Công trình đối xứng cầu Nhơn Trạch đề xuất chi thêm 2.300 tỷ: Hoàn thiện đường liên vùng kết nối đến 'siêu sân bay' Việt Nam
Dự án cầu đối xứng với cầu Nhơn Trạch đang được Bộ Giao thông Vận tải đề xuất bổ sung thêm 2.300 tỷ đồng để sớm có thể triển khai trong thời gian tới.
Theo Dân trí, Bộ Giao thông Vận tải vừa có tờ trình kiến nghị Thủ tướng về việc bổ sung 2.300 tỷ đồng xây dựng cầu Nhơn Trạch 2. Cầu Nhơn Trạch 2 sẽ là cây cầu đối xứng với cầu Nhơn Trạch hiện đang thi công với tiến độ đạt 75%. Cầu Nhơn Trạch 2 có thời gian triển khai là từ năm 2025 đến năm 2028.
Cầu Nhơn Trạch và cầu Nhơn Trạch 2 thuộc dự án thành phần 1A do Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận làm chủ đầu tư và là một hợp phần của đường Vành đai 3 TP. HCM. Cầu Nhơn Trạch 2 cùng với cầu Nhơn Trạch 1 sẽ được đưa vào khai thác theo quy mô đường cao tốc 8 làn xe, trong đó bao gồm làn dành riêng cho xe máy di chuyển qua qua cầu. Xe máy khi qua cầu sẽ nhập, di chuyển vào làn đường song hành tách biệt với tuyến chính Vành đai 3 TP. HCM được khai thác theo tiêu chuẩn đường cao tốc đô thị.
Việc đầu tư triển khai cầu Nhơn Trạch 2 sẽ hoàn chỉnh hệ thống đường Vành đai 3 TP. HCM theo quy hoạch. Công trình khi được hoàn thành sẽ rút ngắn hành trình từ Đồng Nai đến TP. HCM, Bình Dương, Long An và ngược lại. Cùng với đường Vành đai 3, dự án góp phần gia tăng liên kết giữa các địa phương tới 'siêu sân bay' Long Thành, tăng cường trao đổi thương mại, phân luồng từ xa và giảm ách tắc cho các tuyến đường nội thị của TP. HCM khi phương tiện vận tải liên tỉnh sẽ không cần đi qua trung tâm thành phố.
Dự án thành phần 1A Vành đai 3 đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt vào năm 2016. Dự án được xây dựng với quy mô đường cấp III đồng bằng, tốc độ thiết kế 80km/h, rộng 20,5-26m, 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe hỗn hợp.
Tổng mức đầu tư dự án 1A là 6.900 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn ODA của Hàn Quốc gần 4.176 tỷ đồng. Số còn lại là vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam với vốn Trung ương khoảng 529 tỷ đồng, còn lại là ngân sách của Đồng Nai và TP. HCM.