'Đại gia' Hàn Quốc muốn rót thêm 2 tỷ USD vào Việt Nam trong năm nay
Đến nay, doanh nghiệp Hàn Quốc này đã đã đầu tư 3,5 tỷ USD tại Việt Nam và có khoảng 9.000 nhân viên người Việt, với doanh thu 25 tỷ USD mỗi năm.
Thông tin này được ông Cho Huyn-sang, Phó Chủ tịch Tập đoàn Hyosung (Hàn Quốc) cho biết tại tọa đàm "Tiềm năng và cơ hội đầu tư vào thị trường tài chính Việt Nam", do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì tại Thụy Sỹ.
Tăng vốn đầu tư tại Việt Nam lên 5,5 tỷ USD vào 2024
Theo đó, Phó Chủ tịch Hyosung Cho Huyn-sang cho biết rất nhiều công ty Hàn Quốc muốn hiện diện tại Việt Nam. Đến nay, doanh nghiệp Hàn Quốc này đã đầu tư 3,5 tỷ USD tại Việt Nam và có khoảng 9.000 nhân viên người Việt, với doanh thu 25 tỷ USD mỗi năm.
Đánh giá khoản đầu tư tại Việt Nam là một trong những khoản đầu tư hợp lý nhất, hiệu quả nhất, Tập đoàn Hyosung dự kiến tăng vốn đầu tư tại Việt Nam lên 5,5 tỷ USD vào năm 2024.
Điểm mạnh của Việt Nam theo đánh giá của Hyosung là sự lãnh đạo, điều hành mạnh mẽ, hiệu quả của chính quyền Trung ương, sự hỗ trợ tích cực của chính quyền địa phương, tinh thần làm việc chăm chỉ, nghiêm túc của người Việt.
Hyosung thành lập năm 1962, là tập đoàn dẫn đầu Hàn Quốc về sản xuất máy biến áp điện xuất khẩu tới 70 nước trên thế giới. Tại Việt Nam, doanh nghiệp đã đầu tư 3,5 tỷ USD, hiện diện tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Kể từ sau nhà máy đầu tiên tại Đồng Nai, Hyosung đã liên tục xây dựng thêm các nhà máy mới tại Việt Nam. Cụ thể, năm 2008, tập đoàn xây dựng thêm nhà máy sản xuất Spandex, sau đó, tới năm 2014 tiếp tục mở rộng đầu tư; năm 2010, xây nhà máy Steel Cord; năm 2012, mở thêm nhà máy Technical Yarn…
Trong 2 năm 2015 và 2016, Hyosung đã xây dựng thêm các nhà máy Nylon, Ticord, PTMG, Motor… ở Đồng Nai. Năm 2018, tập đoàn này mở thêm Nhà máy Sản xuất polypropylene (PP) và kho ngầm chứa khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) tại Bà Rịa - Vũng Tàu và nhà máy sản xuất vải mành của Hyosung tại khu công nghiệp Tam Thăng Quảng Nam.
Tháng 12 năm ngoái, tại buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Tập đoàn Hyosung đã trình bày ý tưởng xây dựng một dự án mới là nhà máy sản xuất sợi sinh học tại khu công nghiệp Phú Mỹ 2 với tổng mức đầu tư 720 triệu USD. Đây là dự án đầu tiên của Tập đoàn Hyosung trên toàn thế giới sản xuất sợi vải Spandex.
Năm ngoái, tập đoàn này ghi nhận lợi nhuận ròng khoảng 20,1 triệu USD. Trong đó, dự án tại Đồng Nai là 1,9 tỷ USD; dự án tại Bà Rịa - Vũng Tàu là 1,4 tỷ USD; dự án tại Quảng Nam 200 triệu USD và dự án tại Bắc Ninh 100 triệu USD.
Cuối tháng 6/2023, trong buổi tiếp của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Tập đoàn Hyosung Cho Hyun Joon nhấn mạnh phía doanh nghiệp coi Việt Nam là thị trường chiến lược, không chỉ mở rộng quy mô mà còn muốn đưa Việt Nam trở thành điểm đầu tư bền vững để phát triển.
Khẳng định mong muốn đặt tương lai 100 năm tới tại Việt Nam, lãnh đạo Hyosung cho biết đang muốn đẩy mạnh phát triển các dự án lớn có hàm lượng công nghệ cao, mở rộng sang lĩnh vực công nghệ thông tin và dự kiến tuyển thêm 10.000 lao động.
Doanh nghiệp này hy vọng được Chính phủ Việt Nam tiếp tục tạo điều kiện về môi trường kinh doanh, đặc biệt ở khâu xin giấy phép, thực hiện thủ tục hành chính.
Việt Nam trên đường trở thành trung tâm tài chính
Tại toạ đàm, các doanh nghiệp đánh giá Việt Nam đang trên đường trở thành một trung tâm tài chính và hoàn toàn có thể tạo bước nhảy vọt trong lĩnh vực này.
Theo ông Claudio Cisullo, đại diện Ngân hàng UBS cho rằng Việt Nam là một trong những quốc gia có điều kiện rất tốt để phát triển trung tâm tài chính và đang có cơ hội rất đặc biệt để chuyển mình nhờ công nghệ và có thể tránh được những "vết xe đổ", những lựa chọn sai của các quốc gia đi trước.
Trước quan tâm của các đại biểu về tỉ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết theo quy định hiện hành, tỉ lệ sở hữu cổ phần của một cá nhân nước ngoài không được vượt quá 5% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng Việt Nam. Tỉ lệ này với một tổ chức nước ngoài là không vượt quá 15%, với một nhà đầu tư chiến lược nước ngoài là không vượt quá 20%. Tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài không vượt quá 30% vốn điều lệ.
Tuy nhiên, trong trường hợp đặc biệt để thực hiện cơ cấu lại tổ chức tín dụng yếu kém, gặp khó khăn, bảo đảm an toàn hệ thống tổ chức tín dụng, Thủ tướng Chính phủ quyết định tỉ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với từng trường hợp cụ thể.
Thế nhưng theo Thống đốc, thực tế hiện nay các nhà đầu tư nước ngoài hiện mới chỉ sở hữu khoảng 15% vốn điều lệ tại một số ngân hàng, tức là còn cách xa mức giới hạn quy định.
Phát biểu tại toạ đàm, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các chuyên gia, các ngân hàng, các quỹ đầu tư tài chính hỗ trợ Việt Nam về tư vấn chính sách; thúc đẩy khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; tái cơ cấu các ngân hàng; xây dựng, nâng cao giá trị thương hiệu quốc gia; hỗ trợ phát triển hạ tầng; đào tạo nguồn nhân lực…
Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn các tập đoàn, quỹ đầu tư toàn cầu nghiên cứu khả năng tham gia đầu tư, tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém tại Việt Nam; đồng hành, hỗ trợ Việt Nam trong việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực dịch vụ tài chính, đáp ứng được các tiêu chuẩn và phù hợp với nhu cầu của thị trường toàn cầu.