Đà Nẵng: Đề xuất loạt biện pháp phát triển kinh tế đêm, phục hồi du lịch sau Covid-19
Trong khi chờ Thủ tướng ban hành chính sách phát triển kinh tế ban đêm để làm cơ sở xây dựng chính sách tổng thể về phát triển kinh tế đêm trên địa bàn, UBND TP Đà Nẵng đề xuất HĐND TP một số cơ chế, chính sách cần thiết phù hợp với tình hình hiện nay để phát triển kinh tế đêm, kịp thời hỗ trợ, khôi phục ngành du lịch TP sau dịch Covid-19.
Ưu tiên nguồn lực đầu tư công cho các dự án phục vụ phát triển kinh tế ban đêm
Ngày 27/11, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho hay, trong khi chờ Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách phát triển kinh tế ban đêm để làm cơ sở xây dựng chính sách tổng thể về phát triển kinh tế đêm trên địa bàn, UBND TP Đà Nẵng vừa có Tờ trình số 7658/TTr-UBND gửi HĐND TP đề xuất một số cơ chế, chính sách cần thiết phù hợp với tình hình hiện nay để phát triển kinh tế ban đêm, kịp thời hỗ trợ, khôi phục ngành du lịch TP sau dịch Covid-19.
Đà Nẵng nói rất nhiều về phát triển kinh tế đêm, nhưng có hai hồ nước Thạc Gián - Vĩnh Trung nằm ngay giữa trung tâm TP rất quý giá thì lại để tối om hết năm này qua tháng nọ. Thật vô cùng lãng phí!
Theo đó, UBND TP Đà Nẵng đề nghị HĐND TP xem xét, đưa vào Nghị quyết kỳ họp cuối năm 2020 nhiệm vụ tập trung tổ chức các sự kiện văn hóa, du lịch để kích cầu, thu hút khách nội địa và khôi phục hoạt động du lịch gồm: Chương trình Chào Năm mới 2021, Lễ hội Tết Việt, Lễ hội Tuyệt vời Đà Nẵng 2021, Hội chợ VITM 2021 tại Đà Nẵng, Lễ hội Pháo hoa quốc tế Đà Nẵng năm 2021.
Ưu tiên nguồn lực đầu tư công cho các dự án phục vụ phát triển kinh tế ban đêm trong năm 2021, cụ thể: Phố Du lịch An Thượng giai đoạn 1 và 2; Phố đi bộ Bạch Đằng – Nguyễn Văn Trỗi – Trần Hưng Đạo; dự án bãi tắm kết hợp vui chơi, giải trí về đêm tại biển Mỹ An (đoạn từ đường Nguyễn Văn Thoại đến đường Ngô Thì Sĩ, thuộc quận Ngũ Hành Sơn).
UBND TP Đà Nẵng cũng đề nghị đẩy nhanh công tác đầu tư, trang trí ánh sáng nghệ thuật trên các tuyến đường thuộc trung tâm TP, tập trung đông người dân và du khách về đêm và đẩy mạnh tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật vào ban đêm phục vụ người dân và du khách dọc 02 bên bờ sông Hàn định kỳ và dịp năm mới.
Đồng thời khuyến khích các cơ sở kinh doanh dịch vụ theo 04 nhóm lĩnh vực: văn hóa, vui chơi giải trí, mua sắm, ăn uống và tham quan du lịch tại các khu vực Phố du lịch An Thượng (giai đoạn 1 và 2); Tuyến phố đi bộ Bạch Đằng – cầu Nguyễn Văn Trỗi – Trần Hưng Đạo, mở rộng đến đường Như Nguyệt (bao gồm khu vực nằm trong phạm vi được giới hạn bởi Công viên APEC, cầu Nguyễn Văn Trỗi, đường Bạch Đằng và đường 2 Tháng 9); tuyến đường ven biển Hoàng Sa – Võ Nguyên Giáp – Trường Sa; khu vực Helio Center và chợ đêm Sơn Trà và các khu, điểm du lịch thí điểm kéo dài thời gian phục vụ khách đến 02h sáng hôm sau.
UBND TP Đà Nẵng cũng đề nghị HĐND TP đưa vào Nghị quyết kỳ họp cuối năm 2020 nhiệm vụ vận động và hỗ trợ tổ chức các chương trình tham quan, giải trí, trải nghiệm sản phẩm du lịch về đêm. Kiến nghị Ngân hàng Nhà nước có ý kiến để các ngân hàng thương mại có chính sách khoanh nợ, giãn nợ, cho vay ưu đãi trong năm 2021 hỗ trợ doanh nghiệp du lịch đang gặp khó khăn. Đồng thời tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư để triển khai các dự án du lịch, dịch vụ nhằm sớm đưa vào hoạt động, tạo sản phẩm du lịch mới.
