Đấu thầu thực hiện dự án: Số tỉnh có bộ tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư còn khiêm tốn
Theo rà soát nhanh của nhóm nghiên cứu NHQuang & Cộng sự, cho đến tháng 2/2022, số lượng các tỉnh có bộ tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư tham gia đấu thầu thực hiện dự án đối với các dự án đầu tư có sử dụng đất tại địa phương còn khiêm tốn.
Nhóm nghiên cứu NHQuang & Cộng sự cho rằng, việc sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên của quốc gia là một trong những nội dung được chỉ đạo thực hiện xuyên suốt trong chính sách phát triển kinh tế của Việt Nam.
Tuy nhiên, hoạt động đầu tư hiện chưa gắn với sử dụng đất đai, tài nguyên hiệu quả, bền vững và bảo đảm hài hoà lợi ích của người dân bị tác động. Tình trạng sử dụng tài nguyên lãng phí, kém hiệu quả mà nguyên nhân xuất phát từ hoạt động cấp phép, đầu tư thiếu chọn lọc, không cân nhắc đến các yếu tố, tiêu chí môi trường vẫn thường xuyên xảy ra.
Đơn cử như trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, nhiều dự án đầu tư trong lĩnh vực khai khoáng được cấp phép khai thác trong khi các máy móc, công nghệ vô cùng lạc hậu, không khai thác được triệt để giá trị của nguồn tài nguyên, gây lãng phí, thất thoát nguồn lực đất nước cũng như ảnh hưởng đến môi trường.
Trong khi, tỷ lệ thu hồi khoáng sản hiện nay chưa cao gây lãng phí tài nguyên và nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Theo thống kê của Bộ Khoa học và Công nghệ, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai thác và chế biến khoáng sản chỉ dành khoảng 0,01% tổng doanh thu dành cho đầu tư đổi mới công nghệ. Ở nhiều địa phương không có các tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư hoạt động trong khai thác khoáng sản. Qua đó, nhiều doanh nghiệp không đủ năng lực cả về tài chính, thiết bị, công nghệ lẫn kinh nghiệm nhưng vẫn được cấp mỏ, khai thác và chế biến bằng công nghệ lạc hậu. Kết quả là, việc chế biến thô sơ không phù hợp với đặc điểm và thành phần khoáng vật của quặng nên mức độ thu hồi thấp và không thu hồi được khoáng vật đi kèm.
“Việt Nam có nguồn tài nguyên khoáng sản được đánh giá tương đối đa dạng với 60 loại khoáng sản thuộc hơn 5.000 điểm mỏ được phát hiện và khai thác. Nếu không thay đổi phương pháp lựa chọn để cấp phép cho nhà đầu tư hoạt động khai thác khoáng sản thì công nghệ khai thác của nước ta vẫn còn lạc hậu, chưa tương xứng với giá trị của tài nguyên khoáng sản và gây ô nhiễm môi trường”, nhóm nghiên cứu NHQuang & Cộng sự khuyến cáo.
Một số quy định của Luật Đất đai, Luật Đầu tư hiện còn chưa thống nhất với nhiều luật khác nên đã gây khó khăn trong việc thực hiện các dự án đầu tư có sử dụng đất cũng như bảo đảm quyền lợi của nhà đầu tư cũng như người dân ở những nơi thực hiện dự án đầu tư. Đặc biệt là công tác đền bù, bồi thường cho người dân trong quá trình giải phóng mặt bằng.
Ngoài ra, chính sách đất đai nông nghiệp trong quá khứ là “người cày có ruộng” để chia đất cho mọi người, phù hợp với thực tế về năng lực, công nghệ sản xuất nông nghiệp trong thời kỳ trước là manh mún.
Cơ chế chuyển dịch đất đai, bồi thường, giá đất bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất chưa phù hợp với cơ chế thị trường. Các quy định hiện hành cũng chưa tạo điều kiện để doanh nghiệp - Nhà nước - người dân có thể hợp tác với nhau trong các dự án đầu tư có sử dụng đất.
Việc không thực hiện có hiệu quả công tác bồi thường về đất, hỗ trợ, tái định cư gây khả năng ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người dân bị thu hồi đất đã gây tranh chấp đất đai tại nhiều địa phương như Văn Giang (Hưng Yên), Thủ Thiêm (TP Hồ Chí Minh), Cần Giuộc (Long An)...
Tính từ năm 2009 - 2011 đã có 700 nghìn khiếu kiện liên quan đến đất đai, chiếm đến 70% các vụ khiếu kiện về hành chính ở Việt Nam. Giai đoạn 2013 - 2020, số đơn thư khiếu nại, tố cáo, tranh chấp, vi phạm pháp luật về đất đai chiếm từ 60% - 70% tổng số đơn khiếu nại, tố cáo. Trong đó, nội dung đơn chủ yếu là về bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế xã hội.
Đáng chú ý, theo nhóm nghiên cứu NHQuang & Cộng sự, những hạn chế về quyền tiếp cận thông tin về đất đai liên quan đến các dự án đầu tư, hay nói cách khác, là công khai minh bạch thông tin về đất đai còn hạn chế ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân cũng như hoạt động của doanh nghiệp.
Để khắc phục tình trạng này, Nghị định 25/2020/NĐ-CP đã đưa ra các hướng dẫn cho các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp đối với việc tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư trong các dự án đầu tư theo hình thức PPP, dự án có sử dụng đất để xây dựng nhà ở thương mại; công trình thương mại, dịch vụ; công trình đa năng, tổ hợp đa năng cho mục đích kinh doanh và các dự án khác theo quy định của pháp luật chuyên ngành, pháp luật xã hội hoá.
Trong đó, nghị định này đã đưa ra phương pháp lợi ích xã hội trong phương pháp đánh giá về tài chính thương mại trong hồ sơ thầu của dự án.
“Tuy nhiên, để có thể thực hiện được tốt việc đánh giá lợi ích xã hội của dự án thì cần phải có những hướng dẫn cụ thể hơn để cơ quan quản lý Nhà nước và nhà đầu tư cần có những tiêu chí đánh giá để có thể nâng cao được chất lượng của hồ sơ thầu. Qua đó có thể nâng cao được trách nhiệm của nhà đầu tư đối với việc thực hiện dự án.
Qua rà soát nhanh, cho đến tháng 2/2022, số lượng các tỉnh có bộ tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư tham gia đấu thầu thực hiện dự án đối với các dự án đầu tư có sử dụng đất tại địa phương còn khiêm tốn”, nhóm nghiên cứu NHQuang & Cộng sự nhận định.