cổ phiếu VIB tăng nóng cùng với sóng cổ phiếu ngân hàng. 

Giá cổ phiếu VIB tăng từ khi niêm yết trên HOSE vào tháng 11/2020. Từ tháng 2/2021, thị giá VIB leo dốc đi kèm kết quả kinh doanh quý 1 khả quan.

Chốt phiên giao dịch ngày 7/6, giá cổ phiếu VIB ở mức 72.200 đồng/cp, giảm 2,4% so với phiên giao dịch ngày 4/6. Nếu tính từ đầu năm đến nay, thị giá VIB cũng đã tăng tới gần 104% (6/1/2021 – 7/6/2021).

Cổ phiếu thăng hoa muôn sự nhờ 'game'

Vừa ra, VIB đã thông báo sẽ phát hành hơn 443 triệu cổ phiếu thưởng với tổng giá trị phát hành theo mệnh giá là hơn 4.000 tỷ đồng.

Cụ thể, cổ đông VIB sẽ được hưởng quyền nhận cổ phiếu thưởng với tỷ lệ tương đương 40% từ nguồn vốn chủ sở hữu của ngân hàng. Tức mỗi cổ đông sở hữu 100 cổ phần hiện hữu sẽ được nhận thêm 40 cổ phần mới.

Như vậy, vốn điều lệ của VIB tăng gần 40% theo, từ 11.094 tỷ đồng lên mức 15.531 tỷ đồng.

Chủ tịch Hội đồng quản trị VIB cũng đưa ra quyết định chốt ngày đăng ký cuối cùng cho danh sách cổ đông được hưởng quyền nhận cổ phiếu thưởng là ngày 10/6/2021.

Được biết, theo kế hoạch được đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 thông qua, ngân hàng còn dự kiến chào bán tối đa hơn 46,5 triệu cổ phiếu, tiếp tục nâng vốn lên khoảng 16.000 tỷ đồng

Kế hoạch VIB năm 2021. Nguồn: VIB.  
Kế hoạch VIB năm 2021. Nguồn: VIB.  
Thực tế, sự hấp dẫn của cổ phiếu ngân hàng theo đánh giá của các công ty chứng khoán là đến từ yếu tố cơ bản như lợi nhuận quý 1/2021 tăng trưởng 78 - 79% so với cùng kỳ, chất lượng tài sản được cải thiện, tỷ lệ an toàn vốn cao, kế hoạch kinh doanh khả quan…

Tuy nhiên, nếu quan sát diễn biến giá ở giai đoạn trước và sau công bố kết quả kinh doanh, những yếu tố cơ bản chỉ hỗ trợ một phần rất nhỏ cho sóng ngân hàng bay cao. Nhân tố thực sự giúp ngành ngân hàng thu hút sự chú ý của nhà đầu tư phải kể đến chính là "game” mua bán cổ phiếu với số lượng khủng hay vấn đề tăng vốn…

Một trường hợp khác là cổ phiếu LPB của LienvietPost Bank. Trong thời điểm tháng 4, khi công bố kết quả kinh doanh vượt trội tăng gấp đôi so với cùng kỳ thì thị giá của LPB cũng nhịp nhàng tăng ở mức 17%, từ 17.000 đồng lên 21.000 đồng cuối tháng 4. 

Tuy nhiên, kể từ cuối tháng 4, cơ cấu cổ đông chính thức thay đổi khi bầu Thụy được bầu vào vào Thành viên Hội đồng Quản trị LPB, giá cổ phiếu cũng bật tăng mạnh 57,4% trong vòng một tháng. Ngày 2/6 vừa qua, bầu Thuỵ tiếp tục đăng ký mua vào cổ phiếu LPB, nâng tỷ lệ sở hữu lên 3,03% LPB giúp cổ phiếu LPB đã tăng kịch trần 4 phiên.

Về VIB, theo Công ty Cổ phần Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HSC), quý 1/2021, chi phí dự phòng tăng 114% so với cùng kỳ lên mức 334 tỷ đồng, theo đó chí phí tín dụng theo năm tăng lên 0.78% từ 0,7% trong năm 2020. Hệ số LLR tăng lên 62% tại thời điểm cuối quý 1/2021 so với 58,2% tại thời điểm cuối năm 2020 và 50,7% tại thời điểm cuối năm 2019. Hệ số LLR của VIB vẫn tương đối thấp khi so sánh với các ngân hàng thương mại khác.

Ngoài ra, hệ số CIR của VIB trong quý 1/2021 giảm còn 38,9% so với 39,8% trong năm 2020.

HSC còn cho thấy, nếu nhìn vào các tiêu chí lợi nhuận và tăng trưởng, VIB đang thể hiện xuất sắc nhưng nếu nhìn vào một số tiêu chí căn bản khác như chất lượng tài sản (tỷ lệ nợ xấu và hệ số LLR) và tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) thì VIB không thấy vượt trội hơn so với các ngân hàng thương mại khác.

Cổ phiếu VIB tăng mạnh: Kết quả kinh doanh là động lực hay 'game' của nhà đầu tư cổ phiếu? - Ảnh 1

Hoàng Long (t/h)

Theo Sở hữu trí tuệ