Đấu giá đất lại bất ngờ “sôi động” trở lại?

Trong suốt một năm thị trường bất động sản rơi vào trầm lắng, mức độ quan tâm đến loại hình đất đấu giá cũng giảm đi đáng kể. Nhưng trong những tháng cuối năm 2023 và những ngày đầu năm 2024, các nhà đầu tư lại tỏ ra quan tâm hơn đối với các hoạt động đấu giá đất tại các tỉnh.

 

Đấu giá đất lại bất ngờ “sôi động” trở lại? - Ảnh 1

Các cuộc đấu giá liên tiếp diễn ra

Thực tế, dù thị trường bất động sản còn nhiều khó khăn nhưng với những khu vực có pháp lý rõ ràng, hạ tầng hoàn chỉnh, gần các khu dân cư hiện hữu với mức giá phù hợp thì hoạt động đấu giá đất vẫn được quan tâm.

Một trong những thông được quan tâm trong những ngày qua là việc UBND TP HCM đã phê duyệt kế hoạch đấu giá các lô đất trong khu vực Thủ Thiêm, còn ngoài khu này sẽ được hoàn chỉnh lại.

Theo đó, ông Huỳnh Văn Thanh, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM cho biết hiện Thành Ủy và UBND TP HCM đã phê duyệt nội dung kế hoạch đấu giá đất cho khu vực Thủ Thiêm. Ngoài khu vực này sẽ được Thành phố hoàn chỉnh lại và thực hiện tiếp sau. “Đây cũng là một trong những nguồn thu trực tiếp từ quỹ đất của Thành phố”, ông Thanh nói.

Trước đó, cuối năm 2021, TP HCM đã tổ chức đấu giá thành công 4 lô đất trong khu vực Thủ Thiêm với hơn 37.000 tỷ đồng. Riêng lô 3-12 có giá kỷ lục 2,43 tỷ đồng một m2. Tuy nhiên sau đó, các doanh nghiệp trúng đấu giá lần lượt đều không nộp tiền sử dụng đất đúng thời hạn và xin bỏ cọc.

Trong khi đó, tại một số khu vực tại Hà Nội các phiên đấu giá đất cũng diễn ra sôi động trong thời gian qua. Đơn cử như vào sáng 8/12/2023, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Mê Linh và Công ty Đấu giá hợp danh Số 5 - Quốc gia đã tổ chức phiên đấu giá khu đất tại điểm X2, Tổ dân phố số 4, thị trấn Quang Minh (đợt 2). Các thửa đất có diện tích 100 - 117,96 m2, giá khởi điểm 26 triệu đồng/m2. Kết quả, có 5/5 lô đất được đấu giá thành công; tổng số tiền trúng đấu giá là hơn 13 tỷ đồng.

Đến chiều cùng ngày, tiếp tục diễn ra phiên đấu giá khu đất tại thôn Bạch Đa, xã Kim Hoa. Các thửa đất có diện tích 79,5 - 187,6 m2, giá khởi điểm 24,7 - 32,8 triệu đồng/m2. Khu đất có vị trí tiếp giáp với TP Phúc Yên (tỉnh Vĩnh Phúc), đối diện với khu đô thị Hà Thân. Kết quả, có 28 thửa đất đấu giá thành công, giá trúng 24,9 - 35,2 triệu đồng/m2, chênh hơn 3,1 tỷ đồng so với giá khởi điểm; thu về ngân sách hơn 84 tỷ đồng.

