Cung đường vàng bên vịnh Đà Nẵng: 'Thức giấc' sau 20 năm lặng lẽ

Đường Nguyễn Tất Thành từng được kỳ vọng mở lối phát triển kinh tế ven vịnh Đà Nẵng đang đứng trước cơ hội “thức giấc” sau hơn 20 năm “lặng lẽ”. Với đề án lấn biển quy mô lớn và định hướng phát triển các trung tâm thương mại, du lịch, tài chính ven biển, Đà Nẵng đang tạo dựng những trụ cột mới, đủ sức nâng tầm tuyến đường này trở thành động lực tăng trưởng chiến lược.

Từ tiềm năng bị lãng quên đến kỳ vọng bứt phá

Ngày 29/3/2003, đúng dịp kỷ niệm 28 năm giải phóng Đà Nẵng, tuyến đường ven biển Nguyễn Tất Thành chính thức được thông xe. Với chiều dài hơn 15km, đi qua các quận Thanh Khê, Liên Chiểu và một phần quận Hải Châu, tuyến đường ôm trọn vịnh Đà Nẵng, được kỳ vọng là trục giao thông huyết mạch kết nối trung tâm thành phố với các khu công nghiệp Hòa Khánh, Liên Chiểu và mở rộng không gian liên kết giữa Huế – Đà Nẵng – Hội An.

Tuy nhiên, suốt hơn hai thập kỷ qua, tuyến đường chưa phát huy được giá trị về hạ tầng, thương mại, du lịch như mong đợi. Sự thiếu vắng các công trình điểm nhấn, hạ tầng dịch vụ chưa đồng bộ và giao thông kết nối hạn chế khiến khu vực này phát triển chưa tương xứng với tiềm năng.

Trong bối cảnh đó, việc TP. Đà Nẵng nghiên cứu đề án lấn biển với quy mô nghiên cứu lên tới 1.428ha được xem là cú hích chiến lược để tái cấu trúc không gian phát triển khu vực này.

Mới đây, HĐND TP. Đà Nẵng thống nhất bổ sung danh mục đầu tư công năm 2025 để triển khai Đề án lấn biển tại vịnh Đà Nẵng, với quy mô lên đến 1.428 ha, gồm 5 đảo lớn: hai đảo du lịch quốc tế phía Đông và Tây, một đảo thương mại tự do và đổi mới sáng tạo, một đảo trung tâm tài chính quốc tế, một đảo giải trí thời đại.

Mô hình minh họa dự án lấn biển tại vịnh Đà Nẵng. 
Mô hình minh họa dự án lấn biển tại vịnh Đà Nẵng. 

Trước đó, tại buổi tiếp xúc cử tri, ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho hay, điểm nhấn của dự án là kêu gọi đầu tư xây dựng 5 hòn đảo nổi, tạo ra khoảng 48km đường bờ biển mới, hướng đến hình thành một tổ hợp trung tâm tài chính, thương mại – dịch vụ mang tầm quốc tế.

Theo lãnh đạo thành phố, đây là một dự án quy mô lớn, mang tính đặc thù. Do vậy, lãnh đạo thành phố đang chỉ đạo tiếp tục nghiên cứu một cách kỹ lưỡng và xây dựng phương án. Đặc biệt, cần tìm được công thức đầu tư với các cơ chế riêng để phát triển.

“Dự án nếu được hiện thực hóa sẽ giống như mô hình của Dubai hiện đang phát triển. Dự án sẽ có một giá trị rất lớn, không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho thành phố trong nhiều chục năm sau mà còn xây dựng một hình ảnh, thương hiệu của Đà Nẵng mới trong khu vực và trên trường quốc tế”, ông Nguyễn Văn Quảng nhấn mạnh và cho biết thêm, Đà Nẵng là địa phương đầu tiên trên cả nước triển khai mô hình thành phố trên biển.

Bên cạnh đó, trên tuyến Nguyễn Tất Thành và khu vực lân cận, hiện đang có nhiều dự án lớn đã và đang triển khai cũng được đánh giá sẽ góp phần giúp tuyến đường Nguyễn Tất Thành tỏa sáng trong thời gian đến như: dự án Mikaziki, Khu phức hợp du lịch và đô thị nghỉ dưỡng Làng Vân, Khu du lịch sinh thái Nam Ô…

Thành phố cũng dự kiến mở rộng tối thiểu đường Nguyễn Tất Thành từ 6 làn lên 10-12 làn để mở rộng không gian cho tuyến đường này.

Đánh thức tiềm năng ven vịnh Đà Nẵng

Một trong những trở ngại lớn khiến tuyến Nguyễn Tất Thành chưa bật lên tương xứng với tiềm năng là do thiếu các hoạt động thương mại – dịch vụ tầm cỡ.

Ông Nguyễn Hà Bắc, Bí thư Quận ủy Liên Chiểu thẳng thắn nhìn nhận: “Tuyến đường này đã được đưa vào sử dụng hơn 20 năm, nhưng sự quan tâm đầu tư và khai thác vẫn chưa đúng với tiềm năng và lợi thế sẵn có”.

Trên tinh thần đó, ngay từ năm 2023, quận Liên Chiểu đã chủ động đẩy mạnh công tác quy hoạch, hợp thửa các lô đất lớn để tạo điều kiện cho nhà đầu tư đề xuất dự án. Ngày 21/4/2024, UBND quận tổ chức buổi làm việc với các đơn vị liên quan nhằm thúc đẩy chuyển đổi mục đích sử dụng đất dọc tuyến sang đất thương mại dịch vụ. Tiếp đó, tháng 5/2024, UBND thành phố ban hành Quyết định số 1027 phê duyệt quy hoạch phân khu TL 1/2.000 khu vực ven vịnh Đà Nẵng, đồng ý chủ trương chuyển đổi đất ở biệt thự sang đất hỗn hợp – vừa ở, vừa kinh doanh thương mại, dịch vụ, du lịch.

