Công ty Văn Minh "vượt rào" quy hoạch, biến đất thuê thành nhà xưởng?
Các cụm công nghiệp đang đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Tuy nhiên, nhiều bất cập vẫn tồn tại trong công tác quản lý quy hoạch, xây dựng và môi trường tại một số cụm công nghiệp.
Diện tích quy hoạch và thực tế “vênh” nhau?
Những năm gần đây, nhiều cụm công nghiệp trên địa bàn cả nước được hình thành và mở rộng, nhưng lại không quan tâm đúng mức đến việc đầu tư phát triển hạ tầng khu đô thị, tạo không gian đô thị đồng bộ tại khu vực. Thậm chí, nhiều địa phương không thực hiện đúng theo quy hoạch, pháp luật về xây dựng các cụm công nghiệp.
Tại Hà Nội, chính quyền Thủ đô đã và đang chú trọng phát triển các khu, cụm công nghiệp hiện đại, tiên tiến. Việc xây dựng và đưa vào hoạt động các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn Hà Nội thời gian qua bước đầu đáp ứng nhu cầu về mặt bằng của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất.
Được biết, hiện Hà Nội có 70 cụm công nghiệp hoạt động, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội. Các cụm công nghiệp này hoạt động tại 17 quận, huyện và thị xã với tổng diện tích theo quy hoạch là 1.686ha, trong đó có 1.392ha được đầu tư xây dựng hạ tầng, hoạt động ổn định. Các cụm công nghiệp đã thu hút khoảng 3.864 cơ sở sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho 60.000 lao động, nộp ngân sách Nhà nước khoảng 1.100 tỷ đồng/năm. Chỉ tính trong 3 năm 2018, 2019 và 2020, trên địa bàn thành phố thành lập mới 19 cụm công nghiệp.
Thế nhưng trên thực tế, theo khảo sát của PV Reatimes, việc phát triển các cụm công nghiệp vẫn còn nhiều bất cập. Nhiều địa phương xảy ra tình trạng vi phạm nghiêm trọng trong công tác quản lý về quy hoạch, xây dựng và sử dụng đất. Thậm chí, nhiều nơi còn có tình trạng các cụm công nghiệp tự phát, nằm ngoài quy hoạch chung của thành phố.
Theo Quyết định số 1292/QĐ-UBND về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp TP. Hà Nội đến năm 2020, có xét đến năm 2030, thì TP. Hà Nội sẽ có 159 cụm công nghiệp với tổng diện tích là 3.240,97ha.
Mục tiêu của quy hoạch là phát triển cụm công nghiệp nhằm đảm bảo thực hiện định hướng phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô, góp phần quyết định tăng trưởng công nghiệp và dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế Thủ đô theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Hình thành hệ thống các cụm công nghiệp trên cơ sở nghiên cứu việc điều chỉnh, sáp nhập, mở rộng các cụm công nghiệp đã được quy hoạch hoặc đã tồn tại trước đây; đồng thời với việc quy hoạch mới các cụm công nghiệp trên cơ sở phù hợp với quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và các quy hoạch có liên quan...
Theo quy hoạch, Khu đất Công ty Văn Minh thuê là đất ở đô thị, nhưng thực tế sử dụng thì là nhà xưởng rộng hàng nghìn mét vuông.
Theo UBND TP. Hà Nội, những vấn đề trên chính là việc cụ thể hóa nội dung mà Bộ Công Thương đã ban hành tại Văn bản số 11175/BCT-CTĐP ngày 27/11/2017, về việc thỏa thuận Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp đến năm 2020, có xét đến năm 2030 trên địa bàn TP. Hà Nội.
Đơn cử, công văn của Bộ Công Thương nêu rõ, huyện Chương Mỹ (TP. Hà Nội) có 10 cụm công nghiệp được nằm trong quy hoạch phát triển cụm công nghiệp đến năm 2020, có xét đến năm 2030 trên địa bàn TP. Hà Nội. Trong đó, Cụm công nghiệp Ngọc Hòa (thuộc xã Ngọc Hòa, huyện Chương Mỹ, TP. Hà Nội) có diện tích quy hoạch đến năm 2020 là 5,21ha và giai đoạn 2021 - 2030 cũng vẫn giữ nguyên là 5,21ha, với đa ngành nghề hoạt động.
Tuy nhiên, theo hồ sơ PV có được thì đến tháng 12/2017, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Quyết định thành lập Cụm công nghiệp Ngọc Hòa (tại thôn Ngọc Giả, xã Ngọc Hòa, huyện Chương Mỹ). Dự án này do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Chương Mỹ làm chủ đầu tư với quy mô 12,66ha.