Trước đó, trong khoảng tháng tháng 11/2023 huyện này cũng đã tổ chức đấu giá thành công hàng chục lô đất. Cụ thể, Cụ thể, ngày 27/11 vừa qua, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Mê Linh phối hợp với Công ty Đấu giá hợp danh đấu giá Việt Nam tổ chức đấu thành công phiên đấu giá đối với 10 lô đất tại điểm X1, X2 thôn Yên Vinh, xã Thanh Lâm. Ngày 24/11, huyện tổ chức thành công phiên đấu giá quyền sử dụng đất đối với 6 thửa đất tại điểm X1, xứ đồng Làng Gàn, thôn Văn Lôi, xã Tam Đồng. Đáng chú ý, phiên đấu giá ngày 26/10, huyện đấu giá thành công 35/74 thửa đất tại điểm X1, xứ đồng Làng Gàn, thôn Văn Lôi, xã Tam Đồng.

Hay như tại huyện Sóc Sơn, kế hoạch, vào cuối tháng 12/2023, huyện sẽ tổ chức phiên đấu giá quyền sử dụng đất để xây dựng nhà ở tại khu đất số 2, thôn Hương Đình (xã Mai Đình) với 23 thửa đất, tổng diện tích hơn 3.144m2. Vị trí đấu giá này gần cảng hàng không quốc tế Nội Bài, thu hút sự chú ý lớn từ giới đầu tư bất động sản.

Trong đó, các thửa đất có diện tích từ 100 - 147,5m2, với mức giá khởi điểm dao động từ 27,8 - 33,1 triệu đồng/m2, tùy thuộc vào vị trí của từng thửa đất. Bước giá quy định là 200.000 đồng/m2.

Ngoài Hà Nội và TP HCM tại một số tỉnh khác hoạt động đấu giá đất cũng diễn ra tương đối sôi động có thể kể đến như Thanh Hóa, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Ninh Bình…

Tìm kiếm cơ hội từ đất đấu giá?

Có thể thấy, từ thời điểm cuối năm 2023 nhu cầu mua bán bất động sản vẫn ở mức cao khi ghi nhận nhiều dấu hiệu khởi sắc. Chính điều này đã góp phần mang lại không khí tích cực cho thị trường bất động sản vốn đang ảm đạm thời gian dài.

Một môi giới đất nền tại khu vực ven Hà Nội cho biết, thời điểm cuối năm 2023, đất đấu giá khởi sắc hơn khi một số khu đất đấu giá từ năm trước ghi nhận giao dịch trở lại. Về mức giá, các giao dịch của người mua tập trung phổ biến ở mức 1,3-1,8 tỷ đồng/lô. Theo người này, mức chênh lệch so với thời điểm đấu giá là khá thấp và những người có nhu cầu thực sẵn sàng mua, đặc biệt là khi quỹ đất được xem là sạch, có tính pháp lý cao, ít rủi ro.

Ở góc nhìn của người có chuyên môn, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn Nguyễn Quốc Anh nhìn nhận, đất nền vẫn là phân khúc thu hút sự quan tâm lớn. Do đó, thị trường này sẽ có sự đảo chiều từ cuối năm 2024. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, ở thời điểm này, thị trường vẫn dành cơ hội cho các nhà đầu tư lớn có dòng tiền tốt còn với các nhà đầu tư dùng đòn bẩy thì chưa nên tham gia.

Còn PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Chuyên gia kinh tế cho rằng, sau thời gian dài ở mức giá cao thì giá bất động sản đã đồng loạt giảm ở cả những thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM. Người dân ở khu vực đông đúc vẫn phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhà ở. Do đó, nhu cầu thực rất lớn và khi có những thông tin tích cực về khả năng phục hồi và sự ấm lên của thị trường đã phần nào kích thích tâm lý mua bán của nhà đầu tư. Tuy nhiên, ở mặt thận trọng hơn, ông Thịnh cũng lưu ý về khả năng có thể một số người dùng biện pháp đẩy giá.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thế Điệp - Phó Chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội cũng chia sẻ, việc thổi giá đất thông qua đấu giá để kiếm lời không còn lạ. Đây vừa là cơ hội vừa là thách thức mà nhà đầu tư cần cân nhắc trước khi “xuống tiền”.

An Nhiên

Theo Chất lượng và cuộc sống