Đánh thuế đồng 50%: Mỹ gây sốc cho ngành công nghiệp toàn cầu
Các giám đốc điều hành trong lĩnh vực sản xuất trên toàn cầu đang khẩn thiết kêu gọi chính quyền Mỹ làm rõ chính sách thuế quan của Tổng thống Donald Trump, trong bối cảnh mức thuế 50% đối với đồng nhập khẩu dự kiến sẽ được áp dụng từ ngày 1/8 tới.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 10/7 tuyên bố sẽ áp mức thuế 50% đối với đồng nhập khẩu, ngang bằng với mức thuế hiện đang áp dụng cho thép và nhôm. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ mức thuế này có áp dụng cho toàn bộ các sản phẩm đồng, bao gồm cả hàng bán thành phẩm như dây điện và thanh đồng, hay không. Sự thiếu rõ ràng này đang khiến các doanh nghiệp trong nhiều ngành công nghiệp lo lắng, từ ô tô, xe tải, thiết bị xây dựng cho tới hàng tiêu dùng và quốc phòng.

Các nhà phân tích cảnh báo rằng nếu mức thuế cao được duy trì trong thời gian dài, giá đồng có thể tăng vọt và kéo theo hệ quả nghiêm trọng cho nhu cầu thị trường. Đồng là nguyên liệu đầu vào quan trọng trong xe điện, chip bán dẫn, thiết bị quốc phòng, các thiết bị gia dụng và hệ thống điện dân dụng. Theo Morgan Stanley, Mỹ hiện phụ thuộc vào nhập khẩu tới 53% nhu cầu đồng trong năm 2024.
Ngành vận tải và ô tô "ngấm đòn"
Ông John O’Leary, Giám đốc khu vực Bắc Mỹ của hãng sản xuất xe thương mại lớn nhất thế giới Daimler Truck, cho biết doanh nghiệp ngày càng thất vọng vì đến nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể từ chính quyền. “Rõ ràng, việc không áp thuế là tốt nhất. Nhưng nếu chính sách thuế là điều không thể tránh khỏi, thì hãy nói rõ ngay để chúng tôi còn biết đường mà tính toán và thích ứng”, ông nhấn mạnh.
Daimler Truck vừa công bố doanh số xe tải tại Bắc Mỹ giảm 20% trong quý II, do các công ty logistics hoãn mua sắm vì lo ngại về rủi ro chi phí. Theo ông O’Leary, hiện công ty vẫn đang cố gắng giữ giá trong các hợp đồng dài hạn, bất chấp áp lực tăng giá từ phía nhà cung cấp với lý do “bất khả kháng” vì thuế quan.
“Các hợp đồng trước đây giúp chúng tôi tránh được cú sốc giá, nhưng khi các thỏa thuận này hết hiệu lực, việc đàm phán lại là không thể tránh khỏi”, ông O’Leary cho hay.
Cho tới nay, Nhà Trắng vẫn chưa công bố chi tiết cụ thể, như việc liệu thuế sẽ áp dụng cho các sản phẩm bán thành phẩm như dây đồng và thanh đồng, hay có áp dụng hạn chế đối với xuất khẩu phế liệu đồng hay không.

