Dấu hỏi về mục tiêu lợi nhuận của Coteccons?
Khẳng định kế hoạch kinh doanh năm tài chính 2024 được xây dựng rất “thận trọng”, song Coteccons vẫn khiến giới đầu tư ngạc nhiên khi đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế hợp nhất lên tới 274 tỷ đồng.
Bất ngờ mục tiêu
Ngày 17/10/2023, Công ty Cổ phần Xây dựng Coteccons (HoSE: CTD) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên đầu tiên của năm tài chính mới - 2024 (bắt đầu từ 1/7/2023).
Tại Đại hội, báo cáo kết quả kinh doanh năm tài chính 2023 (6 tháng đầu năm 2023) của Coteccons cho thấy các con số khá ấn tượng: Doanh thu 6.744 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ năm trước, đạt 88% kế hoạch; lợi nhuận sau thuế 52 tỷ đồng, tăng 862% so với cùng kỳ năm trước, vượt 18% kế hoạch.
Ông Bolat Duisenov, Chủ tịch Coteccons (Ảnh: CTD) |
Chia sẻ tại Đại hội, ông Bolat Duisenov, Chủ tịch Coteccons, đánh giá thị trường bất động sản - xây dựng trong 6 tháng đầu năm 2023 vẫn chưa có gì khởi sắc. “Ngay ở những thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, thời gian qua cũng chỉ có vài giấy phép được cấp cho dự án đầu tư mới”, ông nói và dự báo phải tới quý II/2024, thị trường mới có chuyển biến, vì thế kế hoạch kinh doanh năm tài chính 2024 được xây dựng khá thận trọng.
Nói là “thận trọng”, song kế hoạch năm tài chính 2024 của Coteccons vẫn khiến nhà đầu tư bất ngờ, bởi công ty đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 17.793 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hợp nhất 274 tỷ đồng, tăng rất cao so với các năm trước.
Cụ thể, so với năm 2022, mục tiêu doanh thu năm tài chính 2024 tăng thêm 22% còn mục tiêu lợi nhuận sau thuế tăng tới 13 lần (hoặc ít nhất cũng gấp 5 lần so với kết quả năm tài chính 2023). Một cách gần hơn, con số lợi nhuận mục tiêu năm tài chính 2024 lớn hơn 17% so với con số mục tiêu lợi nhuận của cả năm 2023 dương lịch mà Coteccons từng nêu ra tại Đại hội đồng cổ đông tổ chức hồi tháng 4/2023.
Cơ sở nào để đạt mục tiêu lợi nhuận?
Mặc dù đưa ra mục tiêu lợi nhuận khá lớn nhưng tại cả 2 kỳ đại hội tổ chức năm 2023 (tháng 4 và tháng 10), lãnh đạo Coteccons lại không đưa ra một cách chi tiết các cơ sở để có thể đạt được kế hoạch lợi nhuận trên.
Chủ tịch Coteccons Bolat Duisenov khi đối diện với câu hỏi của cổ đông về vấn đề này tại đại hội tháng 10/2023 chỉ trả lời chung chung: “Coteccons không có lựa chọn nào khác là cố gắng vươn lên để đạt được các mục tiêu”.
Với một câu trả lời chung chung như vậy, hẳn sẽ có rất ít cổ đông, nhà đầu tư cảm thấy hài lòng, nếu không muốn nói là… không hiểu Ban lãnh đạo Coteccons đang trình bày điều gì.
Còn dưới góc độ của các nhà quan sát, công bằng mà nói, Coteccons có một số cơ sở để hiện thực hoá tham vọng lợi nhuận 274 tỷ đồng trong năm tài chính 2024. Chỉ có điều, các cơ sở này dường như không chắc chắn.
Coteccons khiến giới đầu tư ngạc nhiên khi đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế hợp nhất 274 tỷ đồng. (Ảnh minh hoạ: Hải Thu) |
Đầu tiên về thị phần xây dựng, 2 năm trở lại đây, Coteccons đã phát triển khách hàng khá ấn tượng khi danh mục dự án thi công lên tới con số 50 - 60, trong đó có nhiều dự án quy mô lớn. Tuy nhiên, với tình cảnh thị trường bất động sản khủng hoảng rất nặng trong hơn 1 năm qua, backlog (giá trị hợp đồng ký mới, chưa thực hiện) đã tăng trưởng chậm đi thấy rõ.
