Cơn khát tiền của CII
Kể từ lần đầu tiên vượt ngưỡng 10.000 tỷ đồng vào năm 2018, con số nợ vay của Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP. HCM (HoSE: CII) đã không ngừng tăng qua các năm. Đến 2023, giá trị nợ vay đã lên tới gần 19.000 tỷ đồng, lớn nhất lịch sử doanh nghiệp, tăng 30% so với năm trước và cao gấp 2,2 lần vốn chủ sở hữu. Quy mô dòng tiền đi vay 2023 cũng tăng gấp 4,5 lần năm trước đó, lên tới 16.841 tỷ đồng. Những con số này cho thấy, CII dường như đang khát tiền hơn bao giờ hết.
Thụt lùi
2022 có thể xem là một năm “bay bổng” về kinh doanh của CII khi doanh thu đạt mức cao nhất mọi thời đại, 5.748 tỷ đồng, và lợi nhuận sau thuế 860 tỷ đồng, cao nhất trong 5 năm gần nhất. Tuy nhiên, bước sang 2023, CII đã thụt lùi rất sâu khi chỉ có doanh thu 3.090 tỷ đồng, giảm 46% và lợi nhuận sau thuế 370 tỷ đồng, giảm 57% so với năm trước.
Bước thụt lùi của CII có nguyên nhân cơ bản là mảng bất động sản (vốn chiếm tới 63% tổng doanh thu 2022) giảm rất mạnh, giảm 69% về doanh thu so với năm trước, chỉ đạt 1.139 tỷ đồng. Trên thực tế, sự suy giảm của mảng bất động sản là không ngạc nhiên, bởi trong năm 2022, CII đã bàn giao một lượng sản phẩm rất lớn, chỉ còn một phần dành cho năm 2023. Cụ thể: dự án D’ Verano – Lô 3.2, năm 2022 đã xây dựng và bàn giao tới 95% số lượng sản phẩm; dự án The River – Lô 3.15, năm 2022 đã bàn giao 100% căn thương mại và 80% căn hộ; dự án 152 Điện Biên Phủ, năm 2022 đã bàn giao xong 55% tổng số sản phẩm. Bởi vậy, trong kế hoạch kinh doanh 2023, CII chỉ đặt mục tiêu 1.300 tỷ đồng cho mảng bất động sản và kết quả thực hiện năm 2023 đã hoàn thành được 87%.
Điều đáng nói ở đây là CII hầu như không đạt được bước tiến đáng kể nào trong việc thúc đẩy tiến độ cho các dự án còn lại để ghi nhận nguồn thu. Điều này cũng được ông Lê Quốc Bình – CEO của CII, thừa nhận tại đại hội cổ đông bất thường tổ chức hồi tháng 10/2023: “Các hồ sơ pháp lý dự án bất động sản gần như không có dự án nào chạy được”. Đây là điều rất đáng lo ngại cho CII về nguồn thu trong năm 2024 này.
Ở mảng thu phí giao thông, từ năm 2022, tình hình đã tốt lên với doanh thu 1.455 tỷ đồng, tăng 53%. Năm 2023, doanh thu mảng thu phí tiếp tục tăng 17% lên 1.687 tỷ đồng nhờ việc hợp nhất dự án Trung Lương – Mỹ Thuận. Dù vậy, so với kỳ vọng 1.900 tỷ đồng doanh thu thu phí, mức thực hiện trong năm 2023 mới chỉ đạt 86%.
Với việc 2 mảng chủ lực, một đi lùi, một không tạo ra đột phá, và các mảng còn lại cũng trong tình trạng tăng trưởng âm (doanh thu xây lắp giảm 62%, doanh thu cung cấp nước sạch giảm 48%), CII chỉ có thể kết thúc năm 2023 với việc hoàn thành được 60% kế hoạch doanh thu và 38% kế hoạch lợi nhuận (chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ). Đây cũng là năm có lợi nhuận sau thuế tệ nhất của CII trong 5 năm trở lại đây (không tính năm lỗ).
Đau đầu tiền bạc
Không chỉ đuối về lợi nhuận, năm 2023, dòng tiền kinh doanh của CII cũng rất xấu khi âm tới 1.140 tỷ đồng. Đây là năm âm dòng tiền kinh doanh thứ 3 trong 4 năm gần nhất của CII.
Một trong những nguyên nhân cơ bản khiến dòng tiền kinh doanh âm nặng là CII đã phải chi trả tới 1.908 tỷ đồng lãi vay, tăng tới 22% so với năm trước.
Trên thực tế, nợ vay của CII không phải chỉ mới tăng, mà đã tăng rất mạnh trong nhiều năm qua. Kể từ năm 2018, khi lần đầu tiên vượt qua ngưỡng 10.000 tỷ đồng, nợ vay của CII gần như tăng đều đặn qua từng năm: 2019 là 13.851 tỷ đồng, 2020 là 16.585 tỷ đồng, 2021 là 17.039 tỷ đồng, 2022 là 14.582 tỷ đồng và 2023 là 18.886 tỷ đồng.
Con số nợ vay trong năm 2023 là đỉnh cao trong lịch sử của CII, tăng tới 30% so với năm trước và gấp 2,2 lần vốn chủ sở hữu.
Để hình dung rõ hơn về “cơn khát” của CII, hãy nhìn sang dòng tiền đi vay. Nếu năm 2022, quy mô dòng tiền đi vay chỉ là 3.755 tỷ đồng thì tới năm 2023, con số này đã là 16.841 tỷ đồng, tăng gấp 4,5 lần.
Chính điều này đã tạo nên sự leo thang về chi phí tài chính qua các năm: 2020 là 1.214 tỷ đồng, 2021 là 1.416 tỷ đồng, 2022 là 1.359 tỷ đồng và 2023 là 1.600 tỷ đồng. Chi phí tài chính tăng tới 22% là một trong những nguyên nhân khiến lợi nhuận sau thuế 2023 của CII suy giảm nặng nề so với các năm trước đó.
CII vừa qua đã bày tỏ ý định tiếp tục nghiên cứu các dự án BOT với tổng mức đầu tư lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng. Điều này cho phép nội suy rằng cơn khát tiền với doanh nghiệp này chưa có điểm dừng.
Ở thời điểm kết thúc năm 2023, tổng nợ phải trả của CII đã lên tới 24.678 tỷ đồng, cao gấp 2,9 lần vốn chủ sở hữu, tương đương với việc 74% tài sản của công ty được hình thành từ nợ phải trả. So với đầu năm, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của CII đã tăng lên rất mạnh (đầu năm chỉ là 1,89 lần).
Công ty cho biết đang thực hiện các hoạt động tái cơ cấu nguồn vốn, song cho tới lúc này, mọi việc vẫn chưa cho ra kết quả cuối cùng. Trong khi đó, lãi vay vẫn tiếp tục “gõ” lên đầu công ty. Ở thời điểm kết năm 2023, CII ghi nhận các khoản phải trả liên quan lãi vay khá lớn, như: 196 tỷ đồng chi phí lãi vay và các khoản chi phí hợp tác kinh doanh, 86 tỷ đồng chi phí lãi vay…
2024 này, CII nhiều khả năng vẫn sẽ đau đầu với câu chuyện tiền bạc, bên cạnh nỗi lo không nhỏ về nguồn thu khi doanh thu thu phí khó lòng đột biến còn mảng bất động sản cho tới hết 2023 chỉ có 153 tỷ đồng tiền người mua trả trước ngắn hạn…