Cung đường tỷ đô bên bờ biển Đà Nẵng
Hoàng Sa - Võ Nguyên Giáp - Trường Sa được ví là cung đường tỷ đô ven biển Đà Nẵng với loạt hàng khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng cao cấp được xây dựng, đã đánh thức vùng đất nơi đây và góp phần vào sự phát triển kinh tế của địa phương.
Tạo giá trị cho vùng đất
Hoàng Sa - Võ Nguyên Giáp - Trường Sa là tuyến đường ven biển kéo dài từ quận Sơn Trà đến quận Ngũ Hành Sơn (TP. Đà Nẵng), tiếp giáp với thị xã Điện Bàn dẫn vào phố cổ Hội An của tỉnh Quảng Nam.
Năm 2002, TP. Đà Nẵng đầu tư xây dựng tuyến đường này để phát triển du lịch với tên gọi Sơn Trà – Điện Ngọc. Sau đó, HĐND TP. Đà Nẵng đã đặt tên tuyến đường ven biển dài 27km từ Bãi Bắc (bán đảo Sơn Trà) đến giáp địa phận tỉnh Quảng Nam là Hoàng Sa - Trường Sa. Đến năm 2013, một đoạn dài 7km nằm giữa 2 đường Hoàng Sa - Trường Sa được TP. Đà Nẵng đặt tên là Võ Nguyên Giáp.
Đây là tuyến đường được xem đẹp nhất TP. Đà Nẵng và được ví là “cung đường tỷ đô” hay còn gọi là “cung đường 5 sao”. Điều đó không có nghĩa là tuyến đường được xây dựng với chất lượng cao vượt trội mà đơn giản ở đây có hàng trăm khách sạn cao cấp, những khu nghỉ dưỡng sang trọng bậc nhất, đẳng cấp quốc tế.
Ông Nguyễn Hoàng Long, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng nhớ lại, quận 3 (nay là quận Sơn Trà và quận Ngũ Hành Sơn) có vị trí chiến lược quan trọng nhưng trước đây phát triển kinh tế còn hạn chế. Thời điểm đấy, ngư dân chủ yếu khai thác gần bờ và cuộc sống còn rất khó khăn. Do đó, người ta coi Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn như một vùng sâu, vùng xa của Đà Nẵng. Từ thời Pháp thuộc và cả sau này, đã có những câu ca để nói về sự kém phát triển của vùng này. Ví dụ như: “Đứng bên ni sông Hàn, ngó bên tê sông Hàn, nước xanh như tàu lá. Đứng bên tê sông Hàn, ngó bên ni sông Hàn, phố xá nghênh ngang”. Hay thậm còn có những câu nói như: “Con gái quận ba không bằng bà già quận một”.
Vì vậy, lãnh đạo TP. Đà Nẵng lúc bấy giờ đã nghĩ đến chuyện phải hình thành những con đường ven biển để phát triển vùng ven biển của thành phố từ Hải Vân qua bán đảo Sơn Trà đến Ngũ Hành Sơn và nối vào Điện Ngọc (Bàn Điện, Quảng Nam). Song song với việc lần lượt xây dựng những cây cầu bắc qua sông Hàn, việc xây dựng những tuyến đường ven biển trở nên cấp thiết đối với Đà Nẵng. Điều này cũng nằm trong chỉ đạo chung của Trung ương là xây dựng tuyến đường ven biển xuyên suốt Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Hoàng Long, từ sau khi con đường hình thành, cùng với hệ thống đường bộ được nâng cấp như: đường Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo, đặc biệt là những cây cầu qua sông Hàn được xây dựng, cả vùng Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn đã khởi sắc. Cả vùng đất nghèo nàn, lạc hậu, hoang sơ đã trở nên sầm uất, nhộn nhịp. Đặc biệt, tuyến đường không chỉ có sức hút với người dân địa phương mà còn cả đối với du khách trong nước và quốc tế. Tuyến đường đã tạo nên giá trị của bãi biển Mỹ Khê – là một trong những bãi biển đẹp nhất hành tinh. Bên cạnh đó, nhờ con đường này mà thành phố đã huy động được nguồn đầu tư từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư làm cho tuyến đường trở nên khang trang, hấp dẫn.
“Bây giờ, đi trên tuyến đường ven biển Hoàng Sa - Võ Nguyên Giáp – Trường Sa, cảm giác đây là một đô thị hiện đại và có thể nói là niềm tự hào của TP. Đà Nẵng, đáp ứng được yêu cầu về cảnh quan, đáp ứng thỏa mãn nhu cầu du lịch của người dân và du khách khi đến thưởng ngoạn, tận hưởng giá trị của các bãi biển”, ông Nguyễn Hoàng Long chia sẻ.
