Đại gia Trịnh Xuân Nghiệm: Ông chủ hệ sinh thái Anh Phát lừng lẫy xứ Thanh

Doanh nghiệp của đại gia Trịnh Xuân Nghiệm nổi tiếng ở Thanh Hoá trên nhiều lĩnh vực từ xây dựng, nước sạch, đến xăng dầu, bến xe, khách sạn...

Nổi danh xứ Thanh

Ông Trịnh Xuân Nghiệm (sinh năm 1971, ngụ phường Đông Hương, TP Thanh Hóa) - Chủ tịch Tổng công ty Đầu tư Xây dựng và Thương mại Anh Phát (Tổng công ty Anh Phát) vừa bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an bắt tạm giam.

Ông Nghiệm bị bắt để điều tra về hành vi "thiếu trách nhiệm trong việc quản lý, bảo vệ mỏ quặng sắt tại xã Thanh Lâm (huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa) của Công ty CP Khoáng sản xây dựng phụ gia xi măng Thanh Hóa, gây thiệt hại tài sản nhà nước”.

Mỏ khai thác quặng sắt ở xã Thanh Lâm được UBND tỉnh Thanh Hóa cấp phép khai thác cho Công ty CP Khoáng sản Xây dựng phụ gia xi măng Thanh Hóa ngày 22/4/2011 để đảm bảo nguyên liệu cho nhà máy gang tại xã Thanh Kỳ, huyện Như Thanh.

Nhưng sau khi nhà máy gang dừng hoạt động thì mỏ quặng sắt này được chuyển giao cho đơn vị khác khai thác một thời gian rồi dừng hoạt động vài năm gần đây. Nhà máy luyện gang ở xã Thanh Kỳ thuộc sở hữu của một công ty con của Tổng công ty Anh Phát.

Ông Trịnh Xuân Nghiệm, Chủ tịch Tổng Công ty ĐTXD và TM Anh Phát
Ông Trịnh Xuân Nghiệm, Chủ tịch Tổng Công ty ĐTXD và TM Anh Phát

Ông Nghiệm từng có thời gian làm việc ở Công ty CP Đầu tư Xây lắp Dầu khí Thanh Hóa (PVC-TH), một doanh nghiệp thuộc Tổng công ty Xây lắp Dầu khí (PVC). Năm 2013, ông Nghiệm rời đi để tập trung phát triển Anh Phát.

Tổng công ty Anh Phát, tiền thân là Công ty TNHH Anh Phát, được thành lập năm 2005, có trụ sở ở phường Đông Thọ, TP.Thanh Hóa, hoạt động chính trong lĩnh vực xây dựng.

Đến năm 2010, Anh Phát chuyển đổi mô hình từ công ty TNHH thành tổng công ty với nhiều công ty trực thuộc, đa nghề, đa lĩnh vực như: thi công xây lắp công trình kiến trúc, giao thông thủy lợi, kinh doanh bất động sản, đầu tư dự án kinh doanh hạ tầng, cấp nước sạch cho sinh hoạt, cấp nước thô cho các khu công nghiệp, xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp, kinh doanh nhà hàng, khách sạn, du lịch... và đặc biệt là đơn vị kinh doanh xăng dầu quy mô lớn.

Ngoài ra, Tổng công ty Anh Phát sở hữu mạng lưới các công ty con và chi nhánh mạnh mẽ không chỉ trong nước mà còn ở nước ngoài, với đội ngũ nhân sự lên đến khoảng 6.000 người.

Năm 2022, Tổng công ty Anh Phát nộp ngân sách nhà nước tại tỉnh Thanh Hóa hơn 1.000 tỷ đồng.

Sau hơn một thập kỷ chào đời, Anh Phát bắt đầu hành trình tăng vốn ấn tượng. Từ tháng 4/2016, Anh Phát nâng vốn điều lệ 130 tỷ đồng lên 500 tỷ đồng.

