Đất Xanh Services làm ăn ra sao trước khi lên sàn chứng khoán?
DXS hiện đang là một trong những doanh nghiệp môi giới bất động sản có thị phần lớn nhất cả nước. Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp không mấy khả quan khi doanh thu và lợi nhuận trong năm qua sụt giảm mạnh, nợ phải trả có xu hướng tăng.
Cổ phiếu DXS sắp lên sàn chứng khoán
CTCP Dịch vụ Bất động sản Đất Xanh (Đất Xanh Services - DXS) vừa được UBCKNN chấp thuận được chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO).
Cụ thể, DXS dự kiến chào bán 71,6 triệu cổ phiếu tương đương 20% vốn sau đợt phát hành. Trong đó, Đất Xanh Services sẽ chào bán 35,83 cổ phần cho cổ đông hiện hữu và phát hành mới 35,83 triệu cp.
Mức giá IPO được công bố là 32.000 đồng/cp. Đợt chào bán từ ngày 31/3 đến 19/4/2021. Theo kế hoạch, cổ phiếu sẽ được niêm yết trên HoSE trong quý 2/2021, dự kiến vào ngày 24/5/2020.
Giá lên sàn cổ phiếu DXS, theo các broker sẽ không dưới 40.000 đồng/cp, tương đương định giá Công ty vào mức 12.900 tỷ đồng. Theo kế hoạch, DXS sẽ lên HNX trước khi lên HoSE nếu tình hình nghẽn lệnh tiếp tục phức tạp. Tuy nhiên, đại diện Công ty cũng nhấn mạnh tuỳ thuộc tình hình thực tế sẽ có kế hoạch cụ thể phù hợp.
Vốn điều lệ DXS sau IPO dự tăng từ 3.225 tỷ lên mức 3.583 tỷ đồng. Tính đến hết 2020, DXS đang có vốn 3.225 tỷ, là công ty con do Tập đoàn Đất Xanh (DXG) nắm giữ 84,2% vốn.
Đất Xanh Services cho biết, số tiền thu về từ đợt chào bán sẽ được sử dụng để phục vụ sản xuất kinh doanh.
Thông tin DXS sắp “lên sàn” hiện đang thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư chứng khoán. Không ít nhà đầu tư mách nhau về cơ hội đầu tư vào cổ phiếu này.
Tuy nhiên, một số nhà đầu tư “lão luyện” tỏ ra khá thận trọng với cổ phiếu chưa lên sàn bởi họ từng “ngậm trái đắng” trong quá khứ khi cổ phiếu giảm giá và bị “chôn vốn” sau khi tham gia IPO.
Anh N.T.C, một nhà đầu tư tại Hà Nội vẫn đang lưỡng lự trước quyết định có nên đầu tư hay không? Nếu giá mua ở mức cao so với giá trị thực, hoặc đánh giá sai về triển vọng doanh nghiệp cũng như xu hướng thị trường sẽ đối mặt với nguy cơ thua lỗ.
Ngoài ra, diễn biến trên sàn House cũng không khả quan khi liên tục nghẽn lệnh, lãnh đạo HOSE cho biết, Sở sẽ không cấp phép niêm yết mới trên sàn nếu tình trạng này không được cải thiện.
Trong khi đó, DXS dự kiến sẽ niêm yết cổ phiếu vào ngày 24/5/2021. Nếu thời gian bị lùi lại, các nhà đầu tư cũng sẽ đối mặt với nguy cơ “chôn vốn”.
Về Đất Xanh Services, ban đầu doanh nghiệp này hoạt động như một trong những ngành nghề kinh doanh của Tập đoàn Đất Xanh (DXG), chuyên cung cấp dịch vụ môi giới bất động sản nhà ở kể từ khi DXG thành lập vào năm 2003.
Sau khi thực hiện tái cấu trúc vào năm 2018, DXS được tách ra trở thành một công ty dịch vụ bất động sản chuyên biệt, DXG đóng vai trò là công ty mẹ và là cổ đông kiểm soát với 84,2% cổ phần.
