Đầu tư gần 7.000 tỷ làm tuyến cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang

UBND tỉnh Hà Giang vừa có công văn đề nghị Thủ tướng Chính phủ đưa tuyến cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang vào Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 – 2030 định hướng đến năm 2050 và thực hiện đầu tư trước năm 2030.

 

Đầu tư gần 7.000 tỷ làm tuyến cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang - Ảnh 1

Tuyến cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang có điểm đầu tại TP. Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang; điểm cuối tại cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy, tỉnh Hà Giang có chiều dài khoảng 165 km được đề xuất đầu tư theo tiêu chuẩn đường ô tô cao tốc, vận tốc thiết kế 80 – 100 km/h. Tuyến có mặt cắt ngang 4 làn xe, chiều rộng nền đường 17 mét, dự kiến phân kỳ đầu tư theo 2 giai đoạn.

Trong giai đoạn 1 (2021 – 2025), UBND tỉnh Hà Giang kiến nghị Thủ tướng cho phép đầu tư xây dựng mới đường nối Hà Giang với cao tốc Tuyên Quang – Phú Thọ, với chiều dài khoảng 106 km (đoạn từ TP. Tuyên Quang đến Tân Quang, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang); giải phóng mặt bằng với quy mô hoàn chỉnh 17m, trước mắt xây dựng 2 làn xe, rộng 12 m.

Tổng mức đầu tư Dự án giai đoạn 1 là 6.996 tỷ đồng, trong đó, địa phận Tuyên Quang (75 km), có tổng mức đầu tư 4.950 tỷ đồng; địa phận Hà Giang (31 km) có tổng mức đầu tư 2.046 tỷ đồng, được huy động từ Ngân sách Trung ương (nguồn vốn ODA) và ngân sách địa phương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025.

Được biết, do vị trí địa lý và yếu tố địa hình, Hà Giang hiện chỉ có tuyến Quốc lộ 2 kết nối Hà Giang với thủ đô Hà Nội và các tỉnh, các loại hình vận tải khác chưa được đầu tư phát triển. Về đường cao tốc kết nối với thủ đô Hà Nội và các tỉnh trong vùng đã được Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu và đề xuất nhưng chưa được quy hoạch và đầu tư xây dựng trong giai đoạn 2021 – 2025.

Hiện nay, tỉnh Tuyên Quang địa phương giáp ranh với tỉnh Hà Giang đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang – Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài – Lào Cai và đã chính thức khởi công xây dựng.

Theo lãnh đạo tỉnh Hà Giang, trong thời gian tới, Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy, tỉnh Hà Giang sẽ là điểm trung chuyển hàng hóa quan trọng giữa Việt Nam và Trung Quốc cũng như một số nước trong khu vực ASEAN, trong khi phía Trung Quốc đã đầu tư xây dựng đường cao tốc đến cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy.

Hiện Quốc lộ 2 là tuyến đường duy nhất kết nối từ Thủ đô Hà Nội đến cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy chỉ có quy mô đường cấp III miền núi, nhiều vị trí đường cong có bán kính nhỏ, độ dốc dọc lớn, địa hình phức tạp, thường xuyên xảy ra sạt lở đất, dân cư sinh sống dọc hai bên đường, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Mặt khác, trên Quốc lộ 2 có lúc, có nơi đã mãn tải, lưu lượng phương tiện quy đổi (số liệu đếm xe tháng 4/2021 tại Km218, Quốc lộ 2) vượt xấp xỉ 1,4 lần so với lưu lượng theo thiết kế ban đầu.

Bảo Châu

Theo Kinh doanh & Phát triển