Trước nguy cơ thuế tăng, các doanh nghiệp đã tranh thủ nhập khẩu lượng lớn đồng tinh luyện từ đầu năm để tích trữ. Nhờ vậy, giới phân tích nhận định người tiêu dùng Mỹ sẽ chưa cảm nhận đầy đủ tác động cho đến khi các kho hàng hiện tại cạn kiệt.
“Các doanh nghiệp có thể dựa vào nguồn dự trữ này trong khoảng 6 đến 9 tháng. Sau đó, khi lượng hàng tồn giảm, tác động từ mức thuế 50% sẽ bắt đầu hiện rõ”, theo bà Amy Gower, chiến lược gia hàng hóa tại Morgan Stanley.
Ông Jake Seltz, Giám đốc danh mục đầu tư tại Allspring Global Investments, nhận định: “Hiện các công ty công nghiệp Mỹ vẫn đang có tồn kho dồi dào, nhưng đến một lúc nào đó, họ sẽ phải tăng giá để bù chi phí nguyên liệu. Điều này có thể khiến nhu cầu tiêu dùng suy giảm về lâu dài".
Dù vậy, thị trường vẫn đang kỳ vọng chính quyền Tổng thống Trump sẽ không áp mức thuế tối đa. “Tôi hy vọng tác động thực sự của thuế 50% sẽ được nhận diện trước khi nó giáng đòn trực tiếp vào nền kinh tế”, ông James Cordier, CEO kiêm trưởng phòng giao dịch của quỹ Alternative Options tại Florida chia sẻ.
Tác động lan rộng đến xe điện và quốc phòng
Theo ước tính của Barclays, mức thuế mới có thể khiến chi phí sản xuất mỗi chiếc ô tô chạy xăng tăng thêm khoảng 110 USD, trong khi xe điện có thể đội thêm tới 700 USD vì đồng được sử dụng trong hệ thống dây điện, pin, động cơ và biến tần.
Tuy nhiên, tác động này chủ yếu sẽ lan tỏa gián tiếp tới các nhà sản xuất ô tô, do phần lớn nguyên liệu được đặt mua bởi các nhà cung cấp phụ trợ. Tổng thống Trump cũng từng cam kết ngành công nghiệp ô tô, vốn đang phải đối mặt với mức thuế 25% đối với xe nhập khẩu, sẽ không bị chồng thuế lên kim loại.

Trong buổi họp báo trước công bố kết quả kinh doanh, hãng BMW của Đức cho biết ảnh hưởng từ mức thuế đồng cao hơn là “không đáng kể”, theo ghi nhận từ hãng phân tích Bernstein.
Tuy nhiên, một số ngành công nghiệp đặc thù có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn. Hiệp hội Công nghiệp Hàng không Vũ trụ Hoa Kỳ (AIA) cảnh báo rằng có thể mất tới 10 năm để tìm và chứng nhận một nhà cung cấp mới cho các khoáng chất quan trọng dùng trong chuỗi cung ứng quốc phòng.
“Trong ngắn hạn, chúng tôi kêu gọi chính quyền duy trì quyền tiếp cận với các nguồn cung đáng tin cậy, để tránh một cú sốc giá mà các nhà cung cấp vừa và nhỏ sẽ là bên chịu thiệt lớn nhất”, ông Dak Hardwick, Phó Chủ tịch phụ trách quan hệ quốc tế của AIA cho biết.
Đối với một số doanh nghiệp, thuế đồng lại mở ra cơ hội kinh doanh. Hãng sản xuất cáp Prysmian, công ty mua đồng lớn nhất bên ngoài Trung Quốc, cho biết họ nhìn nhận thuế mới là “tích cực” vì công ty đã chủ động nội địa hóa phần lớn chuỗi cung ứng.
Hiện Prysmian sản xuất phần lớn dây và cáp cho thị trường Mỹ ngay tại Mỹ, sử dụng đồng mua từ Freeport McMoran và từ nguồn phế liệu tái chế. “Chúng tôi ít phụ thuộc vào hàng nhập khẩu hơn so với phần lớn các doanh nghiệp khác trong ngành”, bà Maria Cristina Bifulco, Giám đốc quan hệ nhà đầu tư của Prysmian cho biết, đồng thời nói rằng chỉ khoảng 1/3 nhu cầu đồng của công ty tại Mỹ phải nhập khẩu.
Tuy nhiên, giá đồng vẫn được công ty chuyển thẳng vào giá bán, dựa trên giá thị trường. “Tác động của thuế quan thực chất không đè nặng lên chúng tôi mà là lên người tiêu dùng cuối cùng. Diễn biến giá nguyên liệu sẽ quyết định hành vi của thị trường”, bà Bifulco chia sẻ.
Hiện các ngành công nghiệp vẫn đang nín thở chờ chính sách chính thức từ chính quyền Tổng thống Trump, một động thái có thể tạo ra hiệu ứng domino cho toàn bộ chuỗi giá trị công nghiệp Mỹ và toàn cầu.