Đại gia bất động sản chỉ nhắm vào 'đất vàng' của doanh nghiệp cổ phần hóa
“Nhiều trường hợp cổ phần hóa người ta chỉ nhằm vào đất đai, nơi nhiều doanh nghiệp sở hữu quỹ đất lớn, nằm rải rác ở khắp các tỉnh, thành”, TS. Vũ Đình Ánh nhận định.
Sử dụng đất không đúng mục đích
Sáng 24/11, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) tổ chức hội thảo về lĩnh vực cổ phần hóa tại các doanh nghiệp nhà nước. GS.TS Đoàn Xuân Tiên, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước đánh giá, việc cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước và thoái vốn nhà nước triển khai còn chậm, quá trình cổ phần hóa còn có nhiều vấn đề tiêu cực, làm thất thoát vốn, tài sản nhà nước. Cùng với đó, vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc về thể chế chậm được giải quyết, nhất là các vấn đề liên quan đến xác định giá trị quyền sử dụng đất, tài sản vô hình…còn nhiều bất cập.
Đáng lưu ý, tình trạng quản lý sử dụng đất còn lỏng lẻo, sơ hở, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất sau cổ phần hóa đã làm sai lệch mục tiêu tăng trưởng, năng lực phát triển của doanh nghiệp sau cổ phần hóa, làm tăng số lượng lao động thất nghiệp, ảnh hưởng phát triển đất nước, gây thất thoát, lãng phí tài sản, ngân sách nhà nước, doanh nghiệp không đạt mục tiêu phát triển sau cổ phần hóa.
Cùng với đó, trách nhiệm của người quản lý doanh nghiệp nhà nước còn chồng chéo, chưa rõ ràng; công tác cán bộ, phát triển nguồn nhân lực, đổi mới công nghệ, chính sách tiền lương còn bất cập, chưa phù hợp với cơ chế thị trường. Nhiều doanh nghiệp trước và trong quá trình cổ phần hóa thiếu công khai, minh bạch về thông tin, số liệu, đặc biệt là việc xác định chính xác giá trị doanh nghiệp, việc thực hiện mục tiêu phát triển sau cổ phần hóa.
Theo GS.TS Đoàn Xuân Tiên, từ năm 2017 đến nay, KTNN đã thực hiện kiểm toán kết quả tư vấn định giá và xử lý các vấn đề tài chính trước khi chính thức công bố giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa giai đoạn 2016-2020 của 16 doanh nghiệp. Với nhiều tồn tại bất cập được phát hiện, KTNN đã xác định giá trị thực tế vốn nhà nước theo phương pháp tài sản tăng 15.447,68 tỷ đồng.
Cũng trong thời gian này, KTNN đã kiểm toán quyết toán giá trị phần vốn nhà nước tại thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần tại 45 doanh nghiệp. Hầu hết các đơn vị được kiểm toán đối chiếu, xác nhận công nợ phải thu, phải trả chưa đầy đủ; một số đơn vị chậm bàn giao tài sản, đất đai theo phương án cổ phần hóa; sử dụng đất không đúng mục đích; một số đơn vị xác định nợ phải trả không chính xác…kết quả kiểm toán xác định tăng giá trị thực tế vốn nhà nước tại thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần tăng 1.576,96 tỷ đồng.
“Kết quả kiểm toán tại các doanh nghiệp nhà nước cho thấy việc xử lý các vấn đề tài chính trước khi cổ phần hóa và định giá doanh nghiệp vẫn còn nhiều tồn tại hạn chế, nhất là việc lựa chọn phương pháp định giá, xác định giá trị thương hiệu, lợi thế kinh doanh, giá trị các khoản đầu tư tài chính, giá trị quyền sử dụng đất, tài sản cố định, dự án, công trình đã hoàn thành chưa quyết toán...”, GS.TS Đoàn Xuân Tiên cho hay.
Lãnh đạo KTNN cho biết, cuộc hội thảo này nhằm tìm ra những giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả kiểm toán mà trong đó tập trung vào công tác kiểm toán xác định giá trị doanh nghiệp nhà nước trước cổ phần hóa và phát hiện các khó khăn bất cập về cơ chế, chính sách trong lĩnh vực này.
