Đà Nẵng: Kiến nghị chưa điều chỉnh hệ số giá đất sản xuất, kinh doanh
Trước tình hình doanh nghiệp đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TP Đà Nẵng Ngô Xuân Thắng kiến nghị chính quyền TP chưa điều chỉnh hệ số giá đất sản xuất, kinh doanh, thương mại, dịch vụ.
Tình hình sản xuất kinh doanh gặp khó khăn
Ngày 17/7, trình bày báo cáo thẩm tra tại kỳ họp thứ 12 HĐND TP Đà Nẵng khóa X, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP Phan Thị Tuyết Nhung cho hay, Đà Nẵng chọn chủ đề năm 2023 là “Năm tập trung khơi thông các nguồn lực, thu hút đầu tư, giữ vững tăng trưởng kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội”, tuy nhiên với bối cảnh khó khăn chung, các kết quả thực hiện chỉ tiêu kinh tế vẫn chưa bảo đảm mục tiêu đề ra.
Bà Phan Thị Tuyết Nhung, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP Đà Nẵng trình bày báo cáo thẩm tra tại kỳ họp thứ 12 HĐND TP khóa X.
GRDP của TP 6 tháng đầu năm 2023 có chiều hướng tăng trưởng chậm, mức đạt thấp so với kế hoạch (đạt 3,74% so với cùng kỳ 2022, thấp hơn mức tăng 7,23% của 6 tháng đầu năm 2022). Vốn đầu tư phát triển ngoài nhà nước chiếm tỷ trọng lớn (hơn 70%) trong tổng vốn đầu tư phát triển của TP lại giảm sâu (vốn ngoài nhà nước ước gần 8.100 tỷ đồng, giảm gần 30% so với cùng kỳ 2022; vốn FDI ước gần 1.700 tỷ đồng, giảm hơn 40% so với 6 tháng 2022).
“Tình hình sản xuất kinh doanh trên địa bàn đang gặp rất nhiều khó khăn, hoạt động kinh doanh bất động sản trầm lắng; hoạt động xây dựng từ nguồn vốn tư nhân có dấu hiệu chững lại và giảm rõ rệt; nhiều ngành công nghiệp khó khăn, đang trên đà sụt giảm do hạn chế về đơn hàng nhưng đến nay TP vẫn chưa tìm được nhân tố mới tạo chuyển biến cho phát triển ngành công nghiệp”, bà Phan Thị Tuyết Nhung nhấn mạnh.
Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TP Đà Nẵng Ngô Xuân Thắng cũng nhận định, do tác động, ảnh hưởng suy thoái nền kinh tế thế giới, hiện nay các doanh nghiệp (DN) gặp rất nhiều khó khăn và ngừng hoạt động với số lượng lớn (đặc biệt là các DN nhỏ và vừa) đã làm ảnh hưởng đến tình hình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, số lượng lớn người lao động mất việc làm, thu nhập giảm sâu nên đời sống rất khó khăn.
Cần có chính sách nhanh, hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp
Trước tình hình trên, ông Ngô Xuân Thắng đề nghị TP Đà Nẵng cần kịp thời có chính sách nhanh, hiệu quả hỗ trợ DN vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay để ổn định sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm bền vững cho người lao động.
Tiếp tục tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng qua việc tháo gỡ, giải quyết các khó khăn vướng mắc còn tồn đọng, hỗ trợ tối đa trong thủ tục hành chính, hỗ trợ các dự án đang hoạt động trên địa bàn mở rộng hoạt động kinh doanh, tăng vốn đầu tư.
Một cơ sở dịch vụ từng có tiếng trên tuyến đường Võ Ngyên Giáp thuộc khu vực trung tâm du lịch biển Đà Nẵng, nhưng nay cỏ lác mọc um tùm.
Đáng chú ý, tại kỳ họp thứ 12 HĐND TP khóa X, UBND TP Đà Nẵng có Tờ trình số 102/TTr-UBND về bổ sung giá đất tại 121 tuyến đường mới đặt tên theo Nghị quyết số 92/2022/NQ-HĐND ngày 15/12/2022 của HĐND TP; bổ sung giá đất 2 tuyến đường và sửa đổi giá đất 2 tuyến đường.
Tuy nhiên thay mặt Ủy ban MTTQVN TP Đà Nẵng, ông Ngô Xuân Thắng kiến nghị chính quyền TP chưa điều chỉnh hệ số giá đất sản xuất, kinh doanh, thương mại, dịch vụ trong bối cảnh DN tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức hiện nay.
Cùng đó ông kiến nghị cần đánh giá nguyên nhân TP Đà Nẵng tụt hạng một số chỉ số quan trọng về đánh giá môi trường đầu tư, kinh doanh như chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); chỉ số cải cách hành chính; cần rà soát từng chỉ số, làm rõ trách nhiệm tham mưu, phối hợp của từng sở, ngành liên quan để có giải pháp cụ thể trong thời gian tới.
Đồng thời đa dạng hóa đối tác, hình thức đầu tư; tiếp tục tập trung tìm kiếm, xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước có tiềm lực, tập trung thu hút đầu tư có trọng điểm; có kiến nghị với Chính phủ điều tiết giảm lãi suất vay phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng, tạo các điều kiện thuận lợi nhất để DN tiếp cận nguồn vốn vay.