Đấu thầu cung hàng, vàng vẫn tăng giá: 'Đơn thuốc' nào để trị cơn sốt?
Trái với kỳ vọng sẽ thu hẹp khoảng cách giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới, những phiên đấu thầu vàng miếng SJC của NHNN trong năm nay dường như đang gây hiệu ứng ngược khi giá vàng trong nước liên tục tăng "phi mã" những ngày qua.
Mãi một chiều tăng không giảm
Trước kỳ nghỉ lễ 30/4 – 1/5, giá vàng trong nước liên tục phá đỉnh. Trong phiên giao dịch cuối tuần, giá vàng miếng SJC được nhiều cơ sở kinh doanh vàng niêm yết ở mức 83 – 85,2 triệu đồng/lượng, tăng tới 1,5 triệu đồng/lượng chỉ sau một ngày.
Mức giá này của vàng miếng SJC cũng gần chạm mức giá cao nhất từ trước đến nay, tức 85,5 triệu đồng/lượng. Tốc độ tăng giá nhanh khiến giá vàng miếng SJC đắt hơn quốc tế lên hơn 13 triệu đồng/lượng thay vì chỉ 11 - 12 triệu đồng/lượng trước đó.
Trong khi giá vàng miếng SJC tăng mạnh thì ở một bên khác, thị trường vàng nhẫn cũng có những ngày “khó quên”.
Giá vàng nhẫn ở phiên giao dịch cuối tuần dao động trong khoảng từ 73,8 – 75,5 triệu đồng/lượng. Giá vàng nhẫn đã giảm tới gần 3 triệu đồng/lượng từ mức đỉnh lịch sử hơn 78 triệu đồng/lượng khiến đã tạo nên làn sóng “bắt đáy” tại nhiều nơi.
Tại Hà Nội, số lượng người mua vàng nhẫn tăng đột biến dẫn đến tình trạng “cháy hàng” tại nhiều cơ sở kinh doanh vàng. Thậm chí, có những cửa hàng vàng buộc phải treo biển “hết vàng nhẫn” để tránh mất thời gian của người mua.
Nhiều người buộc phải viết giấy hẹn với nhà vàng nhưng không biết ngày chính xác được nhận vàng. Đối với số ít những người may mắn được mua thì số lượng mua cũng chỉ vỏn vẹn 1 đến 2 chỉ vàng do “số lượng có hạn”.
Điều đáng nói là giá vàng trong nước đang tăng phi mã trong khi giá vàng thế giới lại lao dốc những ngày qua.
Để ổn định thị trường vàng, chỉ trong 1 tuần, NHNN đã đưa ra 3 phiên đấu thầu vàng miếng SJC. Tuy nhiên, duy chỉ có phiên ngày 23/4 có đủ số thành viên tham gia. Mặc dù vậy, cũng chỉ có 2 đơn vị trúng thầu với số lượng rất khiêm tốn, 3.400 lượng, tương ứng với khoảng 8% lượng vàng được mang ra đấu thầu.
Số lượng vàng này rõ ràng không đủ để thị trường “giải cơn khát vàng”. Cùng với đó, nhu cầu mua vàng trong dịp lễ 30/4 – 1/5 cũng tăng cao đã góp phần đẩy giá vàng trong nước lên mức cao kỷ lục.
Đơn thuốc nào cho thị trường vàng?
Thực tế đã chỉ ra rằng nỗ lực đấu thầu vàng miếng SJC để thu hẹp khoảng cách giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới của NHNN bước đầu chưa có tác động như kỳ vọng.
Theo tiết lộ của một DN kinh doanh vàng, thực tế, giá đấu thầu cao (gần 83 triệu đồng/lượng) và khối lượng trúng thầu tối thiểu (1.400 lượng, tương đương khoảng hơn 110 tỷ đồng) vượt quá sức bán trung bình mỗi ngày đã khiến số vàng đấu thầu như “miếng khoai nóng phỏng tay” mà không doanh nghiệp nào muốn cầm.
Khi đấu thầu vàng chưa có kết quả như mong đợi, đã có những đề xuất về các biện pháp khác với hy vọng “kìm cương” giá vàng.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, mặc dù phù hợp với tình hình hiện tại nhưng đấu thầu vàng chỉ là phương pháp hạ nhiệt tạm thời và muốn minh bạch thị trường vẫn cần phải có những biện pháp dài hơn hơn.
Trong chia sẻ với VietnamFinance, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng “một trong những điều cần làm bây giờ là sửa Nghị định 24 bởi môi trường kinh doanh vàng hiện tại đã có nhiều thay đổi đáng kể và Nghị định này không còn phù hợp nữa”.
Quan hệ cung – cầu vẫn chưa đạt được sự cân bằng và dù có cho các doanh nghiệp tham gia sản xuất vàng miếng đi nữa thì van vẫn bị đóng khi NHNN vẫn độc quyền nhập khẩu nguyên liệu, ông nói.
Trên thực tế, khó khăn về nguồn cung là vấn đề khiến nhiều đơn vị kinh doanh vàng “đau đầu”. Tại đại hội cổ đông năm nay, bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch Hội đồng quản trị PNJ, thừa nhận công ty gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn cung nguyên liệu vàng để kinh doanh.
“Khi đầu ra có dấu hiệu tích cực thì đầu vào lại trở thành vấn đề đáng lo ngại của chúng tôi. PNJ không bao giờ có dự trữ vàng để sản xuất trong năm, có những lúc PNJ không có vàng để chế tác và bán hàng”, Chủ tịch HĐQT PNJ cho hay.
TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, cho rằng “giải pháp căn cơ nhất, dài hạn nhất và phù hợp thông lệ quốc tế là phải cho xuất nhập khẩu vàng tự do, sản xuất kinh doanh vàng tự do”.
Theo TS Lê Xuân Nghĩa, các cơ quan quản lý nên cho phép một số công ty kinh doanh vàng bạc đủ điều kiện, tự xuất nhập khẩu và kinh doanh vàng miếng và vàng trang sức.
“Nhà nước nên trả lại vàng SJC cho chính thương hiệu sản xuất ra nó, để họ kinh doanh bình thường như các thương hiệu vàng khác trong nước. Chỉ có như vậy thì chúng ta mới có một thị trường vàng hoàn toàn ổn định”, ông cho hay.
Một giải pháp khác cũng được nhiều chuyên gia kinh tế đề xuất là xem xét thuế đối với kinh doanh vàng bạc. Theo GS – TS Trần Thọ Đạt, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, đã đến lúc Chính phủ cần dùng công cụ mạnh – thuế - để minh bạch thị trường vàng trong nước.
Trên thực tế, quy mô của thị trường vàng trong nước lớn nhưng số thuế thu được lại không tương xứng với quy mô đó. Chính vì thế, ông Đạt cho rằng cần đánh thuế hoạt động đầu tư vàng, mức thuế suất phải hợp lý để phát triển thị trường vàng, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên. Đồng thời, mọi hoạt động mua bán hàng hóa, dịch vụ đều phải có hóa đơn, chứng từ ghi nhận giao dịch, ông nói.