Đại gia Trịnh Xuân Nghiệm: Ông chủ hệ sinh thái Anh Phát lừng lẫy xứ Thanh - Ảnh 1

Lúc này, nhóm cổ đông gia đình gồm: ông Nghiệm góp 350 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 70%); bà Đào Ngọc Dung (sinh năm 1973, vợ ông Nghiệm) góp 100 tỷ đồng (tỷ lệ 20%) và ông Trịnh Xuân Hiệu (sinh năm 1968, anh trai ông Nghiệm) góp 50 tỷ đồng còn lại (tỷ lệ 10%).

Tại Tổng công ty Anh Phát, ông Trịnh Xuân Nghiệm là Chủ tịch hội đồng quản trị, kiêm người đại diện pháp luật, còn ông Trịnh Xuân Hiệu đảm nhiệm vai trò Tổng giám đốc.

Tới tháng 2/2019, lần đầu tiên vốn điều lệ của Anh Phát cán mốc 1.000 tỷ đồng, với tỷ lệ sở hữu các cổ đông không thay đổi.

Đến hết năm 2021, số vốn điều lệ của Anh Phát đã lên đến 2.000 tỷ đồng, cao hơn 15 lần so với 6 năm trước.

Ở xứ Thanh, Công ty Anh Phát nổi tiếng với danh mục dự án rất "khủng". Từ dự án bảo tồn, phỏng dựng chính điện Di tích lịch sử Lam Kinh, dự án khai thác khoáng sản, dự án bất động sản, khách sạn… cho đến dự án cung cấp nước tại Khu Kinh tế Nghi Sơn,

Công ty Anh Phát cũng nổi danh với những thương vụ thực hiện dự án gây xôn xao dư luận. Tháng 11/2006, doanh nghiệp này có đơn xin thuê 962,5m2 đất của Chi nhánh nông sản Agrexim tại phường Phú Sơn, TP Thanh Hóa để xây dựng trụ sở văn phòng giao dịch của công ty.

Năm 2015, Anh Phát từng gây chú ý bằng việc chuyển đổi 17.875,4m2 đất kinh doanh phi nông nghiệp tại số 34 Ngô Từ để thực hiện dự án phát triển nhà ở thương mại, phân lô bán nền…

Cuối năm 2022, UBND tỉnh Thanh Hóa ra văn bản cho phép Anh Phát thực hiện dự án khu công nghiệp Đồng Vàng 491,9ha với tổng vốn đầu tư hơn 2.400 tỷ đồng.

Ngoài ra, Anh Phát cũng đang là chủ đầu tư của loạt dự án như: dự án xây dựng hạ tầng khu công nghiệp I tại phường Mai Lâm (khu kinh tế Nghi Sơn) 67ha, tổng vốn đầu tư 433,2 tỷ đồng; dự án hệ thống cấp nước khu kinh tế Nghi Sơn (địa bàn thị xã Nghi Sơn và huyện Nông Cống) 6ha, tổng vốn đầu tư 1.119 tỷ đồng; dự án nhà máy xử lý và cung cấp nước sạch Long Hải 0,47ha, tổng vốn đầu tư 74,2 tỷ đồng; dự án cung cấp dịch vụ hậu cần tại khu kinh tế Nghi Sơn 0,9ha, tổng vốn đầu tư 23,8 tỷ đồng; dự án cửa hàng xăng dầu Anh Phát Petro tại phường Trúc Lâm, thị xã Nghi Sơn...

Anh Phát còn sở hữu nhiều bến xe nằm tại đất vàng xứ Thanh như: bến xe khách phía Bắc, bến xe phía Nam và bến xe phía Tây đều nằm trên những vị trí đắc địa của TP. Thanh Hóa và đang được "xẻ thịt" làm cây xăng dầu bán lẻ, cho thuê ki ốt, cửa hàng kinh doanh...