Tuyến đường ven biển Nguyễn Tất Thành. 
Tuyến đường ven biển Nguyễn Tất Thành. 

Theo đó, các lô đất biệt thự vệt ven biển Nguyễn Tất Thành được phép xây dựng cao tầng đến 25 tầng, mật độ xây dựng cũng được điều chỉnh tăng lên đến 90%, tùy theo diện tích mỗi lô đất. Đây là điều kiện quan trọng để thu hút nhà đầu tư đổ tiền vào xây dựng các cơ sở kinh doanh, khách sạn, chung cư trong thời gian đến.

Song song với động thái quy hoạch, hành lang pháp lý cũng được hoàn thiện. Luật Đất đai 2024, có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, lần đầu tiên quy định chi tiết hoạt động lấn biển, đồng thời khuyến khích tổ chức, cá nhân sử dụng vốn, kỹ thuật, công nghệ để thực hiện các dự án lấn biển. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng, tạo điều kiện để Đà Nẵng tự tin triển khai các siêu dự án quy mô lớn trên biển trong thời gian tới.

“Việc lấn biển nương vào tự nhiên, xây dựng nên những đô thị lấn biển hoặc công trình hạ tầng mang tính biểu tượng không chỉ là một giải pháp để mở rộng quỹ đất, tạo động lực mới thúc đẩy kinh tế mà còn để chủ động ứng phó với thực trạng biển đang ngày một ăn sâu vào đất liền như hiện nay. Đặc biệt là tuyến đường Nguyễn Tất Thành hàng năm vào mùa mưa bão đều bị ảnh hưởng của việc sạt lở, hư hỏng nặng nề”, ông Bắc nói.

Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, cho rằng thành phố hiện sở hữu hai tuyến đường ven biển đẹp bậc nhất Việt Nam gồm tuyến Nguyễn Tất Thành ở phía Đông Bắc và tuyến Hoàng Sa – Võ Nguyên Giáp – Trường Sa ở phía Đông Nam.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy khu vực ven biển phía Đông Nam – kéo dài từ bán đảo Sơn Trà đến ranh giới tỉnh Quảng Nam – đã trở thành trung tâm du lịch biển sôi động, hình thành đồng bộ với hàng loạt khách sạn, khu nghỉ dưỡng quy mô lớn và thu hút lượng lớn du khách. Trong khi đó, tuyến đường ven biển Nguyễn Tất Thành các hoạt động du lịch và dịch vụ vẫn còn thưa thớt, mới chỉ xuất hiện vài điểm đáng chú ý như khu Mikazuki, dự án của Trung Thủy và sắp tới là đề án lấn biển Vịnh Đà Nẵng…

Ông Dũng nhấn mạnh, để phát huy tiềm năng, cần có quy hoạch phân khu bài bản nhằm giãn bớt áp lực từ khu vực phía Đông Nam sang phía Đông Bắc. Đây là tuyến huyết mạch kết nối Đà Nẵng với các khu du lịch trọng điểm phía Tây và Đông Bắc như Hải Vân, Nam Ô, Bà Nà, Hòa Vang, Lăng Cô (Huế)... Đồng thời, trong quy hoạch đô thị, tuyến Nguyễn Tất Thành cần được xác định rõ vai trò và chức năng để thúc đẩy phát triển.

Một vướng mắc lớn hiện nay là hạ tầng giao thông kết nối. Tuyến Nguyễn Tất Thành hiện chủ yếu được nối với tuyến đường Võ Nguyên Giáp qua cầu Thuận Phước, nhưng cây cầu này đang giới hạn tải trọng nên xe du lịch cỡ lớn không thể lưu thông. Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng đã đề xuất nghiên cứu gia cố cầu để khắc phục bất cập này. Việc khơi thông tuyến huyết mạch này sẽ giúp kết nối hiệu quả hơn giữa Nguyễn Tất Thành và khu vực Võ Nguyên Giáp, từ đó tạo động lực phát triển mới.

Bên cạnh đó, một vấn đề khác là hiện chưa có cầu cảng phục vụ du lịch biển xuất phát từ phía đường Nguyễn Tất Thành. Mọi hoạt động ra vịnh hiện đều phải xuất phát từ cảng sông Hàn, qua cửa biển với điều kiện thời tiết phức tạp. Nếu có thể thiết lập cầu cảng ngay trên tuyến này, các hoạt động du lịch biển như ngắm san hô, lặn biển, tham quan bãi đá đen… sẽ được tổ chức thường xuyên hơn, thu hút lượng lớn du khách.

Ngoài 2 vấn đề trên, thành phố cần thúc đẩy tiến độ các dự án lớn đã và đang được quy hoạch hoặc chuẩn bị triển khai tại khu vực như Làng Vân, Nam Ô, Khu thương mại tự do... Bên cạnh đó, là hình thành hệ sinh thái du lịch đặc trưng, bao gồm các sản phẩm gắn với làng nghề truyền thống, làng nước mắm, chợ quê, phố đi bộ, sản phẩm sinh thái, trải nghiệm văn hóa địa phương...

“Khi cả 4 trụ cột này được kích hoạt đồng bộ, khu vực ven biển Nguyễn Tất Thành sẽ trở thành một phân khu phát triển du lịch mới năng động, mang bản sắc riêng của Đà Nẵng, đồng thời góp phần giãn đều không gian phát triển du lịch của toàn thành phố”, ông Dũng nhận định.

Khải Nguyên

Theo Vietnamfinance