Cụ thể, Cụm công nghiệp Ngọc Hòa có ranh giới được xác định phía Đông giáp thôn Ngọc Giả, xã Ngọc Hòa, huyện Chương Mỹ; phía Tây giáp mương thoát nước Ngọc Hòa; phía Nam giáp đường Tỉnh lộ 80 và phía Bắc giáp đường Quốc lộ 6. Đây là cụm công nghiệp được xác định tính chất, chức năng là phát triển công nghiệp (ngành hàng thủ công mỹ nghệ, hàng cơ kim khí, chế biến nông lâm sản, vật liệu xây dựng, dệt may và các sản phẩm khác của ngành tiểu thủ công nghiệp làng nghề…).
Theo ghi nhận của PV, khu vực này có nhiều nhà máy, cơ sở sản xuất với các ngành nghề khác nhau. Đáng chú ý, hiện có Công ty TNHH K+K Fashion đang vận hành nhiều xưởng sản xuất may mặc, với quy mô vài chục nghìn mét vuông. Khu vực này những năm qua liên tiếp được đầu tư mở rộng nhà xưởng sản xuất, trên khu đất thuộc Công ty TNHH Đầu tư phát triển Văn Minh (Công ty Văn Minh, do ông Lê Quốc Văn là người đại diện pháp luật) thuê, quản lý sử dụng.
Tìm hiểu được biết, khu đất cho Công ty Văn Minh thuê được điều chỉnh quy hoạch là đất công nghiệp, sau đó tiếp tục điều chỉnh thành đất ở đô thị. Hiện tại, khu đất này theo quy hoạch vẫn là đất ở đô thị. Vậy nhưng, không hiểu căn cứ vào đâu mà UBND huyện Chương Mỹ lại cấp giấy phép xây dựng và cho phép mở rộng nhà xưởng sản xuất hàng may mặc trên phần diện tích Công ty Văn Minh đang thuê, quản lý sử dụng?
Ngoài ra, quá trình Cụm công nghiệp Ngọc Hòa đi vào hoạt động đã có nhiều ý kiến phản ánh về tình trạng ô nhiễm môi trường. Việc này gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân. Bên cạnh đó, cụm công nghiệp này tọa lạc ngay mặt đường Quốc lộ 6, vì thế vấn đề an ninh trật tự và an toàn giao thông khu vực này rất đáng chú ý. Đặc biệt vào giờ tan tầm, công nhân rời khỏi Công ty TNHH K+K Fashion khiến giao thông lộn xộn, tiềm ẩn nguy cơ xung đột giữa các phương tiện lưu thông.
Cần thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy hoạch, sử dụng đất
Theo thống kê ban đầu, thời gian qua, mặc dù chịu ảnh hưởng xấu của tình hình kinh tế thế giới, song việc thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp của Hà Nội vẫn có sự tăng trưởng khá, đặc biệt là các dự án FDI. UBND TP. Hà Nội cho biết, trong thời gian tới bên cạnh các chính sách ưu đãi thu hút đầu tư, thì vấn đề đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp đóng vai trò quan trọng.
Ngày 10/8/2020, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Công văn số 6586/VP-KT về triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố nhằm phát triển mạnh các cụm công nghiệp thời gian tới.
Trước đó, UBND TP. Hà Nội cũng đã ban hành Công văn 3990/UBND-ĐT về việc thực hiện nhiệm vụ rà soát, đánh giá phân loại mức độ ô nhiễm môi trường tại các làng nghề trên địa bàn thành phố. Cụ thể, UBND thành phố giao Sở Công Thương phối hợp với Sở Quy hoạch - Kiến trúc, UBND các quận, huyện, thị xã rà soát quy hoạch các khu, cụm, điểm công nghiệp làng nghề. Đồng thời, bố trí địa điểm và tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở, hộ sản xuất kinh doanh tại các làng nghề bị ô nhiễm môi trường nghiêm trọng di chuyển vào các khu, cụm, điểm công nghiệp làng nghề tập trung có hạ tầng đồng bộ, bảo đảm các nguồn thải sau sản xuất được thu gom, xử lý tập trung đạt quy chuẩn môi trường.
Nói về Cụm công nghiệp Ngọc Hòa, ông Trịnh Duy Hòa - Chủ tịch UBND xã Ngọc Hòa (huyện Chương Mỹ, TP. Hà Nội) cho biết, đây là cụm công nghiệp đầu tiên của Chương Mỹ và trước đây có làm thủ tục thu hồi đất.