Sau khi hợp nhất với nhiều đơn vị, các công ty con của DXG hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ bất động sản, DXS trở thành một trong những công ty môi giới lớn nhất Việt Nam với 48 công ty con trực tiếp và gián tiếp cung cấp dịch vụ môi giới bất động sản trên cả nước.
DXS làm ăn ra sao?
Theo bản Cáo bạch chào bán cổ phiếu ra công chúng của DXS, Công ty cung cấp dịch vụ môi giới Bất động sản cho tất cả các loại hình Bất động sản bao gồm đất nền, villa, nhà phố, condotel và chung cư và là doanh nghiệp phân phối Bất động sản hàng đầu cả nước với thị phần: TP.HCM 16%; Hà Nội, 41%, Nghệ An 69%, Thanh Hóa 49%, Bình Dương 15% và Khánh Hòa 12%.
Theo số liệu từ các đơn vị nghiên cứu, tính chung DXS đang chiếm 29% thị phần môi giới BĐS trên cả nước và là đơn vị chiếm thị phần lớn thứ hai sau Cenland (56%).
Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp không mấy khả quan khi doanh thu và lợi nhuận sụt giảm mạnh, nợ phải trả có xu hướng tăng.
Theo Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2020 của DXS, Năm 2020, doanh thu thuần của doanh nghiệp đạt 3.249 tỷ đồng, giảm 20,5% so với con số 4.092 tỷ đồng vào năm 2019.
Mặc dù doanh thu giảm, nhưng chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng vọt, lần lượt 11,5% và 34,4% và. Điều này dẫn đến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh giảm mạnh, chỉ còn 1.402 tỷ đồng, giảm 26,2% so với con số 2.011 tỷ đồng năm 2019.
Trừ đi các chi phí lãi vay và thuế, lợi nhuận sau thuế của DXS còn 1.136 tỷ đồng, giảm mạnh 30,4% so với năm 2019 là 1.633 tỷ đồng.
Đáng chú ý, trong năm 2019, dòng tiền kinh doanh của DXS ghi nhận âm hơn 660 tỷ đồng. Đến năm 2020, khoản mục này đã được cải thiện, ghi nhận 1.012 tỷ đồng.
Tuy nhiên, dòng tiền cho hoạt động đầu tư của doanh nghiệp vẫn thâm hụt nặng trong suốt ba năm qua. Theo đó, năm 2018, dòng tiền đầu tư của DXS ghi nhận âm 505 tỷ đồng, năm 2019 âm 652 tỷ đồng và năm 2020 âm 410 tỷ đồng.
Tại ngày 31/12/2020, tổng tài sản công ty đạt 11.095 tỷ đồng, tăng trưởng gần 34,3% so với số đầu kỳ. Trong đó, chiếm chủ yếu tài sản là tài sản ngắn hạn khác 6.073 tỷ (chiếm gần 55%).
Trong khi đó, nợ phải trả của DXS tính đến cuối kỳ là 5.256 tỷ đồng, tăng gần 34,3% so với năm 2019 là 3.915 tỷ đồng. Trong đó, nợ ngắn hạn lên đến 5.104 tỷ đồng, chiếm hơn 97% tổng số nợ phải trả của doanh nghiệp.
Dù vậy, trong năm 2021, DXS đặt mục tiêu về doanh thu và lợi nhuận tương đối lớn. Theo báo cáo của SSI, doanh thu mục tiêu của DXS lên tới gần 7.600 tỷ đồng. Trong đó, mục tiêu lĩnh vực môi giới truyền thống đạt 1.585 tỷ đồng và môi giới toàn diện 5.706 tỷ đồng.
Kế hoạch lợi nhuận dự kiến ở mức 248 tỷ đồng với môi giới truyền thống, 1.254 tỷ đồng với môi giới toàn diện. Đây là kế hoạch mang tính đột phá so với doanh thu và lợi nhuận doanh nghiệp đã đạt được trong những năm qua.