'Đất vàng' TP. HCM: Sau thu hồi, đi về đâu?

Giá trị của “đất vàng” là yếu tố quan trọng tạo sức bật mạnh mẽ cho TP. HCM nhưng cũng chính là “phần hồn” của tham nhũng. Để “đất vàng” sau thu hồi thực sự là “vàng”, bên cạnh các giải pháp định giá độc lập, minh bạch đấu giá, rất cần những người có thẩm quyền luôn đặt lợi ích chung lên hàng đầu.

Xót xa “đất vàng”

Hai năm gần đây, dư luận xã hội quan tâm rất lớn đến hai chữ “đất vàng”, khi hàng loạt cựu lãnh đạo TP. HCM bị khởi tố vì vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, gây thất thoát lãng phí; hàng loạt khu “đất vàng” với giá trị lớn bị nhóm lợi ích dịch chuyển từ tài sản thuộc sở hữu nhà nước sang tay doanh nghiệp và còn nhiều khu đất khác đang trong “tầm ngắm” vi phạm pháp luật.

Điều đáng nói là hiện các khu “đất vàng” sau khi thu hồi đều đang trong tình trạng bỏ hoang, trở thành những khu đất bốc mùi, chỗ trú ẩn của tệ nạn; có khu đất trở thành bãi đỗ xe, nhà hàng... nhằm thu lợi trước mắt. Tình trạng nêu trên được gọi chung bằng cụm từ “chảy máu đất công”, gây bức xúc trong dư luận.

Khảo sát của Đầu tư Tài chính cho thấy, ngay trung tâm quận 1 - TP. HCM, là khu đất có diện tích 6.000m2, nằm ở vị trí đắc địa số 2 - 4 - 6 đường Hai Bà Trưng (phường Bến Nghé). Đây là một trong những khu “đất vàng” có tới 4 mặt tiền, rất hiếm hoi của thành phố, đã bị thu hồi liên quan đến sai phạm của hai cựu lãnh đạo Bộ Công Thương, hiện đang thành bãi giữ xe, cỏ dại mọc hoang tàn.

Cùng chung số phận tương tự, khu đất 5.000m2 tại số 8 - 12 đường Lê Duẩn, quận 1, liên quan tới sai phạm của cựu phó chủ tịch UBND TP. HCM Nguyễn Thành Tài đã giao, cho thuê không qua đấu giá, hiện cũng trở thành bãi đất hoang giữa con đường đẹp nhất thành phố. Xót xa hơn là 32ha đất tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè liên quan tới sai phạm của ông Tất Thành Cang, từng là phó bí thư Thành ủy TP. HCM đã bị khởi tố do thông đồng, bán rẻ cho doanh nghiệp, hiện cũng hoang hóa, ngập nước tạo nên đầm lầy, cỏ dại mọc um tùm.

Điều dư luận quan tâm là số phận của những khu đất này sẽ đi về đâu. Liệu có một lần nữa bị sang tay, bị thâu tóm bởi một nhóm lợi ích khác? Và làm thế nào để những khu “đất vàng” phát huy giá trị, trao vào tay những chủ nhân thực sự có tâm và có tầm, nhằm tạo nên của cải vật chất cho xã hội và làm thay đổi bộ mặt đô thị của một thành phố năng động, là đầu tàu kinh tế của cả nước?

“Thà bỏ hoang, còn hơn làm vì sợ sai”

Những khu “đất vàng” sau khi thu hồi được giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. HCM phối hợp với các sở, ban ngành, đơn vị liên quan tiếp nhận, quản lý. Trung tâm này sẽ có trách nhiệm đề xuất phương án sử dụng đất, tham mưu cho UBND TP. HCM các quyết định sau thu hồi. Ngoài ra, UBND TP. HCM còn giao cho UBND các quận, huyện có khu đất bị thu hồi thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đất đai, xây dựng, quy hoạch đối với khu đất nêu trên, phối hợp và tư vấn kịp thời phương án sử dụng theo quy định pháp luật.

“Tuy nhiên, có một thực tế là đội ngũ cán bộ đang làm việc tại các ban ngành liên quan của thành phố rất ‘run tay’ trong việc tư vấn đưa ra quyết định như thế nào cho đúng quy định của pháp luật. Không thể phủ nhận nhiều cán bộ có trách nhiệm chọn phương án an toàn cho mình, ngại phải đối mặt với kỷ luật và tòa án, hình thành tư duy ‘làm ít sai ít, làm nhiều sai nhiều’”, một cán bộ của Trung tâm Phát triển quỹ đất lo lắng tâm sự.

