'Đại gia' Malaysia chi 7.200 tỷ đồng thâu tóm dự án ở TP. Thủ Đức
Gamuda Berhad - công ty bất động sản Malaysia vừa thông báo mua một dự án bất động sản tại TP. Thủ Đức (TP. HCM) với tổng giá trị 7.200 tỷ đồng (gần 316 triệu USD).
Theo đó, Gamuda Berhad thực hiện thương vụ trên thông qua công ty con tại Việt Nam là Gamuda Land. Công ty này thâu tóm dự án bằng cách mua lại 100% vốn tại Công ty Cổ phần Bất động sản Tâm Lực từ 3 cá nhân: Nguyễn Hồng Giang (sở hữu 50%), Nguyễn Văn Việt (46%), Đặng Thị Dung (4%).
Về điều khoản thanh toán, số tiền đặt cọc 1.000 tỷ đồng sẽ được thanh toán sau khi thực hiện thỏa thuận chuyển nhượng cổ phần. Phần vốn còn lại khoảng 6.200 tỷ đồng sẽ được thanh toán sau khi đáp ứng tất cả các điều kiện chuyển nhượng.
Gamuda Land sẽ bỏ 42% vốn tự có, còn lại là vốn vay. Sau giao dịch, Gamuda Land Nam Việt sẽ nắm 98% vốn tại Công ty cổ phần Bất động sản Tâm Lực
Dự án Gamuda Land sẽ mua lại của Tâm Lực có diện tích khoảng 3,7ha tại TP. Thủ Đức, TP. HCM. Khu đất gồm đất ở lâu dài và phần đất thuê 50 năm cho mục đích thương mại, với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã được cấp.
Trước đó, vào cuối tháng 12/2022, Gamuda Land cũng đã mua lại 100% cổ phần một công ty trong nước để qua đó thu mua dự án khu phức hợp căn hộ cao tầng tại TP Thủ Đức. Dự án này có tổng diện tích khoảng 3 ha, quy hoạch 1.300 căn hộ có tổng giá trị phát triển (GDV) ước tính hơn 250 triệu USD.
Trao đổi với Việt Nam về hoạt động M&A bất động sản từ đầu năm đến nay, ông Phan Xuân Cần, Chủ tịch HĐQT Công ty Sohovietnam - đơn vị chuyên tư vấn M&A bất động sản, cho biết số lượng các thương vụ thành công với quy mô vài chục triệu USD đến 300 triệu USD chỉ đếm trên đầu ngón tay.
"Một số chủ đầu tư khó khăn nhưng vẫn đang cố gắng cầm cự nên họ không bán đổ, bán tháo. Do đó, giữa người bán và người mua đều trong trạng thái giằng co", ông Cần nói.
Chủ tịch Sohovietnam cho hay, nhu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài trong việc mua các dự án bất động sản ở Việt Nam rất nhiều như Singapore, Đài Loan, Hồng Kông, Malaysia, Nhật Bản, Hàn Quốc… thế nhưng, giá chào bán bây giờ vẫn đang cao so với cuộc khủng hoảng giai đoạn 2011-2013. Hơn nữa, số lượng dự án đủ điều kiện sẵn sàng giao dịch được cũng rất ít. Nhiều dự án, đặc biệt ở TP. HCM tắc pháp lý đến nay vẫn chưa gỡ được.
Dữ liệu mới đây của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho thấy số lượng nhóm đầu tư ngoại quan tâm tìm hiểu M&A dự án bất động sản tăng mạnh. Nổi bật trong đó là nhóm các nhà đầu tư nước ngoài đến từ Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Malaysia... Tuy nhiên, hầu hết các thương vụ mới chỉ đang trong quá trình thẩm định, đàm phán.
Một phần nguyên nhân dẫn đến hai bên không chốt được thương vụ theo VARS là vì nhiều chủ đầu tư dự án vẫn “tiếc”, đặt kỳ vọng quá cao, “khó khăn cũng đòi có lãi” nên đưa ra mức giá chưa thật sự thuyết phục. Bởi vậy, hết nửa đầu năm 2023, số lượng giao dịch thành công chỉ đếm trên đầu ngón tay. Những thương vụ M&A lớn vẫn chưa hiện diện.