Đầu tư PPP: Còn nhiều bất cập và đang có dấu hiệu chững lại
Theo nghiên cứu của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) còn nhiều bất cập và đang có dấu hiệu chững lại. Cho đến nay vẫn chưa có một kế hoạch chiến lược, trung và dài hạn cho PPP.
4 hạn chế bất cập tạo rào cản
Sáng 13/7, VCCI và USAID đã phối hợp tổ chức hội thảo “Tháo gỡ rào cản chính sách để thực hiện tốt Luật PPP”.
Nghiên cứu của VCCI và USAID được trình bày tại hội thảo nhấn mạnh: Qua các số liệu thống kê tại các cơ quan hữu quan, đầu tư PPP còn nhiều bất cập và đang có dấu hiệu chững lại.
Cho đến nay vẫn chưa có một kế hoạch chiến lược, trung và dài hạn cho PPP. Do đó, việc triển khai PPP chưa có định hướng rõ ràng dẫn đến tư duy ngại khó, các dự án cơ sở hạ tầng chưa có thứ tự ưu tiên.
Nghiên cứu đã chỉ rõ 4 hạn chế, tạo rào cản chính sách để thực hiện tốt Luật PPP, bao gồm: Nhà đầu tư phải bỏ vốn chủ sở hữu và vốn vay để thực hiện trước; sự bất cập trong bình đẳng giữa các bên thực thi dự án; sự thiếu đồng bộ, đầy đủ trong quy định các hợp đồng dự án và những bất cập trong cơ chế giải quyết tranh chấp.
Đáng chú ý, theo Luật PPP, vốn đầu tư công hỗ trợ xây dựng hạng mục công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng chỉ được thanh toán cho khối lượng hạng mục hoàn thành đã được cơ quan ký kết hợp đồng dự án PPP xác nhận. Đồng nghĩa với việc đầu tư phải bỏ vốn chủ sở hữu và vốn vay để thực hiện trước. Điều này không tạo hấp dẫn với nhà đầu tư và làm chậm tiến độ thực hiện dự án PPP.
Đơn cử, Bộ Giao thông vận tải cho biết, trong số 3 dự án PPP cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, hiện chỉ có cao tốc đoạn Nha Trang - Cam Lâm có sản lượng thực hiện đạt 31,9% giá trị hợp đồng, đáp ứng kế hoạch đề ra.
Tốc độ thực hiện Dự án PPP cao tốc đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt mới đạt 6,6% giá trị hợp đồng, chậm 1,9% so với tiến độ điều chỉnh.
Nguyên nhân chậm tiến độ chủ yếu do nhà đầu tư gặp khó khăn trong việc thu xếp nguồn vốn tín dụng. Nhà đầu tư phải dồn toàn bộ nhân lực, vật lực thi công để bù tiến độ bị chậm, trong bối cảnh nguyên vật liệu biến động bất thường, giá xăng dầu tăng mạnh.
Luật PPP cũng chưa quy định rõ ràng và chi tiết về trách nhiệm của Nhà nước trong trường hợp chậm giải ngân theo tiến độ.
“Sự chiếm ưu thế của Nhà nước trong mối quan hệ với doanh nghiệp thực hiện dự án PPP thể hiện ở việc chỉ có cơ quan ký kết hợp đồng dự án (cơ quan Nhà nước) mới có quyền yêu cầu Kiểm toán Nhà nước thực hiện việc kiểm toán. Trong khi cả hai bên đều bình đẳng trong quan hệ hợp đồng”, đánh giá của VCCI và USAID chỉ rõ.
Hiện, chưa có sự đồng bộ và đầy đủ về việc quy định các các hợp đồng dự án trong trong pháp luật PPP hiện hành.
Luật PPP và các văn bản hướng dẫn thi hành chưa đưa ra được các điều khoản quy định cụ thể, chi tiết, đầy đủ, minh bạch đã gây không ít trở ngại cho nhà đầu tư, doanh nghiệp trong quá trình ký kết cũng như thực hiện hợp đồng dự án.
Cùng với đó, trong quá trình xây dựng, quản lý, khai thác, vận hành công trình dự án PPP vẫn còn một số bất cập liên quan đến cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu.
Ví dụ, khi xác định phần doanh thu tăng, giảm mà phát sinh bất đồng quan điểm giữa các chủ thể có liên quan, đặc biệt là giữa cơ quan Nhà nước và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án thì cơ quan nào sẽ có thẩm quyền giải quyết? Tòa án hay trọng tài thương mại hay một cơ quan hành chính Nhà nước nào đó?
Cần nghiên cứu kỹ lưỡng rủi ro phát sinh để kiểm soát hiệu quả
Nghiên cứu của VCCI và USAID khuyến nghị: Để thực hiện một dự án PPP hiệu quả, bên cạnh các yếu tố về tính chất dự án, tài chính, nguồn lực, nhà đầu tư cũng cần nghiên cứu kỹ lưỡng về những rủi ro có thể phát sinh để có phương án kiểm soát hiệu quả, hạn chế tối đa các tranh chấp không đáng có.
Cần có sự đồng bộ về mặt hành lang pháp lý, cơ chế hỗ trợ thực hiện quy định pháp luật cùng các quy định khác bảo đảm và kích thích nhu cầu đầu tư của các chủ đầu tư và việc thu lại lợi nhuận.
Cơ quan Nhà nước cần thay đổi tư duy quản lý kinh tế, tăng cường thêm các thể chế xúc tiến, phát triển thị trường hợp tác công tư PPP.
Theo kinh nghiệm quốc tế, phần Nhà nước tham gia thực hiện dự án được bố trí theo các hình thức khác, chẳng hạn bù đắp thiếu hụt tài chính (mô hình Canada, Mexico, Indonesia); dòng ngân sách riêng dành cho các dự án PPP (Hàn Quốc, Ấn Độ, Brazil). Do vậy cần có những hình thức kích thích sự phát triển của hình thức đầu tư phù hợp dựa trên nhu cầu thực tiễn của từng nhóm nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, mối quan hệ công tư giữa Nhà nước và khu vực tư nhân cần phải có sự thay đổi để thích ứng với tình hình thời cuộc. Ghi nhận rõ ràng hơn cơ chế chia sẻ rủi ro của Chính phủ đối với nhà đầu tư.
Đẩy mạnh việc công khai, minh bạch thông tin ở tất cả các bước và tăng cường kiểm tra, thanh tra, kiểm toán dự án PPP.
Cần có quy định rõ ràng về trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và tăng cường công tác chọn lựa nhà thầu.