Định vị thương hiệu cho Đà Nẵng
Ông Lương Minh Sâm, nguyên Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng, nguyên Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng cho hay, trước đây, đường Sơn Trà - Điện Ngọc là công trình hạ tầng trọng điểm trong kế hoạch phát triển du lịch biển của TP. Đà Nẵng và Quảng Nam sau khi chia tách tỉnh. Đường được khởi công năm 2002, chạy song song với bờ biển, có đoạn sát biển, có đoạn cách biển vài trăm mét để dành đất xây dựng các khu du lịch. Đoạn tiếp theo từ Điện Ngọc vào Hội An do tỉnh Quảng Nam đầu tư.
Để đầu tư con đường này, Đà Nẵng đã khắc phục nhiều khó khăn do đường xuyên qua vùng đất thuộc sân bay Nước Mặn và phải giải tỏa nhiều làng chài cùng với việc phải huy động nguồn vốn lớn trong thời điểm ngân sách hạn hẹp.
“Quyết định đầu tư đường du lịch ven biển này là một chủ trương đúng đắn. Con đường chính là công cuộc khai phá một vùng bờ biển hoang sơ với nhiều bãi tắm tự nhiên rất đẹp, tạo ra sắc thái mới cho du lịch biển Đà Nẵng cũng như “kéo” được nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp hội tụ về đây. Nhờ đó, đời sống, việc làm của nhân dân địa phương được thêm phần cải thiện”, ông Lương Minh Sâm nói.
Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP. Đà Nẵng cho hay, nguồn lực, dư địa, thế mạnh của Đà Nẵng nói chung và du lịch nói riêng nằm ở phía Đông gắn với bãi biển đẹp nhất hành tinh, gắn với quỹ đất, gắn với phát triển hạ tầng dịch vụ và rất phù hợp với nhu cầu của du lịch. Vì vậy, chiến lược phát triển về phía Đông của Đà Nẵng là hết sức đúng đắn, phù hợp với xu thế.
“Việc xây dựng tuyến đường ven biển là đột phá của Đà Nẵng, vừa phát triển không gian về phía Đông, vừa kết nối với đô thị Hội An cho tuyến du lịch biển rất đẹp, vừa tạo không gian cho các cơ sở lưu trú, cơ sở dịch vụ phục vụ du khách”, ông Dũng nói thêm và cho biết, đến thời điểm này, tuyến đường gần đã được lấp đầy bằng những hệ thống dịch vụ cao cấp, tạo thành thương hiệu cho Đà Nẵng về sản phẩm nghỉ dưỡng biển.
Theo ông Cao Trí Dũng, hiện nay, trên tuyến đường còn một số dự án chưa triển khai. Chủ trương lớn của Đà Nẵng trong năm nay là khơi thông nguồn lực để sớm đưa các dự án vào triển khai, khai thác. Khi các dự án này đi vào hoạt động, tuyến đường sẽ phát triển đồng bộ hơn, tăng nguồn thu cho cả ngân sách và nhà đầu tư.
Nguyên Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Nguyễn Hoàng Long cho rằng, với những yêu cầu của sự phát triển, đồng thời dư địa tuyến đường này vẫn còn, thành phố cần đầu tư xây dựng thêm cảnh quan cho phù hợp. Đó là vấn đề cây xanh, hệ thống hạ tầng... Đứng ở góc độ văn hóa, với một cung đường dài như vậy, cần phải làm gì đó để tạo ra một quang cảnh mang tính văn hóa.
“Ngũ Hành Sơn nổi tiếng về điêu khắc đá, hiện nay nhiều tuyến đường ở đây đã được xây dựng những tượng đá thể hiện đặc trưng của tuyến đường. Theo tôi nghĩ, mô hình này cần nhân rộng ra cho tuyến Hoàng Sa – Võ Nguyên Giáp – Trường Sa, tạo dấu ấn cho Đà Nẵng” ông Nguyễn Hoàng Long đề xuất.
Bên cạnh đó, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cũng cho rằng, du khách đến đây không chỉ có nhu cầu tắm biển mà còn có nhu cầu về giải trí. Vì vậy, thành phố cũng nên suy nghĩ đầu tư các dịch vụ giải trí như hoạt động thể thao, ngắm biển hoành tráng hơn, hấp dẫn hơn trên tuyến đường này.