Đồng thời làm rõ một số vấn đề về thực trạng công tác cơ cấu lại, đổi mới, sắp xếp doanh nghiệp nhà nước và những ảnh hưởng của tình trạng cổ phần hóa chậm, xác định không đúng đắn giá trị doanh nghiệp nhà nước dẫn đến tình trạng “lợi ích nhóm”, suy giảm lòng tin, gây thất thoát lãng phí, giảm năng lực phát triển doanh nghiệp, làm ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội của quốc gia. Đồng thời làm rõ vai trò của Kiểm toán nhà nước trong công tác kiểm toán xác định giá trị doanh nghiệp nhà nước trước cổ phần hóa, góp phần làm minh bạch, bền vững nền tài chính quốc gia.
Cổ phần hóa chỉ nhằm vào đất đai
Theo chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh, nguyên nhân cơ bản nhất dẫn đến ì ạch cổ phần hóa vẫn xoay quanh câu chuyện đất đai. “Nhiều trường hợp cổ phần hóa người ta chỉ nhằm vào đất đai. Bởi nhiều doanh nghiệp trong diện cổ phần hóa sở hữu quỹ đất lớn, nằm rải rác ở khắp các tỉnh”, theo ông Ánh, ngoài Hà Nội và TP.HCM, tới đây thị trường bất động sản sẽ bùng nổ ra các địa phương khác.
Theo TS Vũ Đình Ánh, một đại gia bất động sản (giấu tên) từng chia sẻ, họ thường nhắm vào các doanh nghiệp cổ phần hóa có nhiều quỹ đất lớn, đặc biệt với những doanh nghiệp đang sở hữu nhiều khu đất vàng. “Đó là cách tiếp cận bất động sản rất thông minh mà họ đã làm trong 20 năm nay”, ông Ánh cũng nhận định, tới đây họ sẽ tiếp tục làm tại các vùng bên cạnh các thành phố lớn Hà Nội, TP. HCM.
Một khó khăn khác, theo ông Ánh, lãnh đạo doanh nghiệp cổ phần hóa không muốn báo cáo một cách đầy đủ, rõ ràng về quỹ đất họ đang có, vì đó là lợi ích của họ. Ngay cả chính quyền địa phương cũng không nắm được doanh nghiệp đó nắm giữ bao nhiêu khu đất. “Những vụ việc vừa qua ở TP. HCM, tất cả đều gắn với đất đai, thậm chí có một cựu Thứ trưởng đã bỏ trốn chỉ vì một mảnh đất”, ông Ánh nói.
Thực tế này rất cần đến vai trò của KTNN, tuy nhiên đây cũng là một thách thức không nhỏ đối với cơ quan kiểm toán, không chỉ thực hiện trước mà còn phải kiểm toán cả sau khi đã cổ phần hóa. Vị chuyên gia này cũng đề nghị sớm hoàn thiện và ban hành các văn bản liên quan trên tinh thần “ngứa đâu gãi đó”, tuyệt đối bổ sung thêm nội dung, đồng thời cần tăng cường công cụ kiểm soát, đặc biệt vai trò của KTNN trong tiến trình cổ phần hóa.
Có cùng nhận định, TS. Nguyễn Minh Phong còn chỉ ra nhiều kẽ hở trong tiến trình cổ phần hóa. Trong đó, chủ doanh nghiệp thường giấu nhẹm quỹ đất của mình, có trường hợp còn “biếu không” cho quan chức vì mục đích đối ngoại.
Kem Tràng Tiền, chợ Đồng Xuân, hay hãng phim truyện Việt Nam… là những trường hợp cổ phần hóa điển hình liên quan đến đất đai.
"Không ít trường hợp biến cổ phần hóa thành tư nhân ngầm, dùng quyền lực tạo áp lực thu gom", ông Phong nhận định.
Sớm hoàn thiện cơ chế, minh bạch trong quá trình cổ phần hóa, góp phần kéo sát giá trị đất đai tiệm cận với giá trường là vấn đề được các chuyên gia nhấn mạnh nhằm thúc đẩy và bịt kẽ hở thất thoát trong cổ phần hóa tại các doanh nghiệp nhà nước.