Đại gia bất động sản đứng đầu nhóm nợ thuế ở TP.HCM

Nợ thuế ở TP.HCM chủ yếu đến từ các khoản thu doanh nghiệp hoạt động bất động sản, đơn cử như Gamuda Land và Đức Khải.

Báo cáo đánh giá công tác quản lý thuế tháng 10/2020 của Cục Thuế TP. HCM cho thấy, tổng nợ thuế tính đến thời điểm 31/10 là 29.184 tỷ đồng, trong đó số nợ có khả năng thu là 13.044 tỷ đồng, tăng 19,8% so với thời điểm đầu năm và chiếm 44,7% số thuế nợ.

Cụ thể, theo đánh giá nợ có khả năng thu tăng 19,8% so với thời điểm đầu năm và chiếm 44,7% số thuế nợ, lên 13.044 tỷ đồng.

Nguồn gốc nợ thuế chủ yếu liên quan đến các khoản thu từ: Tiền thuê mặt đất, mặt nước: 2.961 tỷ đồng, tăng 7,44% so với năm trước, tương ứng tăng 205 tỷ đồng; tiền sử dụng đất 1.022 tỷ đồng, giảm 3,86% so với năm trước, tương ứng giảm 41 tỷ đồng; nợ thuế thu nhập doanh nghiệp của các doanh nghiệp bất động sản 327 tỷ đồng, tăng 20,22% so với năm trước, tương ứng tăng 55 tỷ đồng…

Một dự án của Gamuda Land ở TP. HCM.  
Một dự án của Gamuda Land ở TP. HCM.  
 

 

Theo Cục Thuế TPHCM, một số trường hợp nợ thuế lớn kéo dài, với số nợ hàng trăm tỷ đồng.

Đứng đầu là trường hợp Công ty CP Gamuda Land nợ 541 tỷ đồng, trong đó tiền thuê đất 421 tỷ đồng; tiền chậm nộp 120 tỷ đồng.

Tiếp đó là Công ty CP Đức Khải nợ 441 tỷ đồng, trong đó tiền sử dụng đất 334 tỷ đồng; tiền chậm nộp 107 tỷ đồng. Công ty CP Đức Khải có mã số thuế 0302192499 đứng đầu danh sách nợ thuế với tổng số tiền lên đến 404,7 tỷ đồng.

Công ty này do Chi cục Thuế quận 7 quản lý với ngành nghề kinh doanh chính là bất động sản, đền bù giải tỏa, thương mại và logistics.

Ngoài các trường hợp nợ thuế nêu trên, Cục Thuế TPHCM phát hiện nhiều trường hợp không có khả năng thực hiện nghĩa vụ tài chính, với số nợ 254 tỷ đồng; Các công ty công ích có nợ thuế lớn, với 468 tỷ đồng; doanh nghiệp nhà nước địa phương có nợ thuế lớn trên 400 tỷ đồng…

Chia sẻ về hoạt động chống thất thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, ông Lê Duy Minh – Cục trưởng Cục Thuế TP. HCM cho biết, trong 2 tháng cuối năm 2020, đơn vị tăng cường kiểm tra tại trụ sở cơ quan thuế và không tổ chức kiểm tra định kỳ tại trụ sở người nộp thuế, các doanh nghiệp không có dấu hiệu vi phạm nhằm tạo điều kiện cho DN tập trung giải quyết khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Các giải pháp triển khai cụ thể gồm: giao chỉ tiêu cho từng đoàn thanh tra, kiểm tra; điều chỉnh kế hoạch thanh tra, kiểm tra theo hướng tập trung làm trước các doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế, xử lý thu hồi nợ thuế, có đột biến về doanh thu, lợi nhuận ít chịu ảnh hưởng của dịch bệnh… đồng thời thông báo cho doanh nghiệp biết trước để không làm ảnh hưởng tới tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

“Bên cạnh đó là một loạt hoạt động nghiệp vụ như: rà soát, đối chiếu doanh thu theo tờ khai phát sinh, nắm bắt kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp, tập đoàn, tổng công ty, các ngân hàng thương mại để đôn đốc tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020 sát thực tế phát sinh trước; đôn đốc nộp kịp thời các khoản thu từ cổ tức, lợi nhuận còn lại, những khoản thu thuộc ngân sách trung ương sẽ được đôn đốc thu nộp kịp thời vào ngân sách nhà nước theo quy định...” – ông Lê Duy Minh nói.

Tiến Hưng

Theo Báo Đất Việt