Đà Nẵng chưa điều chỉnh tăng hệ số giá đất năm 2023
Với 48/49 đại biểu có mặt tán thành, chiều 19/7, kỳ họp thứ 12 HĐND TP Đà Nẵng khóa X đã thống nhất chưa thông qua đề nghị của UBND TP về ban hành hệ số điều chỉnh giá đất năm 2023, biến động tăng so với hệ số điều chỉnh giá đất năm 2022.
Giá đất cao gây khó khăn cho doanh nghiệp
Tại Tờ trình số 107/TTr-UBND ngày 13/7, UBND TP Đà Nẵng đề nghị HĐND TP ban hành hệ số điều chỉnh giá đất áp dụng năm 2023. Cụ thể, hệ số điều chỉnh giá đất năm 2023 tính bình quân toàn TP tăng 23% so với hệ số điều chỉnh giá đất năm 2022 (trong đó các quận, huyện Hải Châu, Thanh Khê, Cẩm Lệ, Sơn Trà, Hòa Vang tăng 21%; quận Ngũ Hành Sơn tăng 27%; quận Liên Chiểu tăng 28%).
Bà Phan Thị Tuyết Nhung trình bày báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP Đà Nẵng đối với đề xuất điều chỉnh tăng hệ số giá đất năm 2023.
Chiều 19/7, trình bày báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP đối với đề nghị nêu trên của UBND TP, Trưởng ban Phan thị Tuyết Nhung cho biết, với tình hình thực tế những năm gần đây, thị trường bất động sản đóng băng, các giao dịch bất động sản sụt giảm nghiêm trọng, nhiều doanh nghiệp (DN) còn khó khăn nhiều sau thời gian dài ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19.
Tại buổi tọa đàm với chính quyền TP Đà Nẵng ngày 3/3/2023, các DN du lịch kiến nghị tiền thuê đất của TP hiện quá cao, nhất là khu vực ven biển, từ đó dẫn tới giá cả sản phẩm, dịch vụ phải tăng lên tương ứng khiến ngành du lịch không còn sức cạnh tranh so với các điểm đến khác trong nước và quốc tế.
Cho rằng việc đặt giá đất và tiền thuê đất cao không chỉ gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh hiện tại mà còn tạo ra rào cản đối với dòng vốn đầu tư mới vào TP, các DN du lịch kiến nghị chính quyền TP cần có giải pháp giảm giá đất. Vấn đề này, UBND TP Đà Nẵng đã giao các ngành nghiên cứu, tuy nhiên đến nay chưa có kết quả cụ thể.
Đề xuất tăng giá đất là chưa phù hợp
Theo Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP Đà Nẵng, GRDP 6 tháng đầu năm nay của TP Đà Nẵng có chiều hướng tăng trưởng chậm, mức đạt còn thấp so với kế hoạch (3,74%). Vốn đầu tư phát triển ngoài nhà nước giảm sâu so với các năm; vốn ngoài nhà nước ước giảm 29,9%; vốn FDI ước giảm 40,2% so với cùng kỳ 2022.
Tình hình sản xuất kinh doanh trên địa bàn đang gặp nhiều khó khăn; trong đó hoạt động xây dựng từ nguồn vốn tư nhân có dấu hiệu chững lại và giảm rõ rệt; giá trị tăng thêm (VA) ngành xây dựng (chiếm 4,8% trong cơ cấu GRDP) giảm 13%, làm giảm 0,72 điểm % trong tổng tăng trưởng GRDP. Hoạt động kinh doanh bất động sản trầm lắng; VA ngành kinh doanh bất động sản (chiếm 4,3% GRDP) trong 6 tháng qua giảm 25%, làm giảm 1,6 điểm % trong tổng tăng trưởng GRDP.
Trong khi đó, theo báo cáo của Sở Tài chính Đà Nẵng, việc khảo sát giá của đơn vị tư vấn được thực hiện hầu hết dựa trên khảo sát giao dịch đối với đất ở. Công tác khảo sát không có giao dịch đất sản xuất kinh doanh và đất thương mại dịch vụ mà chỉ dựa vào giao dịch đất ở phân lô để đề xuất giá đất sản xuất kinh doanh bằng 50% giá đất ở và giá đất thương mại dịch vụ bằng 70% giá đất ở theo quy định.
Về vấn đề này, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP Đà Nẵng cho rằng trong bối cảnh hiện nay, phần lớn giá đất thương mại dịch vụ và sản xuất kinh doanh gần như sụt giảm. Do đó việc đề xuất giá đất thương mại dịch vụ, sản xuất kinh doanh theo tỷ lệ so với đất ở như bối cảnh bình thường là chưa phù hợp, tiếp tục là một gánh nặng cho DN khi tính lại chu kỳ thuê đất.
Đánh giá tác động khi tăng hệ số điều chỉnh giá đất
Trước đó, trên cơ sở kết quả hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo hệ số điều chỉnh giá đất áp dụng cho năm 2023, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 12 HĐND TP khóa X sáng 17/7, Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN TP Đà Nẵng cũng kiến nghị chính quyền TP chưa điều chỉnh hệ số giá đất sản xuất, kinh doanh, thương mại, dịch vụ trong bối cảnh DN đang phải tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức hiện nay.
Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN TP Đà Nẵng kiến nghị không nên quá chú trọng vấn đề điều chỉnh để tiệm cận giá thực tế thị trường (cần xem xét trong sự tổng thể, số đông chủ thể phổ thông trong giao dịch thị trường đất đai); không tuyệt đối hóa vấn đề tận thu ngân sách về đất đai; bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, tổ chức, DN, cá nhân sử dụng đất; đối với các vị trí ít biến động, khu vực nông thôn nên giữ nguyên hệ số như năm 2022.
Từ các ý kiến nêu trên, tại phiên bế mạc kỳ họp thứ 12 chiều 19/7, HĐND TP Đà Nẵng khóa X đã thống nhất chưa thông qua việc ban hành hệ số điều chỉnh giá đất áp dụng năm 2023.
Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết đề nghị, UBND TP giải trình cụ thể tác động của chính sách khi tăng hệ số điều chỉnh giá đất để bảo đảm tính thuyết phục trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn như hiện nay; tác động chính sách đối với môi trường đầu tư của TP; giải trình về cơ sở xác định giá đất phổ biến trên thị trường; giải trình về thời gian thực hiện chính sách trước khi trình HĐND TP một lần nữa để xem xét, quyết định.