Góc nhìn thực tiễn về năng lực tài chính doanh nghiệp vừa “thế chân” THT tại dự án trên “đất vàng” Tây Hồ Tây
Công ty cổ phần Tập đoàn công nghệ CMC (mã CK: CMG) vừa nhận chuyển nhượng dự án trị giá đến 1.700 tỷ đồng từ THT Việt Nam. Tuy nhiên, trong khi nhiều doanh nghiệp đang "đau đầu vì tiền" thì CMC lại mạnh tay chi hàng nghìn tỷ đồng để mua lại dự án. Khi đó, “sức khỏe” tài chính của CMC là điều được giới đầu tư quan tâm.
CMC lặng lẽ “mang về” dự án nghìn tỷ
Mới đây, UBND TP Hà Nội đã ban hành quyết định chấp thuận điều chỉnh nhà đầu tư thực hiện dự án Tổ hợp không gian sáng tạo CMC tại Hà Nội – CMC Creative Space Hanoi tại ô đất B2CC3 thuộc dự án khu trung tâm khu đô thị Tây Hồ Tây.
Theo đó, chủ đầu tư của dự án sẽ chuyển từ Công ty TNHH Phát triển THT (Công ty THT) sang CTCP Tập đoàn Công nghệ CMC (mã CK: CMG).
Được biết, dự án Tổ hợp không gian sáng tạo CMC tại Hà Nội – CMC Creative Space Hanoi có tổng vốn đầu tư dự kiến là 1.789 tỷ đồng, trong đó vốn góp là 626 tỷ đồng, còn lại là vốn huy động.
Mục tiêu dự án là đầu tư, xây dựng, quản lý và vận hành một Khu phức hợp văn phòng, trung tâm thương mại. Quy mô diện tích dự án là 1,13ha, hệ số sử dụng đất 5 lần, mật độ xây dựng 40%, tầng cao 23 tầng. Địa điểm thực hiện dự án tại ô đất có ký hiệu B2CC3, Khu trung tâm Khu đô thị Tây Hồ Tây, phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm. Thời hạn dự án là 56 năm kể từ ngày cấp phép đầu tư (19/1/2006). Dự án dự kiến hoàn thành vào quý IV/2024.
CMC Creative Space Hanoi thuộc dự án Khu trung tâm Khu đô thị Tây Hồ Tây (tên thương mại Starlake Tây Hồ Tây) do THT thực hiện đầu tư xây dựng.
Địa điểm thực hiện dự án trên địa giới hành chính của các phường Xuân La (quận Tây Hồ), Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy), Xuân Tảo và Cổ Nhuế 1 (quận Bắc Từ Liêm), TP. Hà Nội. Diện tích đất thực hiện đầu tư xây dựng khoảng 161,19ha.
Tổng vốn đầu tư của dự án là hơn 30.000 tỷ đồng, tương đương 1.322 tỷ USD, trong đó vốn góp thực hiện dự án là 4.565,6 tỷ đồng, tương đương 198,3 triệu USD, còn lại là vốn huy động.
Năng lực thực sự của CMC
Có thể nói, việc CMC nhận chuyển nhượng dự án hơn 1.700 tỷ đồng từ THT đang gây sự chú ý đặc biệt từ giới đầu tư. Đặt trong bối cảnh thị trường bất động sản đang gặp nhiều khó khăn, hàng loạt doanh nghiệp “đâu đầu vì tiền” thì câu chuyện chi ra hàng nghìn tỷ mua dự án của CMC lại càng được chú ý. Đặc biệt là tình hình tài chính tại doanh nghiệp này.
Theo báo cáo tài chính được CMC công bố, trong năm kế toán 2022 (1/4/2022-31-3-2023) doanh nghiệp ghi nhận doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 7.668 tỷ đồng (tăng khoảng 21% so với năm trước đó).
Trong năm kế toán 2022, Tập đoàn CMC đạt hơn 358,1 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng khoảng 12% so với mức hơn 317,7 tỷ đồng của năm trước đó.
Mặc dù doanh thu ghi nhận tăng 21% nhưng lợi nhuận công ty chỉ tăng phân nửa so với năm trước. Nguyên nhân đến từ việc giá vốn hàng bán tăng từ mức hơn 5.106 tỷ đồng lên 6.203 trong năm tài chính 2022. Bên cạnh đó, chi phí tài chính, bao gồm chi phí lãi vay của CMC cũng tăng từ mức hơn 74,7 tỷ đồng trong năm tài chính 2021 lên mức hơn 122,9 tỷ đồng trong năm tài chính 2022.
Bên cạnh đó, chi phí bán hàng của doanh nghiệp này cũng tăng đáng kể từ mức hơn 464,7 tỷ đồng trong năm tài chính 2021 lên hơn 544 tỷ đồng trong năm tài chính 2022. Đáng chú ý, chi phí quản lý doanh nghiệp của CMC tăng mạnh từ mức hơn 363,6 tỷ đồng trong năm tài chính 2021 lên mức hơn 502,7 tỷ đồng trong năm tài chính 2022.
Bên cạnh việc lợi nhuận tăng không tương đồng so với doanh thu thì một điểm đáng chú ý nữa của CMC đó là khoản nợ phải trả lớn hơn so với vốn chủ sở hữu.
Cụ thể, tại thời điểm ngày 31/3/2023, vốn chủ sở hữu của CMC ở mức hơn 3.135 tỷ đồng. Số vốn chủ sở hữu này tăng đáng kể so với mức 2.721 tại thời điểm 1/4/2022.
Tuy nhiên, báo cáo tài chính của CMC cho thấy, tại thời điểm 31/32023, nợ phải trả của doanh nghiệp ở mức hơn 3.506 tỷ đồng. Như vậy, so với mức vốn chủ sở hữu, số nợ phải trả của Tập đoàn CMC gấp khoảng 1,12 lần.
Về phía CMC, theo tìm hiểu, Công ty Cổ phần Tập đoàn Công nghệ CMC tiền thân là Trung tâm ADCOM thuộc Viện Công nghệ vi Điện tử, Viện nghiên cứu Công nghệ Quốc gia thành lập năm 1991 với số vốn ban đầu 50 triệu đồng.
Ngày 7/2/2007, CMC thực hiện cổ phần hóa chính thức chuyển đổi thành Công ty Cổ phần Tập đoàn Công nghệ CMC, tên giao dịch tiếng Anh là CMC Corporation với 13 cổ đông sáng lập là các lãnh đạo chủ chốt của công ty và của các công ty thành viên. Chủ tịch HĐQT hiện tại của Tập đoàn CMC là ông Nguyễn Trung Chính.