“Công ty Văn Minh được tỉnh Hà Tây cũ cho thuê đất. Sau khi thuê đất, Công ty Văn Minh xây tường bao 4 phía và đào hồ làm dịch vụ quán ăn, nhà hàng và một phần làm văn phòng. Sau đó, họ chuyển đổi một phần diện tích đất xây nhà xưởng cho 2 công ty (trong đó có một công ty nước ngoài) thuê. Khoảng năm 2017 - 2018, họ xin được chủ trương chấp thuận của thành phố và lấp hồ đi. Công ty này được huyện cấp phép xây dựng, mở rộng xưởng. Lúc này, toàn bộ khuôn viên cho Công ty TNHH K+K Fashion thuê, hoạt động xưởng may mặc xuất khẩu”.
Ông Hòa cũng giải thích thêm, trước đó người dân nhiều lần phản ánh việc ô nhiễm môi trường từ nguồn nước trong hệ thống cống bên trong cụm công nghiệp chảy ra. Tuy nhiên, cách đây vài năm, huyện đã đầu tư Nhà máy xử lý nước thải, nên hiện không có biểu hiện bất thường về vấn đề môi trường.
“Gần đây, Phòng Tài nguyên và Môi trường đến làm việc với Công ty Văn Minh và một số hộ hay ngồi bán hàng ở cổng. Công ty Văn Minh được TP. Hà Nội cho sử dụng cả đường gom cụm công nghiệp, hiện họ đang làm phòng bảo vệ. Công trình nhà xưởng đều ghép khuôn sắt, đổ móng trụ”, ông Hòa cho biết.
Đối chiếu theo thông tin ông Hòa cung cấp, PV nhận thấy có nhiều dấu hiệu trùng khớp với thông tin vào năm 2014, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Quyết định số 1894/QĐ-UBND về việc phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu nhà vườn sinh thái Văn Minh (tại xã Ngọc Hòa, huyện Chương Mỹ). Theo đồ án quy hoạch, Khu nhà vườn sinh thái Văn Minh (vị trí phía Bắc giáp Quốc lộ 6, phía Nam giáp Tỉnh lộ 80, phía Đông giáp khu dân cư xã Ngọc Hòa, phía Tây giáp cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ Ngọc Vân và nghĩa trang thôn Ngọc Giả) có diện tích 75.181m2, quy mô dân số khoảng 1.300 người.
Về những vấn đề này, nhiều cử tri cũng cho rằng, chính quyền địa phương cần vào cuộc làm rõ vấn đề quy mô, diện tích, mục đích sử dụng trong công tác quản lý sử dụng đất, tuân thủ quy hoạch tại Cụm công nghiệp Ngọc Hòa và khu đất Công ty Văn Minh đang thuê của chính quyền Hà Nội. Bởi việc sử dụng đất sai mục đích và không tuân thủ quy hoạch luôn tiềm ẩn những tác động tiêu cực cũng như nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Trong buổi trao đổi, PV cũng đề nghị lãnh đạo xã Ngọc Hòa cung cấp thông tin, số liệu về việc quản lý sử dụng đất, quy hoạch, xây dựng tại Cụm công nghiệp Ngọc Hòa, cũng như diện tích đất cho Công ty Văn Minh thuê và hiện trạng Công ty TNHH K+K Fashion đang sử dụng, vận hành xưởng sản xuất hàng may mặc. Thế nhưng, đại diện UBND xã Ngọc Hòa cho biết sẽ cung cấp thông tin sau. Về những phản ánh trên, PV đã liên hệ UBND huyện Chương Mỹ, tuy nhiên đơn vị này chưa có nội dung trả lời.
Không hiểu rằng, công tác quản lý quy hoạch, xây dựng và sử dụng đất của UBND TP. Hà Nội và chính quyền huyện Chương Mỹ được thực hiện đến đâu, đặc biệt là công tác quản lý quy hoạch, hoạt động của các cụm công nghiệp trên địa bàn TP. Hà Nội, trong đó có Cụm công nghiệp Ngọc Hòa? Được biết, trước đó tại Văn bản số 11175/BCT-CTĐP ngày 27/11/2017 của Bộ Công Thương, đơn vị này cũng đề nghị UBND TP. Hà Nội chỉ đạo các đơn vị liên quan trong việc thực hiện công bố, tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch theo quy định về quản lý, phát triển cụm công nghiệp. Trong quá trình thực hiện, phải chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật đất đai, công tác bảo vệ môi trường, xây dựng hệ thống xử lý nước thải...
Đề nghị UBND TP. Hà Nội, Sở Công Thương và UBND huyện Chương Mỹ nhanh chóng vào cuộc thanh kiểm tra, làm sáng tỏ những vấn đề nêu trên để dư luận được biết.