Doanh nghiệp này còn sở hữu một loạt nhà hàng, khách sạn, resort ở Thanh Hoá.

Một số thành viên nổi bật trong hệ sinh thái các doanh nghiệp của anh em doanh nhân Trịnh Xuân Nghiệm gồm: CTCP Vận tải biển Goldensea, CTCP Tập đoàn AP, CTCP Môi trường VN Xanh, CTCP quản lý và khai thác bến xe Thanh Hoá, Cửa hàng kinh doanh xăng dầu số 1, 2 - Công ty TNHH Anh Phát, CTCP Dầu khí Nghi Sơn, CTCP Anh Phát Petro, Công ty TNHH Nội thất AP, Công ty TNHH Dịch vụ khách sạn Anh Phát...

Bị thanh tra, nợ thuế

Năm 2017, Anh Phát rục rịch lấn sân sang lĩnh vực xăng dầu và nhanh chóng thể hiện tham vọng trở thành "ông lớn" trong mảng này. Công ty CP Anh Phát Petro là một trong những công ty con của Tổng công ty Anh Phát.

Năm 2019, Anh Phát Petro được Bộ Công Thương cấp phép làm đầu mối xuất khẩu nhập xăng dầu, trở thành ông lớn trong lĩnh vực này.

Đại gia Trịnh Xuân Nghiệm: Ông chủ hệ sinh thái Anh Phát lừng lẫy xứ Thanh - Ảnh 2

Anh Phát cũng được chấp thuận chủ trương đầu tư “Tổ hợp tổng kho xăng, dầu - khí hóa lỏng - dịch vụ hậu cần” với tổng diện tích dự án là 34ha tại Khu Kinh tế Nghi Sơn.

Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là hơn 3.800 tỷ đồng. Tổng kho và bến cảng xăng, dầu này khánh thành năm 2021.

Tới ngày 2/4/2023, Anh Phát đã tiến hành khởi công dự án Khu phát triển GAS và LNG cùng các loại hình phụ trợ lọc hóa dầu giai đoạn 2. Dự án này có tổng vốn đầu tư hơn 3.938 tỷ đồng.

Hiện Anh Phát Petro có hệ thống kho bể chứa nhiên liệu tại tỉnh Thanh Hóa và khu vực Nhà Bè TP.HCM, TP Hải Phòng cùng hệ thống các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trong và ngoài Thanh Hóa.

Tuy nhiên, cuối tháng 12/2022, Anh Phát Petro bị Thanh tra Bộ Công Thương điểm mặt trong kết luận thanh tra.

Báo cáo thanh tra kết luận, đến 10/3/2022, doanh nghiệp này có 12 cửa hàng bán lẻ thuộc sở hữu, đồng sở hữu; 41 đại lý bán lẻ xăng dầu. Nhưng 40 đại lý kinh doanh xăng dầu Anh Phát không đáp ứng điều kiện về hệ thống phân phối.

Ngoài ra, doanh nghiệp này chưa tiến hành thường xuyên hoạt động kiểm tra, giám sát chất lượng và hoạt động kinh doanh xăng dầu của tổng đại lý, đại lý trong hệ thống; không có thông báo bằng văn bản đến cơ quan chức năng.

Không chỉ vậy, Tổng công ty Anh Phát còn liên quan đến lùm xùm nợ thuế.

Mới đây, Cục Thuế tỉnh Thanh Hoá công khai kết luận về việc thanh tra thuế đối với Tổng công ty Anh Phát. Thời gian thanh tra từ ngày 11/10/2024 đến ngày 31/10/2024.

Theo đó, Cục Thuế Thanh Hoá yêu cầu Anh Phát nộp ngay số tiền hơn 1,5 tỷ đồng, bao gồm số thuế truy thu, tiền phạt vi phạm hành chính và tiền chậm nộp tiền thuế vào kho bạc Nhà nước khi có quyết định xử lý vi phạm hành chính.

Mai Anh

Theo VietnamFinance