Đà Nẵng chưa có khu vực quy hoạch riêng biệt cho phát triển kinh tế ban đêm
Theo khảo sát tháng 11/2019 của Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội TP Đà Nẵng, sản phẩm, dịch vụ ban đêm trên địa bàn vẫn còn chưa thực sự đa dạng, chủ yếu là ăn uống, trong khi các hoạt động văn hoá nghệ thuật còn chưa nhiều; các chợ đêm hay các khu phố đêm của Đà Nẵng chưa thực sự ấn tượng.
Đặc điểm chung của nhiều dịch vụ văn hoá nghệ thuật, giải trí hiện nay là chưa tạo được trải nghiệm cho khách tham gia vào hoạt động, chưa tạo điều kiện để du khách có thể trở thành một trong những chủ thể đóng góp và tạo ra sự phong phú, hấp dẫn cho dịch vụ. Ngoài dịch vụ lưu trú, các dịch vụ ban đêm còn lại hầu hết có quy mô trung bình và nhỏ; chưa có sự kết nối các dịch vụ để tạo ra các chương trình hấp dẫn du khách. Thời gian mở cửa dịch vụ về đêm còn quá ngắn; đa số các cơ sở kinh doanh dịch vụ ban đêm đóng cửa lúc 23-24h.
Theo bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, khái niệm, phạm vi kinh tế ban đêm còn khá mới mẻ, chưa được nhìn nhận đầy đủ và nhất quán nên TP Đà Nẵng cũng gặp trở ngại trong việc xây dựng, ban hành chính sách và văn bản quy phạm pháp luật, cũng như trong hoạt động quản lý các đô thị và khu vực trung tâm vào ban đêm ở Việt Nam thời gian qua.
Cùng với đó, người dân chưa quen các sinh hoạt về đêm nên khó vận động cộng đồng dân cư cùng chung tay phát triển kinh tế ban đêm; ý thức tự giác, văn minh đô thị của một bộ phận người dân chưa cao. Đồng thời, tư duy văn hóa và cách quản lý truyền thống với lo ngại về những vấn đề tiêu cực phát sinh từ hoạt động kinh tế ban đêm cũng dẫn đến những rào cản, quy định hạn chế sự phát triển các loại hình kinh doanh ban đêm.
“Vấn đề rất đáng quan tâm hiện nay là chưa có cơ chế chính sách đặc thù thu hút các nhà đầu tư đủ năng lực, khuyến khích phát triển kinh tế ban đêm. Về quy hoạch không gian, Đà Nẵng chưa có khu vực được quy hoạch riêng biệt dành cho phát triển kinh tế ban đêm, một số dịch vụ còn xen lẫn với khu dân cư, sử dụng không gian công cộng, gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân!” – Bà Trương Thị Hồng Hạnh nói.
Mặt khác, hệ thống giao thông công cộng chưa thật sự phát triển và thuận lợi vào khung giờ đêm; hạ tầng hỗ trợ cho người đi bộ chưa đồng bộ… Chưa hình thành được các dự án tạo sản phẩm cho kinh tế ban đêm đạt quy mô, chất lượng theo đúng yêu cầu và định hướng của TP Đà Nẵng. Thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, ngoại ngữ tốt, có kỹ năng chuyên môn trong phục vụ và quản lý một số hoạt động kinh tế ban đêm.
Trong khi nhận thức và tư duy về phát triển kinh tế ban đêm của một bộ phận cán bộ, người dân địa phương còn chưa đồng bộ thì cho đến nay vẫn chưa có một cơ quan hay bộ phận nào chuyên trách quản lý hoạt động kinh tế ban đêm mặc dù đây là mô hình phát triển mới, có nhiều tác động đến kinh tế, văn hoá – xã hội và môi trường. Công tác quảng bá thông tin các hoạt động, dịch vụ ban đêm của Đà Nẵng đến người dân và du khách còn chưa nhiều.
“Do kinh tế ban đêm vẫn là một lĩnh vực mới nên trong thời gian qua, Trung ương và địa phương chưa kịp thời có các chiến lược hay quy hoạch/kế hoạch riêng (mang tính dài hạn) cho phát triển kinh tế ban đêm, ảnh hưởng đến quy hoạch không gian phát triển kinh tế ban đêm riêng và đồng bộ với hệ thống hạ tầng hỗ trợ.
Việc đầu tư các dự án phục vụ kinh tế ban đêm đúng theo yêu cầu và định hướng gặp nhiều khó khăn do đòi hỏi nguồn lực lớn về tài chính và con người; thủ tục đầu tư dự án về du lịch, dịch vụ phát triển kinh tế ban đêm còn phức tạp, mất nhiều thời gian. Nguồn lực đầu tư của TP Đà Nẵng còn hạn chế, trong khi phát triển kinh tế ban đêm là vấn đề phức tạp, mang tính chất dài hạn!” – Bà Trương Thị Hồng Hạnh nói.