Tín dụng tăng cao, lãi suất huy động khó đứng yên
Số lượng nhà băng giảm lãi suất huy động ít dần, tốc độ giảm chậm lại cho thấy đã cạn dư địa hạ lãi suất đầu vào. Nhu cầu tín dụng tăng cao sẽ kéo lãi suất tiết kiệm nhích lên.
Lãi suất huy động hết dư địa giảm?
Trong năm 2024, lãi suất huy động liên tục tăng để thu hút tiền gửi. 2 tháng đầu năm 2025, các ngân hàng cũng rục rịch tăng lãi suất. Nhưng từ cuối tháng 2/2025, sau khi Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng hạ lãi suất huy động nhằm hỗ trợ giảm lãi suất cho vay, một làn sóng điều chỉnh lãi suất đã lan rộng trong hệ thống ngân hàng. Vì vậy, trong tháng 3 - 4/2025, nhiều ngân hàng điều chỉnh giảm lãi suất huy động 0,3% - 1%/năm tùy theo kỳ hạn.
Tuy nhiên, số lượng nhà băng giảm lãi suất đang chậm lại. Cụ thể, trong tháng 3/2025, số ngân hàng giảm lãi suất huy động là 20. Trong tháng 4/2025, số ngân hàng hạ lãi suất huy động thu hẹp còn 10. Sang tháng 5/2025, chỉ có 4 ngân hàng giảm lãi suất huy động, gồm: VPBank, MB, Eximbank và GPBank. Diễn biến này cho thấy dư địa giảm lãi suất huy động tại các nhà băng đã phần nào hạn hẹp.
Ở chiều ngược lại, một số nhà băng tư nhân có quy mô vừa và nhỏ lại rục rịch tăng lãi suất đầu vào trong bối cảnh nhu cầu tín dụng có dấu hiệu phục hồi. Có 3 ngân hàng tăng lãi suất huy động trong tháng 5/2025 là Techcombank, Bac A Bank và Eximbank. Trong đó, Eximbank có 3 lần tăng lãi suất huy động. Mặt bằng lãi suất tiết kiệm đang có xu hướng nhích lên nhẹ, tăng khoảng 0,1% - 0,3%/năm ở một số ngân hàng, nhưng chưa xảy ra cuộc đua tăng lãi suất như trong tháng 2/2025.
Nhìn chung, lãi suất huy động vẫn duy trì ở mức thấp nên mặt bằng lãi suất cho vay vẫn rất hấp dẫn. Trong báo cáo mới đây, Ngân hàng Nhà nước cho biết mặt bằng lãi suất cho vay tiếp tục có xu hướng giảm. Tính đến giữa tháng 4/2025, lãi suất cho vay bình quân với các khoản vay phát sinh mới của khối ngân hàng thương mại đạt khoảng 6,34%/năm, giảm 0,6 điểm phần % so với cuối năm 2024.

Dù nỗ lực kéo giảm mặt bằng lãi suất cho vay song Ngân hàng Nhà nước cũng thừa nhận, sức ép với lãi suất đang ngày càng lớn. Theo Ngân hàng Nhà nước, mặt bằng lãi suất trong thời gian tới sẽ phải đối mặt với nhiều áp lực. Cụ thể, lãi suất cho vay giảm mạnh thời gian qua khiến dư địa điều chỉnh tiếp trở nên hạn hẹp. Đồng thời, nhu cầu tín dụng dành cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng được dự báo sẽ tăng mạnh nhằm đáp ứng mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Trong khi đó, khả năng huy động vốn của toàn hệ thống tổ chức tín dụng có thể gặp khó khăn do sự cạnh tranh từ các kênh đầu tư hấp dẫn khác như bất động sản, thị trường chứng khoán... Rõ ràng, khi lãi suất huy động liên tục đi xuống, người dân sẽ không chuộng gửi tiết kiệm do có các kênh đầu tư khác hấp dẫn hơn. Như vậy, ngân hàng sẽ gặp khó trong huy động vốn và sẽ khó khăn khi muốn giảm lãi vay.
TS Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, đánh giá để phục vụ mục tiêu tăng trưởng năm 2025, ngành ngân hàng cần cho vay với lãi suất thấp. Đây là áp lực lớn khi lãi suất cho vay phải giảm tiếp để hỗ trợ nền kinh tế trong khi lãi suất huy động khó giảm thêm. Nếu giải quyết vấn đề không khéo, thanh khoản có thể bị ảnh hưởng.
Nhu cầu vốn tăng mạnh, lãi suất huy động đi lên
Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến 28/4/2025, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt 16,42 triệu tỷ đồng, tăng 5,15% so với đầu năm (cùng kỳ năm trước tăng 2,06%), cho thấy nhu cầu vốn đang dần phục hồi. Song lãi suất tiết kiệm được duy trì ở mức thấp kỷ lục trong thời gian qua cũng khiến tăng trưởng nguồn vốn huy động của các nhà băng chậm lại. Đến hết quý I/2025, tiền gửi vào nhà băng thấp hơn 1,1 triệu tỷ đồng so với tín dụng, gây áp lực cho hệ thống ngân hàng trong nhiệm vụ đáp ứng mục tiêu tăng trưởng kinh tế.
