Công ty chứng khoán lên kế hoạch kinh doanh 2022: Kẻ thận trọng, người lạc quan
Năm 2022, nhiều công ty chứng khoán vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng trong bối cảnh bình thường mới nhưng cũng có công ty thận trọng hơn, đưa ra con số giảm sút so với thực hiện năm 2021.
Công ty chứng khoán kỳ vọng tăng trưởng
Sau năm 2021 kinh doanh khởi sắc, các công ty chứng khoán tiếp tục đặt chỉ tiêu kinh doanh tăng trưởng cao trong năm 2022.
Theo tài liệu đại hội đồng cổ đông được công bố, nhiều công ty chứng khoán đặt mục tiêu kinh doanh cao hơn đáng kể thực hiện năm 2021, thậm chí có đơn vị dự phóng tăng trưởng hàng trăm lần.
Điển hình tại Chứng khoán MB (MBS), năm 2022 định hướng tập trung tăng hiệu quả các hoạt động kinh doanh cốt lõi bao gồm kênh môi giới truyền thống, kênh online, dịch vụ ngân hàng đầu tư, đầu tư tự doanh cổ phiếu và chứng quyền, kinh doanh trái phiếu.
Theo đó, MBS đặt mục tiêu khủng với 3.027 tỷ đồng doanh thu và 1.100 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế ước, gấp đôi so với lợi nhuận đạt được trong năm 2021.
Chứng khoán Alpha cũng đã thông qua phương án kinh doanh với doanh thu 110.75 tỷ đồng và lợi nhuận thuần 80,75 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 132,25% và 189,44% so với 2020.
Một tân binh mới lên sàn đầu năm nay là Chứng khoán Stanley Brother (VUA) cũng đặt mục tiêu kinh doanh tăng trưởng bứt phá trong năm 2022. Theo kế hoạch, doanh thu năm 2022 đạt 180 tỷ đồng, tăng 57,4% và lợi nhuận sau thuế đạt 60 tỷ đồng tăng 208,7%.
Chứng khoán SmartInvest (UPCoM: AAS) vừa công bố Tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên 2022 với kế hoạch kinh doanh năm 2022 thu về 1.200 tỷ đồng doanh thu hoạt động tăng 25% và 480 tỷ đồng lãi sau thuế tăng 27% so với thực hiện năm trước.
Trong lần trở lại mảng chứng khoán, VPBank Securities cũng đặt kế hoạch kinh doanh tham vọng với doanh thu 1.509 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 632 tỷ đồng. Chỉ tiêu lợi nhuận gấp 105 lần kết quả thực hiện trong năm nay.
Công ty Chứng khoán Everest (Mã: EVS) tổ chức đại hội cổ đông sớm và thông qua chỉ tiêu doanh thu hoạt động đạt 1.815 tỷ đồng trong năm 2022, tương ứng lợi nhuận sau thuế 458,3 tỷ đồng, cao hơn 63% và 8,6% thực hiện 2020.
Công ty Cổ phần Chứng khoán Tiên Phong (TPS, mã ORS) dự kiến doanh thu năm 2022 tăng 46% lên 1.981 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 500 tỷ đồng, tăng 85% so với cùng kỳ. CTCP Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (mã: SHS) đặt mục tiêu doanh thu và lợi nhuận năm 2022 tiếp tục tăng trưởng với tỷ lệ tối thiểu là 20%.
FPT, APEC,... lên kế hoạch kinh doanh năm 2022 thận trọng
Đi ngược xu hướng chung, nhiều công ty chứng khoán lại khá thận trọng đặt mục tiêu kinh doanh năm 2022.
Tại Chứng khoán Bản Việt – VCI, ban lãnh đạo doanh nghiệp đặt mục tiêu doanh thu năm 2022 đạt 3.240 tỷ đồng, giảm 12,6% so với đạt được năm 2021, tuy nhiên, tổng chi phí phấn đấu giảm 27,8% nên lợi nhuận trước thuế vẫn tăng nhẹ 2,7% đạt 1.900 tỷ đồng.
Tương tự, Chứng khoán FPT (FPTS) đề ra kế hoạch kinh doanh đi lùi cho năm 2022. Theo đó, Hội đồng quản trị của FPTS trình Đại hội cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2022 với doanh thu đạt 1.090 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 680 tỷ đồng, lần lượt giảm 3,7% và 6,3% so với thực hiện năm 2021.
Tại Đại hội đồng cổ đông, Ban lãnh đạo Chứng khoán Thành Công (TCI) cũng đặt mục tiêu doanh thu 435 tỷ đồng tăng 37,6% lợi nhuận trước thuế 222 tỷ đồng, tăng nhẹ 2,3%. Kế hoạch doanh thu được đặt trên giả định Vn-Index tăng 10% trong năm 2022.
Chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương (APEC, HNX: APS) đặt kế hoạch lợi nhuận đi lùi. Cụ thể, năm 2022 APEC đặt mục tiêu tổng doanh thu tăng trưởng 7% lên 800 tỷ đồng và kế hoạch lãi sau thuế giảm 11,13% về mức 500 tỷ đồng. Dù vậy, nếu đạt được, đây sẽ là mức lợi nhuận cao thứ 2 trong lịch sử hoạt động công ty.
Lên kế hoạch cho năm 2022, Chứng khoán Phú Hưng (PHS) dự kiến tổng doanh thu đạt trên 604 tỷ đồng, tương ứng tăng trưởng 19% so với kết quả năm trước. Tuy nhiên, lãi sau thuế đạt mục tiêu 75 tỷ đồng, đồng nghĩa giảm 47% so với con số đạt được trong năm 2021.
Mùa đại hội đồng cổ đông năm 2022 sắp diễn ra, với thị trường chứng khoán biến động, kế hoạch doanh thu lợi nhuận của nhiều công ty chứng khoán được dự báo vẫn sẽ tăng trưởng trong năm 2022 tuy nhiên mức tăng trưởng đã thấp hơn do so sánh với nền cao của năm 2021.
Bên cạnh đó, các công ty chứng khoán tiếp tục câu chuyện tăng vốn đáp ứng nhu cầu về cho vay margin, tự doanh, bảo lãnh phát hành.
Đơn cử như Chứng khoán Alpha dự kiến tăng vốn điều lệ từ 175,9 tỷ đồng lên 467,6 tỷ đồng; VPBank Securities cũng dự kiến tăng vốn điều lệ từ gần 269 tỷ đồng lên 8.920 tỷ đồng. Nếu thành công, VPBank Securities sẽ là công ty chứng khoán có vốn điều lệ đứng thứ hai trên thị trường.
Tương tự, Chứng khoán SSI thông qua kế hoạch tăng vốn khủng lên gần 15.000 tỷ đồng. Duy trì vị thế là công ty chứng khoán có quy mô vốn điều lệ lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam; Chứng khoán TPS cũng lên kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 5.000 tỷ đồng;…