Đầu tư gần 20.000 tỷ làm cao tốc TP.HCM - Mộc Bài
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký quyết định số 760/QĐ-TTg phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng đường cao tốc TP. HCM - Mộc Bài (giai đoạn 1) theo hình thức hợp đồng BOT.
Tuyến cao tốc TP. HCM - Mộc Bài có tổng chiều dài khoảng 51 km. Trong đó, điểm đầu kết nối với đường Vành đai 3 - TP. HCM thuộc huyện Củ Chi; điểm cuối giao với Quốc lộ 22 (khoảng Km53+850) thuộc huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh.
Dự án chia thành 4 dự án thành phần.
Dự án thành phần 1 là đầu tư xây dựng đường cao tốc TP. HCM - Mộc Bài giai đoạn 1 theo phương thức đối tác công tư (hợp đồng BOT), tổng mức đầu tư 10.421 tỷ đồng (vốn nhà đầu tư 9.943 tỷ đồng, chiếm 95,41%; vốn ngân sách 478 tỷ đồng, chiếm 4,59%).
Dự án thành phần 2 là đầu tư xây dựng đường gom dân sinh, cầu vượt ngang đường cao tốc, tổng mức đầu tư 2.422 tỷ đồng theo phương thức đầu tư công.
Dự án thành phần 3 là bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cao tốc TP. HCM - Mộc Bài đoạn qua TP. HCM, tổng mức đầu tư 5.270 tỷ đồng theo phương thức đầu tư công.
Dự án thành phần 4 là bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cao tốc TP. HCM - Mộc Bài đoạn qua tỉnh Tây Ninh, tổng mức đầu tư 1.504 tỉ đồng theo phương thức đầu tư công.
Dự kiến thời gian chuẩn bị đầu tư và thực hiện dự án từ năm 2024 đến năm 2027. Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án là 19.617 tỷ đồng. Phần vốn nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án chịu trách nhiệm thu xếp khoảng 9.943 tỷ đồng; trong đó, vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư khoảng 1.491 tỷ đồng, chiếm 15% tổng mức đầu tư dự án.
Phần vốn nhà nước tham gia trong dự án khoảng 9.674 tỷ đồng; trong đó, nguồn vốn ngân sách trung ương khoảng 2.872 tỷ đồng và ngân sách địa phương (ngân sách TP. HCM) khoảng 6.802 tỷ đồng.
Mục tiêu của dự án là đáp ứng nhu cầu vận tải, giảm tải và đảm bảo an toàn giao thông trên Quốc lộ 22; hoàn thành và đưa vào khai thác đồng bộ các tuyến đường vành đai có năng lực lớn, an toàn giao thông và tốc độ cao trên hành lang vận tải TP. HCM- Tây Ninh.
Dự án góp phần phát triển chuỗi công nghiệp - đô thị Mộc Bài - TP. HCM - Cảng Cái Mép - Thị Vải gắn với hành lang kinh tế Xuyên Á; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của TP. HCM và Tây Ninh nói riêng và các tỉnh vùng Đông Nam bộ nói chung.
Dự án tạo động lực liên kết, thúc đẩy hợp tác và phát triển vùng Đông Nam bộ với đồng bằng sông Cửu Long, khu vực Tây Nguyên và Nam Trung bộ; tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông đường bộ theo quy hoạch; góp phần đảm bảo an ninh - quốc phòng.