'Đang nghiên cứu các biện pháp tránh xảy ra trường hợp tương tự SCB'

Ông Võ Minh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Đà Nẵng cho biết, trách nhiệm chính với người mua trái phiếu vẫn thuộc về ngân hàng SCB. Tuy nhiên, để đề phòng các rủi ro, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan đang nghiên cứu để đưa ra các biện pháp tránh xảy ra các trường hợp tương tự.

Chi nhánh của Ngân hàng SCB tại Đà Nẵng. Ảnh: Phước Nguyên
Chi nhánh của Ngân hàng SCB tại Đà Nẵng. Ảnh: Phước Nguyên

Như VietnamFinance trước đó thông tin, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) đã phát đi thông tin thêm về các vấn đề liên quan đến việc mua, bán trái phiếu doanh nghiệp của khách hàng.

Theo đó, SCB bày tỏ sự đồng cảm, chia sẻ với những lo lắng, áp lực của khách hàng trong những ngày vừa qua và cam kết sẽ nỗ lực làm việc với các bên có liên quan, trong khả năng và thẩm quyền theo quy định của pháp luật, để bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của khách hàng.

"Hiện nay, chúng tôi vẫn đang tiếp tục làm việc với Công ty Cổ phần Chứng khoán Tân Việt, tổ chức phát hành, Bộ Công an và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để trình bày các mong muốn, kiến nghị chính đáng nhằm giải quyết các vấn đề trên cơ sở thượng tôn pháp luật và bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của khách hàng.

Trong quá trình các cơ quan chức năng xử lý vụ việc, SCB rất mong khách hàng bình tĩnh, thấu hiểu và tuân thủ các quy định của pháp luật để đảm bảo quyền lợi và lợi ích hợp pháp, đồng thời không gây trở ngại đến hoạt động kinh doanh bình thường của SCB", văn bản của SCB cho hay.

SCB cũng nhấn mạnh luôn sẵn sàng tiếp nhận các ý kiến, kiến nghị của mỗi một khách hàng một cách đầy đủ, trật tự và cũng mong khách hàng hợp tác với SCB để bảo vệ quyền lợi của mình theo đúng quy định, quy trình của pháp luật, góp phần bảo đảm an ninh và trật tự an toàn xã hội.

Tính đến nay, Ngân hàng TMCP Sài Gòn đã phải 2 lần lên tiếng trấn an khách hàng mua trái phiếu.

Theo ghi nhận tại Đà Nẵng, có một số người dân đã đến chính nhánh của Ngân hàng SCB để nói chuyện và đòi lại quyền lợi của mình khi mua trái phiếu thông qua đơn vị này.

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với VietnamFinance, ông Võ Minh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước - chi nhánh Đà Nẵng, cho biết đơn vị đã nắm được tình hình người dân đến các trụ sở của ngân hàng SCB để đòi lại quyền lợi khi mua trái phiếu.

Theo ông Võ Minh, bản thân ngân hàng SCB tạo ra việc này bằng cách đứng ra môi giới trái phiếu giữa người dân với Công ty chứng khoán Tân Việt, Công ty An Đông. Việc vỡ lở như vậy thì đầu tiên ngân hàng SCB phải giải thích với khách hàng. 

Trong thời gian này, cơ quan quản lý nhà nước sẽ không can thiệp vào và trách nhiệm chính vẫn thuộc về Ngân hàng SCB. Tuy nhiên, để đề phòng các rủi ro, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan hiện nay đang nghiên cứu để đưa ra các biện pháp tránh xảy ra các trường hợp tương tự.

Liên quan đến vấn đề rủi ro trong đầu tư trái phiếu, ông Lê Hồng Khang, Trưởng phòng Phân tích xếp hạng tín nhiệm và thành viên Hội đồng xếp hạng tín nhiệm FiinRatings, cho rằng, nhà đầu tư cần tìm hiểu về lịch sử kinh doanh, lịch sử phát triển cũng như các yếu tố rủi ro tài chính của doanh nghiệp diễn ra trong quá khứ. Mặc dù nó không phải câu trả lời cho hành động của tổ chức phát hành trong tương lai, nhưng nó nói lên hành vi trong quá khứ cũng như hiện tại.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư cần quan tâm thêm rủi ro thanh khoản, nghĩa là khả năng sang nhượng trái phiếu. Nhà đầu tư phải hiểu rất rõ và trao đổi với các tổ chức phân phối về cách thức khi có nhu cầu chuyển nhượng.

Theo ông Khang, nhà đầu tư có thể còn gặp rủi ro định giá lãi suất. Lãi suất mà nhà đầu tư nhận được có thể không tương xứng với rủi ro mà nhà đầu tư gặp phải, do không nắm rõ mô hình kinh doanh của doanh nghiệp, hoặc lãi suất cao nhưng nhà đầu tư lại chưa hiểu rõ rủi ro mà họ gặp phải trong quá trình nắm giữ trái phiếu.

“Khi đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, nhà đầu tư cần xác định rõ đây không phải sản phẩm tiết kiệm, nên mức độ an toàn sẽ phụ thuộc vào lãi suất, lãi suất càng cao thì rủi ro càng cao”, ông Khang nhấn mạnh.

Phước Nguyễn

Theo VietnamFinance