Công viên phần mềm Quang Trung mất điện gây gián đoạn giao dịch chứng khoán
Sự cố gián đoạn kết nối tới HoSE trong phiên sáng hôm nay (7/5) được lý giải do mất điện tại Trung tâm Dữ liệu Dự phòng tại Công viên Phần mềm Quang Trung.
Theo ghi nhận của một số công ty chứng khoán, việc kết nối tới HoSE trong sáng hôm nay (5/7) gặp gián đoạn dẫn đến các sự cố trong quá trình đăng nhập và giao dịch trực tuyến của nhà đầu tư. Việc gián đoạn này khiến các nhà đầu tư muốn giao dịch phải liên hệ trực tiếp với nhân môi giới.
Sự việc xảy ra vào khoảng 10 giờ trong phiên giao dịch sáng. Ngay đến đầu phiên chiều, HoSE đã phát đi thông báo để thông tin về sự cố này. Theo đó, phía HoSE cho biết nguyên nhân của việc gián đoạn kết nối do sự cố mất điện tại Trung tâm Dữ liệu Dự phòng tại Công viên Phần mềm Quang Trung (QTSC) đã làm gián đoạn kết nối của một số công ty chứng khoán đặt thiết bị công nghệ thông tin tại đây.
Đại diện sở cho biết, hệ thống giao dịch của HoSE vẫn hoạt động bình thường. Đến hơn 11 giờ, sự cố mất điện tại Trung tâm Dữ liệu Dự phòng đã được khắc phục. Kết nối của các công ty chứng khoán bị ảnh hưởng đã được khôi phục và hoạt động bình thường trở lại.
Sự cố này làm nhiều nhà đầu tư nhớ đến câu chuyện tương tự từng xảy ra vào năm 2018. Theo đó, vào thời điểm này, hàng loạt website của các trang báo như Thanh niên, Sài Gòn Giải Phóng, Pháp luật TP. HCM,… không truy cập được hoặc truy cập chập chờn vào sáng 23/9/2018, với nguyên nhân được đưa ra là do ảnh hưởng của việc mất điện tại Công viên phần mềm Quang Trung.
Ngay hôm đó, QTSC cho biết đã gửi email và tin nhắn đến các doanh nghiệp trong phạm vi bị ảnh hưởng (không ảnh hưởng đến toàn khu) về việc điện lực An Phú Đông thực hiện cắt điện để thay thế 3 đầu cáp ngầm tại trạm T.8-9, T.12-13, do đó một số doanh nghiệp nội khu sẽ bị ngắt điện từ 9h – 14h ngày 23/9/2018.
“Đây là kế hoạch bảo trì thường xuyên, định kỳ do QTSC phối hợp với ngành điện lực thực hiện. QTSC đã đề nghị doanh nghiệp trong khu vực bị ngắt điện chủ động trong công việc”, QTSC cho biết.
Quay lại câu chuyện gián đoạn giao dịch trên HoSE, chỉ mới gần đây vào phiên chiều 6/3, một số công ty chứng khoán cũng cho biết hệ thống kết nối với HoSE bị gián đoạn, dẫn tới việc không thể gửi lệnh đã đặt lên HoSE và không thể huỷ/sửa lệnh.
Một số khác lại cho biết việc kết nối đến HoSE bị chập chờn, do đó một số lệnh đặt sàn HoSE có thể chưa được gửi vào sàn hoặc không cập nhật đúng trạng thái lệnh. Thậm chí, thông tin hiển thị trên bảng giá có thể thời điểm chưa cập nhật đúng.
HoSE sau đó cũng thông báo về việc phối hợp với nhà cung cấp dịch vụ hỗ trợ vận hành hệ thống (Công ty TNHH Hệ thống Thông tin FPT) để kiểm tra, xác định nguyên nhân.
Được biết, HoSE đã chính thức vận hành hệ thống mới do FPT cung cấp từ ngày 5/7/2021 sau khi trải qua hành trình 100 ngày sửa nghẽn lệnh. Theo đó, “nghẽn lệnh” là từ khoá nóng nhất kể từ cuối năm 2020 trên mạng xã hội, trên các diễn đàn tài chính, các hội nhóm về chứng khoán.
Hệ thống trước đó của HoSE được xây dựng dựa trên sự giúp đỡ của Sở Giao dịch Chứng khoán Thái Lan từ hơn 20 năm trước. Cuối năm 2020, thời điểm thị trường chứng khoán “thăng hoa” với thanh khoản tăng đột biến, dẫn tới tính trạng hệ thống quá tải, không đủ khả năng xử lý và xảy ra tình trạng nghẽn lệnh.
Ở thời điểm cuối năm 2020, đầu năm 2021, trong thị trường chứng khoán đang là tâm điểm của các nhà đầu tư, việc nghẽn lệnh, ảnh hưởng tới các giao dịch trên thị trường gây nên sự bức xúc không nhỏ đối với giới đầu tư.
Sau khi FPT vào cuộc, lên kế hoạch giải cứu nghẽn lệnh cho HoSE và chính thức vận hành hệ thống mới, các sự cố nghẽn lệnh không còn xảy ra thường xuyên. Dù vậy, các nhà đầu tư vẫn kỳ vọng về việc đưa hệ thống KRX vào vận hành sau nhiều lần trễ hẹn.
KRX là hệ thống công nghệ thông tin quản lý và điều hành giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam, nhằm nâng cấp công nghệ hệ thống và cơ sở hạ tầng của sàn giao dịch chứng khoán, được HoSE ký kết với Sở Giao dịch Chứng khoán Hàn Quốc (KRX) vào năm 2012.