Dấu ấn thua lỗ đầu tư chứng khoán trong báo cáo các ngân hàng
Năm 2022, nhiều ngân hàng ghi nhận kết quả kém hơn nhiều so với các năm trước đó trong mảng mua bán, đầu tư chứng khoán. Thậm chí, không ít ngân hàng lỗ hàng trăm tỷ đồng từ mảng này.
Lỗ nặng ở mảng kinh doanh chứng khoán
Nếu như năm trước, mảng kinh doanh chứng khoán giúp nhiều ngân hàng lãi đậm. Nhưng năm 2022, nhiều ngân hàng ghi nhận kết quả kém hơn nhiều, thậm chí thua lỗ nặng từ mảng này.
Năm 2022, tại VietinBank, trong khi các mảng kinh doanh khác đều có lãi thì hoạt động mua bán chứng khoán ghi nhận lỗ tới 126 tỷ đồng. Trong năm 2021, VietinBank có lãi 720 tỷ đồng ở mảng kinh doanh này.
Ngay cả “ông lớn” Vietcombank cũng không nằm ngoài xu hướng. Năm 2022, hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh của Vietcombank lỗ 115 tỷ đồng trong khi năm 2021 lãi 137 tỷ đồng. Trong khi đó, hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư của nhà băng này trong năm 2022 tích cực hơn, với mức lãi 81 tỷ đồng.
Còn ở BIDV, mảng chứng khoán đầu tư trong quý IV/2022 ghi nhận mức giảm hơn 74% khi chỉ ghi nhận hơn 141 tỷ đồng nhưng cả năm ghi nhận tăng 24,7%.
Tại khối ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, năm 2022, hàng loạt ngân hàng cũng lỗ nặng ở mảng đầu tư, kinh doanh chứng khoán.
Hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh của Techcombank trong năm 2022 lỗ 241 tỷ đồng, trong khi năm trước lãi 152 tỷ đồng; lãi thuần từ mua bán chứng khoán đầu tư cũng giảm tới 76,4%, từ mức 1.804 tỷ của năm 2021 về còn 425 tỷ đồng năm 2022.
Với Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank), năm 2022, mảng chứng khoán kinh doanh và chứng khoán đầu tư lỗ lần lượt 57 tỷ đồng và 22 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ đều lãi hơn 200 tỷ đồng.
Theo thông tin từ Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), năm qua, mảng chứng khoán đầu tư của ngân hàng này lỗ 20 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước lãi 164 tỷ đồng.
Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) ghi nhận lợi nhuận năm qua đạt 7.828 tỷ đồng trước thuế, tăng 30% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lãi thuần từ mảng chứng khoán đầu tư lại giảm 70%.
Năm 2022, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) báo lãi trước thuế hơn 17,114 tỷ đồng, tăng 43% so với năm trước. Song mảng chứng khoán đầu tư của ACB giảm đến 92%, chỉ thu được hơn 20 tỷ đồng. ACB cũng ghi nhận khoản lỗ từ mua bán chứng khoán kinh doanh tới 388 tỷ đồng (cùng kỳ lãi 450 tỷ đồng).
Tại SHB, lãi thuần từ chứng khoán đầu tư là 144 tỷ đồng, giảm 85%; lãi thuần từ hoạt động kinh doanh khác là 861 tỷ đồng, giảm 19% so với cuối năm 2021…
Năm 2022, VIB cũng ghi nhận lỗ 176 tỷ đồng từ hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư trong khi cùng kỳ lãi 197 tỷ đồng.
Tác động đến lợi nhuận chung không lớn?
Trong báo cáo "Nhìn lại 2022 và triển vọng thị trường vốn 2023", nhóm phân tích FiinRatings thuộc Fiingroup cho biết lãi suất tăng, biến động tỷ giá, sự sụt giảm mạnh của các chỉ số chứng khoán và tình trạng “đóng băng” của thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh doanh, đầu tư chứng khoán của các ngân hàng. Theo đó, nhiều ngân hàng ghi nhận lỗ từ hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh, chứng khoán đầu tư, đồng thời giảm tỷ trọng các loại chứng khoán trong tổng tài sản.
