Đầu tư nửa cuối năm: Trong cơ có nguy
Chỉ số VN-Index hoàn toàn có thể đạt được mốc kỳ vọng trung bình quanh 1.350 điểm. Tuy nhiên, mốc này đạt được tại thời điểm nào trong nửa cuối năm 2024 và có duy trì được hay không lại là một vấn đề khác.
Đồng thuận “tăng”
Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam nửa đầu năm 2024 có thể chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn đầu kéo dài đến hết quý I, chỉ số VN-Index tiếp nối xu hướng hồi phục từ cuối năm 2023 nhờ các động lực đến từ mặt bằng lãi suất thấp và kinh tế phục hồi. Sang giai đoạn sau, áp lực tỷ giá, xu hướng tăng trở lại của mặt bằng lãi suất huy động, cùng động thái bán ròng của khối ngoại khiến thị trường biến động trồi sụt và điều chỉnh về cuối quý. Kết thúc nửa đầu năm 2024, chỉ số VN-Index tăng 10%.
Hướng mắt về những diễn biến tiếp theo của TTCK trong nửa cuối năm, nhìn chung, các công ty chứng khoán đồng thuận rằng thị trường sẽ diễn biến tích cực trong nửa cuối năm.
Theo đó, Công ty Chứng khoán MB (MBS) tin tưởng rằng thị trường chưa đạt đỉnh và dự đoán VN-Index sẽ tiếp tục tăng trưởng, chạm mức 1.350 - 1.380 điểm vào cuối năm. Niềm tin này dựa trên mức định giá hấp dẫn của các cổ phiếu vốn hóa lớn và tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp vốn hóa lớn trong giai đoạn 2024-2025.
Công ty Chứng khoán SSI cũng có cái nhìn tích cực, khi cho rằng các yếu tố cơ bản đang chuyển biến tích cực hơn kỳ vọng, đặc biệt là đà hồi phục kinh tế. Cùng với đó, áp lực rút vốn ngoại có thể giảm bớt trong thời gian tới, củng cố thêm mục tiêu VN-Index đạt 1.300 - 1.350 điểm vào cuối năm, với niềm tin vào sự hỗ trợ từ các yếu tố như tăng lương cơ sở, kích cầu tiêu dùng và cải thiện hoạt động xuất khẩu.
Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cũng đồng tình với quan điểm tích cực, cho rằng thị trường đang trong giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng đi lên và VN-Index có thể sớm vượt qua ngưỡng 1.300 điểm. Yuanta kỳ vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ sớm hạ lãi suất và các dữ liệu vĩ mô tích cực sẽ là yếu tố hỗ trợ cho đà tăng trưởng của VN-Index trong quý III/2024.
Trong khi đó, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cũng dự báo VN-Index sẽ đạt 1.320 điểm vào cuối năm. Theo KBSV, xu hướng thị trường sẽ biến động giằng co trong quý III và có thể xuất hiện các nhịp điều chỉnh đáng kể giai đoạn giữa quý, trước khi quay trở lại xu hướng tăng trong quý IV. Lý do là áp lực tỷ giá, lãi suất vẫn sẽ căng thẳng trong ít nhất nửa đầu quý III và sẽ chỉ dần hạ nhiệt khi bước vào quý IV, nhờ dòng ngoại tệ đến từ kiều hối, mùa xuất khẩu cao điểm dịp cuối năm cũng như việc FED hạ lãi suất.
Công ty Chứng khoán VNDIRECT lạc quan hơn khi nhấn mạnh không loại trừ khả năng thị trường vượt 1.400 điểm nếu các yếu tố thuận lợi như tăng trưởng kinh tế vượt kỳ vọng, kết quả kinh doanh doanh nghiệp cải thiện và FED giảm lãi suất cùng xuất hiện. Còn trong kịch bản cơ sở, VNDIRECT cũng cho rằng VN-Index sẽ kết năm ở 1.300 - 1.350 điểm.
Như vậy, có thể thấy sự đồng thuận rất cao của các công ty chứng khoán về triển vọng của VN-Index cuối năm nay, rằng chỉ số này sẽ không dưới 1.300 điểm, có thể đạt quanh mốc 1.350 điểm và trong kịch bản tích cực có thể tiệm cận mốc 1.400 điểm.