'Đất vàng' TP. HCM: Sau thu hồi, đi về đâu? - Ảnh 1

Theo TS Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế, hiện nay, thị trường bất động sản TP. HCM bị ngừng lại cũng bởi tâm lý thận trọng của các cán bộ đương chức. Bởi với tình trạng pháp luật đất đai nhiều xung đột, chồng chéo như hiện nay, sự quyết đoán đi liền với rủi ro làm trái luật. “Cách xây dựng pháp luật của chúng ta làm luật nọ mâu thuẫn với luật kia. Trong tình trạng luật pháp còn vênh nhau, khoảng trống xung đột còn nhiều, thì cách giữ mình tốt nhất của cán bộ là không làm gì. Bởi ngay cả khi những người ra quyết định thật sự vô tư thì cũng không tránh khỏi thiếu sót. Bởi vậy, câu chuyện sau thu hồi đất vàng cũng nan giải không kém”, TS Vũ Đình Ánh nhận xét.

Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP. HCM (HoREA) Lê Hoàng Châu mới đây cũng chia sẻ, các phương án sử dụng “đất vàng” sau thu hồi còn nhiều vướng mắc, chỉ riêng định giá đất, áp dụng các phương pháp định giá cũng đã đủ gây rắc rối cho cơ quan quản lý cấp địa phương. Quy trình về trình tự, thủ tục bán đấu giá, phát mãi còn nhiều bất cập.

Công khai, minh bạch không khó

Tuy nhiên, theo luật sư Trần Mạnh Thắng (Đoàn luật sư. TP. HCM), nếu thực sự cán bộ có trách nhiệm, công tâm và công khai, minh bạch thì chắc chắn “đất vàng” không dễ dàng bị “tái” tham những, rơi vào tay tư nhân với giá rẻ. “Cần đấu giá công khai theo đúng quy định của pháp luật để tìm ra được những đơn vị có đủ năng lực tài chính, kinh nghiệm”, luật sư Thắng nhấn mạnh.

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân cũng cho rằng để “đất vàng” trở về đúng giá trị, con đường duy nhất là phải đấu giá công khai. Việc định giá phải được kiểm soát bởi một cơ quan độc lập, tránh sự “thông thầu” giữa các nhóm lợi ích và vấn đề cốt lõi là phải có sự giám sát của các cơ quan thanh kiểm tra, đồng thời trách nhiệm giải trình của cán bộ thực thi phải rất tỉ mỉ, cụ thể.

“Thu hồi các khu ‘đất vàng’ đã khó, nhưng nếu cứ thu về để đó, rồi có một doanh nghiệp A, B thân quen lại ‘nhảy vào’, hoặc bỏ hoang thì thành phố sẽ tiếp tục lãng phí nguồn lực đất đai. Do đó, csần phải đẩy nhanh quy trình để đất phát huy hiệu quả”, giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư Bất động sản SunLand, bà Hạnh Nguyên, nhận xét.

Bà Hạnh Nguyên cũng cho hay Quốc hội đang “nóng” lên câu chuyện trách nhiệm và nêu gương của người đứng đầu. “Một số ý kiến đại biểu Quốc hội rất xác đáng, đó là có hai nhóm cán bộ né trách nhiệm. Một là suy thoái về tư tưởng chính trị, không muốn làm, vì không có lợi ích riêng. Hai là nhóm cán bộ còn thiếu trình độ, sợ vi phạm pháp luật nên không dám làm. Tôi đồng tình với ý kiến một số đại biểu Quốc hội cho rằng, trong thời điểm doanh nghiệp khó khăn như hiện nay, cần ưu tiên thay thế những người né tránh trách nhiệm bằng cán bộ tốt, có đủ tâm huyết”, bà Hạnh Nguyên bày tỏ.

Dẫu vậy, theo PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến, Trường đại học Luật Hà Nội, trong một cuộc hội thảo gần đây, việc cần kíp là rà soát, đánh giá hệ thống pháp luật về đấu giá tài sản nói chung và đấu giá đất nói riêng, Luật Đấu giá tài sản năm 2016 và các văn bản hướng dẫn thi hành chưa quy định đầy đủ, chi tiết về việc kiểm soát năng lực tài chính của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia đấu giá. Luật Đất đai năm 2013 cũng chỉ quy định về nguyên tắc, quy định đấu giá quyền sử dụng đất và các trường hợp không đấu giá. Nội dung, trình tự, thủ tục, điều kiện… được dẫn chiếu áp dụng theo quy định của Luật Đấu giá tài sản năm 2016 là cần thiết nhưng chưa đủ; cần bổ sung quy định về điều kiện tổ chức tham gia đấu giá quyền sử dụng đất và giám sát, thẩm tra hồ sơ tham gia đấu giá khắt khe hơn.

Luật sư Trần Mạnh Thắng cho rằng ngay trong việc xử lý vi phạm pháp luật đối với hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất cũng có những bất cập, hạn chế; vì vậy cần hoàn thiện pháp luật về xử lý vi phạm của hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất để tạo một hành lang pháp lý chặt chẽ cho người thực thi và người tham gia, ngăn chặn lợi ích nhóm, “sân sau cửa trước” tránh tái thất thoát “đất vàng” sau thu hồi.

Ninh Dương

Theo VietnamFinance