Cụ thể, nền lãi suất tăng đã đẩy lợi suất trái phiếu chính phủ trong những tháng cuối năm tăng mạnh lên tới 5,2% so với mức lợi suất khoảng 2,2% vào tháng 1/2022. Do đó, trái phiếu chính phủ hạch toán theo giá thị trường do các ngân hàng nắm giữ cũng sụt giảm về giá trị. Tỷ trọng trái phiếu chính phủ trên tổng tài sản sinh lời của các ngân hàng giảm từ mức 7,2% cuối năm 2021 xuống mức 6,3% cuối quý III năm 2022.
Cùng với đó, danh mục trái phiếu doanh nghiệp của một số ngân hàng đang tiềm ẩn rủi ro tín dụng khi thị trường đã xuất hiện một số trường hợp chậm trả lãi và gốc trái phiếu. Dù chỉ chiếm khoảng 2,2% tổng tài sản sinh lời của các ngân hàng nhưng khi trái phiếu doanh nghiệp bị “nhảy” nhóm nợ cũng sẽ làm các khoản vay khác của doanh nghiệp đó tại các ngân hàng khác bị phân loại vào nhóm có chất lượng nợ thấp hơn, gia tăng tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống.
Theo FiinRatings, trước đó, Việt Nam bước vào đầu năm 2022 với nhiều kỳ vọng trên nhiều phương diện. Thị trường chứng khoán bùng nổ và VN-Index tiến tới đỉnh mới ở mức 1.524,7 điểm, dịch bệnh dần được kiểm soát...
Song ảnh hưởng tích cực từ tình trạng trên không duy trì được lâu khi một loạt các sai phạm bị phát giác trong năm vừa qua đã làm lộ diện các lỗ hổng pháp lý và nhiều kiểu biến tướng của các kênh huy động vốn. Thị trường vốn đã có phản ứng ngay lập tức với làn sóng bán tháo đẩy chỉ số VN-Index xuống 34%.
Kênh trái phiếu doanh nghiệp cũng chứng kiến mua lại tăng 37,8% so với cùng kỳ và giảm 63,7% phát hành mới. Trong đó, chiếm đa số là các lô trái phiếu doanh nghiệp lãi suất cao dao động từ 8,7%-14%, nhưng kỳ hạn ngắn để doanh nghiệp có thể giải quyết thanh khoản trong ngắn hạn.
Về phía nhà đầu tư, sự thiếu minh bạch thông tin trước đó cùng với những diễn biến tiêu cực gần đây đã gây ra tâm lý hoảng loạn, đẩy nhóm này qua trạng thái thận trọng hơn bằng cách gia tăng nắm giữ tiền mặt hay gửi tiết kiệm.
Nhận định về bức tranh ngành ngân hàng năm 2023, Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect cho rằng "sóng gió vẫn tiếp diễn". VNDirect dự báo tăng trưởng lợi nhuận của ngành này sẽ chậm lại và đạt 10-12% so với cùng kỳ trong năm 2023-2024 (từ mức 32% so với cùng kỳ năm 2022), khi tăng trưởng tín dụng chậm lại, biên lãi ròng thu hẹp và chi phí tín dụng tăng.
Tuy nhiên, VNDirect cho rằng sang nửa cuối năm 2023, tình hình sẽ trở nên khả quan hơn khi rủi ro lãi suất và căng thẳng tỷ giá được dịu bớt, vấn đề căng thẳng thanh khoản cũng được giải quyết phần nào nhờ Chính phủ đẩy mạnh các gói đầu tư công.
Còn Chứng khoán Yuanta đánh giá ngành ngân hàng vẫn có triển vọng, tuy nhiên môi trường lãi suất cao vẫn là thách thức lớn cho tăng trưởng của ngành này, cùng với đó là rủi ro nợ xấu và tình hình thanh khoản của các doanh nghiệp.