Đạm Ninh Bình lỗ “thảm”, âm vốn chủ sở hữu tới 3.392 tỷ đồng

Hoạt động sản xuất, kinh doanh của Đạm Ninh Bình gặp nhiều khó khăn do chi phí tài chính lớn, chiếm trên 30% giá thành sản phẩm.

Chính phủ vừa có báo cáo gửi Đại biểu Quốc hội về tình hình và kết quả xử lý tồn tại, yếu kém của các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương. Trong đó, doanh nghiệp có mức lỗ lớn là Công ty TNHH một thành viên Đạm Ninh Bình - đơn vị vận hành nhà máy đạm Ninh Bình.

Công ty TNHH một thành viên Đạm Ninh Bình có vốn điều lệ là 2.500 tỷ đồng. Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) mới góp thực tế vào công ty 2.314 tỷ đồng, 186 tỷ đồng còn lại dự kiến để thanh toán cho các nhà thầu.

Theo báo cáo, hoạt động sản xuất, kinh doanh của Đạm Ninh Bình gặp nhiều khó khăn do chi phí tài chính lớn, chiếm trên 30% giá thành sản phẩm, không cân đối được nguồn tiền để trả các khoản nợ đến hạn, chưa giải quyết được các tranh chấp hợp đồng EPC, chưa quyết toán được dự án.

Về tài chính, tín dụng, mặc dù các Ngân hàng đã hỗ trợ, chia sẻ khó khăn đối với dự án nhưng chưa giúp được công ty vượt qua khó khăn, vẫn thiếu vốn lưu động để sản xuất kinh doanh.

Trước đó, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ rõ: Dự án Nhà máy đạm Ninh Bình được Vinachem phê duyệt khi hội đồng thành viên tập đoàn chưa thẩm định phương án tài chính, phương án trả nợ và chưa có báo cáo thẩm định công nghệ của Bộ Khoa học và công nghệ.

Bên cạnh đó, trước khi Vinachem quyết định đầu tư dự án, nhiều bộ, ngành đã có văn bản cảnh báo hiệu quả đầu tư dự án không cao, hồ sơ dự án chưa đề xuất cơ chế xử lý rủi ro trong và sau khi đầu tư nhà máy. Tuy nhiên, Vinachem vẫn tiếp tục phê duyệt đầu tư, dẫn đến Nhà máy đạm Ninh Bình vận hành, sản xuất kinh doanh thua lỗ, mất vốn Nhà nước.

Ngay trong khâu lập dự án, Vinachem đã không tuân thủ chỉ đạo của Bộ Công nghiệp cũ. Hai nội dung quan trọng của Nhà máy đạm Ninh Bình là công nghệ khí hóa than của Texco, tiêu chuẩn sản phẩm đạm urê của Việt Nam, nhưng khi lập, phê duyệt dự án Vinachem lại chọn công nghệ khí hóa than của Shell và tiêu chuẩn đạm urê của Trung Quốc để đầu tư.

Tổng vốn đầu tư Nhà máy đạm Ninh Bình được tính toán không đúng quy định, làm đội vốn đầu tư. Đến nay, không có cơ sở, căn cứ để tính toán nhiều hạng mục, khối lượng công việc tại dự án có giá trị khoảng 1.150 tỷ đồng trong tổng vốn đầu tư dự án được Vinachem duyệt.

 

Theo Vũ Đậu (TH)/Sở hữu trí tuê

 

 

Link nguồn: https://sohuutritue.net.vn/dam-ninh-binh-lo-tham-am-von-chu-so-huu-toi-3392-ty-dong-d76213.html