Đang ‘khát vốn’, Saigontel vẫn đầu tư dự án BĐS tâm linh 400 tỷ đồng
Bên cạnh 7 dự án bất động sản công nghiệp triển khai trong năm 2024, Saigontel sẽ tham gia đầu tư dự án xây dựng công viên nghĩa trang Ngân Hà Viên Tân Thành quy mô 40,34ha tại Thái Nguyên.
Vừa qua, Công ty CP Công nghệ Viễn thông Sài Gòn (Saigontel, HoSE: SGT) đã công bố quyết định hợp tác góp vốn thành lập công ty để thực hiện dự án đầu tư xây dựng công viên nghĩa trang Ngân Hà Viên Tân Thành tại tỉnh Thái Nguyên.
Cụ thể, pháp nhân này đăng ký ngành nghề kinh doanh chính là kinh doanh bất động sản, hoạt động dịch vụ tang lễ với tên gọi Công ty CP Đầu tư và Phát triển Phú Bình Xanh, đặt trụ sở chính tại xóm Trung 2, xã Điềm Thuỵ, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên. Công ty dự án này có số vốn điều lệ là 65 tỷ đồng. Trong đó, Saigontel góp 26 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ sở hữu 40% và hạch toán là khoản đầu tư vào công ty liên kết. Người đại diện quản lý phần vốn góp là ông Nguyễn Anh Tú (sinh năm 1982).
Hai doanh nghiệp tham gia hợp tác góp vốn vào Phú Bình Xanh cùng Saigontel là Công ty CP Green Holdings Việt Nam và Công ty TNHH MTV Công nghiệp Saigontel – Thái Nguyên, lần lượt góp 32,5 triệu đồng và 6,5 triệu đồng, tương đương tỷ lệ sở hữu 50% và 10%.
Được biết, dự án đầu tư xây dựng công viên nghĩa trang Ngân Hà Viên Tân Thành nằm trên địa bàn xã Tân Thành, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên, có diện tích 40,34ha với tổng vốn đầu tư 403,47 tỷ đồng. Bên cạnh vốn chủ sở hữu 65 tỷ đồng do Saigontel cùng đối tác góp vào Phú Bình Xanh, dự án sẽ huy động vốn từ các nguồn hợp khác khác. Mục tiêu của dự án là xây dựng khu công viên nghĩa trang tập trung với đầy đủ hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân, khuyến khích người dân sử dụng hỏa táng và an táng tập trung, đảm bảo mỹ quan và không ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường khu vực lân cận, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý đất đai, làm cơ sở cho việc lập và quản lý xây dựng theo quy hoạch. Theo mô tả của Saigontel, dự án sẽ cung cấp nhiều dịch vụ mai táng như phục vụ tang lễ; lưu tro; hảo táng, địa táng, điện táng;…
Về cơ cấu ban điều hành tại Phú Bình Xanh, chức vụ Tổng Giám đốc kiêm đại diện người đại diện pháp luật sẽ do nhân sự của Green Holdings đảm nhiệm; chức vụ Chủ tịch HĐQT và Kế toán trưởng sẽ do nhân sự của Saigontel đảm nhiệm. HĐQT của doanh nghiệp sẽ có cơ cấu 3 thành viên, do mỗi đơn vị góp vốn đề cử 1 người.
Liên quan tới hai đơn vị tham gia góp vốn cùng Saigontel, theo tìm hiểu, Green Holdings Việt Nam được thành lập năm 2020, đặt trụ sở tại phường Thành Công, quận Ba Đình, TP. Hà Nội, có người đại diện theo pháp luật là ông Hoàng Mạnh. Doanh nghiệp này hiện đang hoạt động trong 6 lĩnh vực chính gồm bất động sản; khu vui chơi giải trí; thiết bị - vật tư y tế; dịch vụ du lịch - lữ hành; thương mại điện tử và chăm sóc sức khỏe - làm đẹp.
Trong khi đó, Saigontel - Thái Nguyên là công ty con do Saigontel nắm 100% vốn điều lệ. Doanh nghiệp có địa chỉ tại phường Hoàng Văn Thụ, TP. Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên, do bà Nguyễn Cẩm Phương làm người đại diện theo pháp luật, đăng ký hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê.
Trở lại với Saigontel, đây là một hạt nhân quan trọng trong hệ sinh thái Kinh Bắc của đại gia Đặng Thành Tâm. Doanh nghiệp hiện có vốn điều lệ là 1.480 tỷ đồng. Trong đó, ông Tâm là cổ đông lớn nhất trực tiếp nắm giữ 23,7%, còn cổ đông lớn thứ hai là Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc – Công ty CP (HoSE: KBC) nắm 21,48%. Thành lập năm 2002 với khởi đầu là một doanh nghiệp viễn thông, Saigontel sau này đã chuyển hướng sang kinh doanh bất động sản khu công nghiệp và bắt đầu ‘nhảy’ vào bất động sản tâm linh từ năm 2019.
Được biết, năm 2024, doanh nghiệp của ông Đặng Thành Tâm đặt mục tiêu doanh thu đạt 4.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 450 tỷ đồng, lần lượt tăng gấp 3 lần và 6 lần so với thực hiện 2023. Tuy nhiên, kết thúc 3 tháng đầu năm, doanh nghiệp mới chỉ thu về 110 tỷ đồng doanh thu và 12 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, thực hiện chưa tới 3% kế hoạch kinh doanh đã đề ra.
Trong khi tình hình kinh doanh không mấy khả quan, Saigontel cũng đang trong cơn ‘khát vốn’. Cần biết, ngoài dự án công viên nghĩa trang Ngân Hà Viên Tân Thành năm 2024, doanh nghiệp này còn có kế hoạch phát triển 7 dự án bất động sản công nghiệp tại Thái Nguyên, Bắc Ninh, Long An, Đà Nẵng. Theo đó, để đáp ứng việc triển khai đồng bộ nhiều dự án, Saigontel cần phải thu xếp được nguồn vốn từ 3.000 tỷ đồng đến 3.500 tỷ đồng. Doanh nghiệp dự kiến chào bán 75 triệu cổ phiếu riêng lẻ (chiếm 50,7% tổng lượng cổ phiếu đang lưu hành) trong năm 2024 để bổ sung vốn lưu động; tái cơ cấu các khoản nợ vay; tăng quy mô hoạt động, đầu tư góp vốn vào công ty con, liên kết.
Đáng nói, năm 2023, Saigontel từng thông qua kế hoạch phát hành 100 triệu cổ phiếu riêng lẻ nhưng không thành công và hạ lượng cổ phiếu chào bán xuống mức 75 triệu đơn vị như hiện nay. Bên cạnh đó, báo cáo tài chính quý I/2024 cũng cho thấy, tiềm lực tài chính của doanh nghiệp này khá hạn chế khi tổng lượng tiền mặt tại ngày 31/3/2024 chỉ ở mức 468 tỷ đồng. Đây sẽ là thách thức không hề nhỏ đối với Saigontel trong đợt huy động vốn mới, cũng như đăng ký tham dự các dự án khác trong tương lai.