Cuộc đua logistics xanh: 90% DN Việt chưa đủ 'điều kiện ra sân'?
Logistics xanh đang trở thành 'điều kiện ra sân' trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhưng tại Việt Nam, doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm khoảng 90% số lượng doanh nghiệp logistics Việt Nam, vẫn gặp nhiều rào cản như chi phí đầu tư cao, thiếu thông tin và thiếu chính sách hỗ trợ cụ thể.
Chuyển đổi và sẵn sàng “xanh hoá”: DN logistics Việt ở đâu?
Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (World Bank) năm 2023, Việt Nam đứng thứ 43 trong Bảng xếp hạng Chỉ số hiệu quả logistics (LPI), thuộc top 5 ASEAN.
Tốc độ tăng trưởng logistics Việt Nam bình quân hàng năm từ 14 - 16%, đóng góp quan trọng trong việc đưa tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam năm 2024 đạt hơn 786 tỷ USD.

Cũng theo ông Hải, những năm gần đây, thị trường thế giới chứng kiến những “cú sốc” lớn không chỉ ảnh hưởng dòng chảy của hàng hoá toàn cầu mà còn đặt ra yêu cầu cấp bách đối với khả năng thích ứng và phục hồi của ngành logistics toàn cầu.
Trong bối cảnh đó, logistics xanh được xác định là chìa khóa, là điểm tựa để các doanh nghiệp toàn cầu, trong đó có doanh nghiệp Việt Nam vượt qua những “cú sốc” trên thị trường.
Tuy nhiên, khi tham gia quá trình xanh hoá, theo ông Trần Thanh Hải, doanh nghiệp sẽ gặp một số thách thức liên quan tới nhận thức, thói quen, hạ tầng chưa đáp ứng, chi phí đầu tư lớn, công nghệ chưa phổ biến, giá thành cao, thiếu đội ngũ chuyên gia có kiến thức và năng lực triển khai,... đặc biệt là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Đồng quan điểm, ông Đào Trọng Khoa - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) cho rằng, thực tế tại Việt Nam cho thấy, trong cuộc đua chuyển đổi và sẵn sàng “xanh hoá”, các doanh nghiệp logistics chưa đồng đều về nguồn lực.
Theo Chủ tịch VLA, với các doanh nghiệp lớn, có vốn đầu tư nước ngoài thì họ đã bắt đầu triển khai các sáng kiến logistics xanh, như sử dụng xe điện, cải thiện hiệu quả chuỗi cung ứng thông qua số hóa hoặc xây dựng trung tâm logistics tiết kiệm năng lượng. Trong khi đó, phần lớn doanh nghiệp vừa và nhỏ - chiếm khoảng 90% số lượng doanh nghiệp logistics Việt Nam, vẫn gặp nhiều rào cản như chi phí đầu tư cao, thiếu thông tin và thiếu chính sách hỗ trợ cụ thể.
Ông Khoa cho rằng hành lang pháp lý hỗ trợ logistics xanh còn thiếu đồng bộ. "Dù Chính phủ đã có Chiến lược phát triển kinh tế tuần hoàn, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, hay Dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi có đề cập đến hạ tầng hỗ trợ phương tiện xanh, nhưng việc triển khai còn chậm và thiếu liên kết," Chủ tịch VLA nhận định.
Tập trung chuyển đổi năng lượng
Trước những thực trạng đó, để chuyển đổi sang logistics xanh, ông Trần Thanh Hải cho rằng, trước hết cần tập trung chuyển đổi năng lượng, các phương tiện vận chuyển sử dụng năng lượng điện tái tạo, hydrogen, LNG…; khuyến khích chuyển đổi phương tiện sang đường thuỷ, đường sắt có năng lượng vận tải lớn.

Bên cạnh đó, cần tối ưu hóa quy trình thông qua việc vận tải quy mô lớn hơn, giảm chạy rỗng, xây dựng kho, cảng thông minh; thực hiện bù trù phát thải bằng cách tham gia trồng rừng...
Với doanh nghiệp, cần xây dựng chiến lược phù hợp với định hướng phát triển xanh; nâng cấp và mở rộng hệ thống kho bãi, đầu tư các trang thiết bị hiện đại; ưu tiên sử dụng các phương tiện vận tải thân thiện với môi trường; chia sẻ và nỗ lực hợp tác; áp dụng công nghệ mới và ứng dụng AI để tối ưu hoá hoạt động; xây dựng mô hình logistics xanh tích hợp.
Từ góc độ doanh nghiệp, ông Ngô Sỹ Hoài – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho rằng, việc nền kinh tế Việt Nam duy trì được đà xuất khẩu, thậm chí là có tăng trưởng, trong bối cảnh chi phí leo thang và khó khăn thì chứng tỏ nền tảng logistics tương đối ổn định và các doanh nghiệp đã thể hiện một sức chống chịu phi thường.
Cũng theo ông Hoài, trong thời gian tới, vấn đề logistics không chỉ dừng lại ở chi phí mà cần hướng tới mục tiêu để tất cả đơn vị trong chuỗi cung ứng, từ nhà sản xuất đến các nhà cung cấp dịch vụ logistics, phải cùng nhau cam kết và thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh, qua đó đáp ứng những tiêu chuẩn ngày càng khắt khe của các thị trường khó tính.
Mặt khác, các chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp logistics Việt Nam cần được thúc đẩy đối thoại chính sách, chuyển giao công nghệ, kết nối đầu tư và chia sẻ mô hình thành công từ các quốc gia đã đi trước. Việc này cần có lộ trình thực hiện cụ thể, với sự phối hợp và hỗ trợ của nhiều bên.