Tại một hội thảo hồi cuối tháng 2/2025, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết hiện ngành ngân hàng cho vay ra nền kinh tế nhiều hơn số dư huy động. Huy động được 9 đồng nhưng ngành ngân hàng cho vay 10 đồng, phần thiếu hụt còn lại là phải sử dụng cả vốn tự có và vốn tái cấp từ Ngân hàng Nhà nước. Để đủ nguồn lực phục vụ nền kinh tế, nhiều ngân hàng đã và đang tìm cách thu hút vốn qua các kênh khác như: phát hành trái phiếu, vay vốn từ tổ chức quốc tế, chia cổ tức bằng cổ phiếu và tăng vốn điều lệ.

Các chuyên gia cho rằng cần thẳng thắn nhìn nhận ngân hàng cũng là doanh nghiệp hoạt động vì lợi nhuận. Việc yêu cầu họ cắt giảm lợi nhuận để hỗ trợ doanh nghiệp không phải là điều dễ dàng. TS Nguyễn Minh Phong lưu ý, với vai trò quản lý trực tiếp, Ngân hàng Nhà nước nên định hướng các ngân hàng thương mại tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động để hạ lãi suất cho vay chứ không chỉ hạ lãi suất tiền gửi. Trong bối cảnh hiện nay, cần hướng tới hài hòa lợi ích, tập trung nhiều hơn vào sự đồng hành của ngân hàng với doanh nghiệp.
Giới chuyên gia cho hay lãi suất đầu vào sẽ tăng dần về cuối năm với kỳ vọng nền kinh tế sẽ tăng trưởng tích cực và tăng trưởng tín dụng sẽ đạt, thậm chí vượt mục tiêu đề ra là 16%.
Công ty Chứng khoán MB (MBS) dự báo lãi suất đầu vào dao động ở mức 5,5% - 6% vào cuối năm, tăng trưởng tín dụng trong năm nay sẽ đạt 17% - 18%, được thúc đẩy bởi sự phục hồi của ngành sản xuất và tiêu dùng nội địa và việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Còn theo Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), mặt bằng lãi suất huy động nhiều khả năng sẽ tăng khoảng 1 - 2 điểm % trong chu kỳ mới, bắt đầu từ quý IV/2025.
Công ty Chứng khoán VNDirect dự báo rằng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng có thể tăng lên mức 5,2% - 5,3%/năm vào cuối năm nay. Mục tiêu tăng trưởng GDP 8% sẽ kích thích các lĩnh vực kinh tế sôi động trở lại, dẫn đến cầu tín dụng tăng mạnh, buộc các ngân hàng phải nâng lãi suất huy động để đảm bảo nguồn vốn đầu vào. SSI Research cũng cho biết nhiều ngân hàng thương mại cổ phần đang chấp nhận thu hẹp biên lãi ròng để hỗ trợ khách hàng. Nhưng trong dài hạn sẽ phải điều chỉnh mặt bằng lãi suất đầu vào nếu muốn giữ vững ổn định tài chính.
Một yếu tố khác có thể khiến lãi suất tăng là áp lực từ tỷ giá và chính sách của các ngân hàng trung ương lớn. PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhận định việc lãi suất huy động tăng tất yếu sẽ kéo theo lãi suất cho vay đi lên, trở thành thách thức lớn đối với hệ thống ngân hàng trong năm nay. Bài toán đặt ra là làm sao vừa duy trì lãi suất thấp để hỗ trợ nền kinh tế vừa bảo đảm huy động đủ vốn để đáp ứng nhu cầu tín dụng, hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16% mà Ngân hàng Nhà nước đã đề ra.
Các chuyên gia kiến nghị để hỗ trợ tăng trưởng đạt mục tiêu đặt ra, bên cạnh chính sách lãi suất cần phải triển khai các giải pháp chính sách khác, bởi dư địa giảm lãi suất còn hạn hẹp, nếu điều chỉnh giảm sâu lãi suất, tiền gửi tìm đến kênh đầu tư khác có sinh lời cao hơn, vốn hỗ trợ cho tăng trưởng chắc chắn bị ảnh hưởng.
PGS.TS Nguyễn Hữu Huân (Đại học Kinh tế TP.HCM) cho rằng chúng ta cần có chiến lược dài hạn để phát triển thị trường vốn, tạo ra các kênh tài trợ bổ sung nhằm giảm sự phụ thuộc vào ngân hàng. Khi thị trường vốn mở rộng, sự mất cân đối trong cung - cầu vốn sẽ được cải thiện, thu hẹp khoảng cách giữa lãi suất huy động và cho vay. Ông Huân đề xuất xây dựng cơ chế thử nghiệm (sandbox) để thúc đẩy sự phát triển của các công ty công nghệ tài chính (Fintech), qua đó cắt giảm chi phí trung gian, góp phần giảm chênh lệch lãi suất và hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn dễ dàng hơn.