Cụ thể, vào thời điểm cuối năm 2022, Coteccons tuyên bố có 17.000 tỷ đồng backlog cho năm 2023 (chưa tính dự án Lego). Đến tháng 10/2023, CEO Võ Hoàng Lâm cho biết, giá trị backlog là trên 20.000 tỷ đồng. Như vậy, trong gần 1 năm qua, backlog của Coteccons chỉ tăng thêm vài nghìn tỷ đồng.
Triển vọng của thị trường bất động sản vẫn đang rất xấu. Điểm khởi sắc được dự báo phải từ quý II/2024 - cũng là thời điểm kết thúc năm tài chính 2024 của Coteccons. Vậy với một nền tảng backlog như trên, sự đột phá về doanh thu của Coteccons trong năm tài chính 2024 đang trở nên không chắc chắn.
Doanh thu đã như vậy, lợi nhuận còn là một chuyện khác nữa. Trong tình cảnh ngành xây dựng đang trong “cuộc đua xuống đáy” về giá, vì khan hiếm đơn hàng, việc đạt biên lợi nhuận cao là điều không dễ dàng, kể cả với các nhà thầu lớn như Coteccons, Hòa Bình hay Ricons, Newtecons, Central Cons.
Coteccons hiện đang tiến một cách khá mạnh mẽ sang mảng xây dựng công nghiệp, thể hiện qua việc trúng dự án Lego hay gần đây là Foxconn (Bắc Giang). Tuy nhiên, lợi nhuận từ mảng miếng này cũng không thực sự là lớn. Huống chi, xây dựng công nghiệp chỉ chiếm một phần nhỏ trong cơ cấu doanh thu của Coteccons, khó lòng làm bệ đỡ cho tăng trưởng lợi nhuận.
Trong khi đó, xây dựng hạ tầng, chủ lực là các dự án đầu tư công, đã không thể hiện được điều gì ấn tượng mà nói một cách trực diện như cổ đông Coteccons tại Đại hội tháng 10/2023 là “công ty vẫn chỉ làm khán giả” đối với các dự án hạ tầng lớn. Biểu hiện cụ thể nhất của tình trạng này chính là việc trượt gói thầu 5.10 sân bay Long Thành vào tay đối thủ Ricons - Newtecons.
Về bất động sản, Coteccons năm nay đã chính thức nhảy vào thị trường địa ốc khi liên kết với Tập đoàn Lê Phong làm dự án nhà ở tại Bình Dương. Bất động sản là mảng có lợi nhuận rất tốt, song đáng buồn là dự án này chỉ có thể được bàn giao vào năm 2026, nghĩa là đừng nói tới năm tài chính 2024 mà trong vòng 2 năm tới, dự án bất động sản này cũng chưa đóng góp được gì vào lợi nhuận của Coteccons.
Một yếu tố quan trọng khác khiến mục tiêu lợi nhuận của Coteccons trở nên thách thức là trích lập dự phòng. Mặc dù những năm qua, công ty đã mạnh tay trích lập, đưa con số dự phòng lên hơn 1.000 tỷ đồng, song mọi chuyện vẫn chưa kết thúc. Tại Đại hội tháng 10/2023, Kế toán trưởng Cao Thị Mai Lê cho hay, năm tài chính 2024, Coteccons vẫn phải trích lập khoảng 90 tỷ đồng.
Với các yếu tố cản trở như vậy, thật khó để hình dung Coteccons sẽ thực thi tham vọng 274 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế hợp nhất trong năm tài chính 2024 như thế nào. Trong kinh doanh, mọi chuyện phải nói bằng con số, cổ đông Coteccons hay nhà đầu tư sẽ rất khó chấp nhận một sự hô hào, hay những biện giải thiên về định tính như những gì Ban lãnh đạo Coteccons đã trình bày trong suốt 2 kỳ đại hội năm 2023, thậm chí là những kỳ đại hội trước đó. Tất nhiên, mọi thứ cho tới thời điểm hiện tại mới chỉ là khởi đầu./.