Thử tư duy ngược
Trước tiên, phải khẳng định rằng dự đoán của các công ty chứng khoán là có cơ sở và chỉ số VN-Index hoàn toàn có thể đạt được mốc kỳ vọng trung bình quanh 1.350 điểm. Tuy nhiên, mốc này đạt được tại thời điểm nào trong nửa cuối năm 2024 và có duy trì được hay không lại là một vấn đề khác. Trên thực tế, TTCK Việt Nam xoay chuyển rất nhanh, giai đoạn này có thể được dẫn dắt bởi một vài yếu tố nhưng sang đến giai đoạn sau, các yếu tố đó lại tự cân bằng và không còn dẫn dắt thị trường nữa, nhường chỗ cho các yếu tố khác. Thậm chí, không ít thời điểm xuất hiện các sự kiện bất ngờ và có tác động dây chuyền rất lớn mà cho đến mãi sau này, nhà đầu tư nhìn nhận ra thì đã muộn.
Hiện nay, yếu tố phục hồi kinh tế (bao gồm cả đà đi lên của lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết) đang là yếu tố quan trọng nhất dẫn dắt TTCK đi lên. Song hành cùng với yếu tố này, kỳ vọng về việc FED giảm lãi suất trong tháng 9, từ đó giảm áp lực lên tỷ giá USD/VND cũng là chất xúc tác quan trọng cho đà đi lên, bên cạnh một số yếu tố khác mang tính chính sách đến từ nỗ lực của Quốc hội, Chính phủ.
Tuy nhiên, cần tính đến kịch bản các yếu tố trên không còn là “cây đũa thần” duy trì đà tăng cho VN-Index.
Trong một phân tích gần đây, Công ty Quản lý quỹ đầu tư SGI Capital lưu ý rằng dữ liệu kinh tế quý II/2024 tiếp tục cho thấy nền kinh tế tiếp tục hồi phục ở nhiều lĩnh vực sản xuất và tiêu dùng với nền so sánh cùng kỳ thấp. Tuy vậy, các động lực tăng trưởng chính vẫn yếu như đầu tư công tăng chậm, thị trường bất động sản có thanh khoản thấp và tín dụng ngân hàng tăng trưởng khó khăn.
Một yếu tố khác cần lưu ý là chênh lệch ngày một lớn giữa huy động và tín dụng toàn hệ thống đang khiến hệ số LDR của toàn ngành ngân hàng căng thẳng hơn. Áp lực tăng mạnh lãi suất huy động có thể xảy ra khi tín dụng tăng tốc. Cộng với đà tăng của nợ xấu, thanh khoản chung của hệ thống ngân hàng có thể sẽ khó khăn hơn về cuối năm, đặc biệt là nhóm ngân hàng vừa và nhỏ.
SGI Capital dẫn báo cáo về thị trường trái phiếu doanh nghiệp của FiinRatings rằng áp lực tài chính đối với nhiều nhóm doanh nghiệp có tỷ lệ nợ xấu trái phiếu cao vẫn tiếp diễn trong 2024 và 2025, nhất là bất động sản và năng lượng. Như vậy, nền tảng lãi suất thấp chỉ mới tạo ra hiệu ứng kích thích tiền đầu tư, còn các doanh nghiệp khó khăn đang cần tái cơ cấu nợ chưa được hưởng lợi nhiều, do đó vẫn đối mặt rủi ro thanh khoản cục bộ.
Ngoài ra, SGI Capital lên tiếng cảnh báo về vấn đề dòng tiền, khi thanh khoản thị trường đã đi qua vùng cao nhất (trong bối cảnh nền lãi suất chạm đáy) và đang có xu hướng giảm mạnh, cộng thêm đà bán ròng kỷ lục của khối ngoại và cổ đông nội bộ cũng như cổ đông dài hạn có xu hướng tăng cường bán ra cổ phiếu.
Quỹ đầu tư này thậm chí còn cho rằng việc FED giảm lãi suất có thể tạo ra sự hào hứng ban đầu nhưng sau đó có thể là tín hiệu đánh dấu nền kinh tế Mỹ bước vào suy thoái. Với những hạn chế hiện hữu trong nước và khả năng suy thoái toàn cầu đang tăng lên, SGI Capital cho rằng cơ hội đầu tư tốt trở nên khan hiếm trong khi rủi ro đang tăng lên, do đó sẽ cần kiên nhẫn và thận trọng hơn với thị trường trong thời gian tới.
Thị trường chứng khoán ‘chia lại ván mới’?
Tài chính
(VNF) - Việc thị trường chứng khoán “phản ứng lạ” từ ngày 16/7 tới nay, nếu nhìn lại, có thể hàm ý sự thay đổi quan điểm của “dòng tiền lớn”.