Đầu tư sân bay Quảng Trị theo hình thức PPP: Ai lợi?
Đặt câu hỏi vốn Nhà nước, vốn tư nhân bao nhiêu nêu đầu tư sân bay Quảng Trị, chuyên gia lo xảy ra tình trạng
UBND tỉnh Quảng Trị vừa có công văn đồng ý về mặt chủ trương để một tập đoàn đoàn khảo sát, nghiên cứu hồ sơ đề xuất dự án đầu tư xây dựng cảng hàng không Quảng Trị.
Trước đó, theo tính toán, sân bay Quảng Trị có vị trí tại xã Giao Quang và xã Gio Mai, huyện Gio Linh, Quảng Trị, là sân bay cấp 4C đối với hoạt động khai thác dân dụng và sân bay cấp II đối với hoạt động quân sự
Đây là cảng hàng không nội địa có chức năng vận chuyển hành khách, hàng hóa nội địa và là sân bay dùng chung dân dụng và quân sự được xây dựng trên diện tích 594 ha.
Để xây dựng mới sân bay này đáp ứng quy mô quy hoạch nói trên cần khoảng 8.014 tỷ đồng; nguồn vốn dự kiến huy động từ ngân sách Nhà nước, vốn doanh nghiệp, PPP.
Hoan nghênh chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa hạ tầng hàng không, tuy nhiên, theo chuyên gia logistics - TS Lê Văn Bảy nếu khuyến khích xã hội hóa thì tốt nhất là tư nhân nên bỏ tiền hoàn toàn để sân bay, lời ăn lỗ chịu, giống như cách xây dựng sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh).
Trong trường hợp xây dựng sân bay Quảng Trị theo hình thức PPP, vị chuyên gia đặt câu hỏi: Ngân sách Nhà nước bao nhiêu? Vốn doanh nghiệp bao nhiêu?
Đặt ra câu hỏi này, theo TS Lê Văn Bảy, là vì ông lo ngại có thể xảy ra tình trạng "cò gỗ mổ cò thật".
Phối cảnh cảng hàng không Quảng Trị. |
"Giả sử tỷ lệ vốn ngân sách với vốn doanh nghiệp là 50:50 mà tư nhân không có đồng nào, phải đi vay ngân hàng để làm sân bay thì rất không ổn. Tiền ngân hàng suy cho cùng cũng là nguồn lực quốc gia, thậm chí nếu ngân hàng chủ yếu đem tín dụng cho một vài "ông lớn vay, khi "ông lớn" ấy gặp vấn đề không trả được nợ, ngân hàng cũng gặp rủi ro theo, lúc ấy Nhà nước lại phải cứu thì rất không ổn.
Mặt khác, nếu Nhà nước cùng tham gia góp vốn đầu tư làm sân bay thì lấy tiền ở đâu? Có quá nhiều thứ phải chi, và Nhà nước phải tập trung nguồn lực vào những vấn đề lớn của quốc gia, đầu tư vào lĩnh vực nào sao cho hiệu quả.
Đối với những dự án như thế này, thường nguồn vốn ngân sách sẽ được thu xếp theo kiểu một phần ngân sách tỉnh, còn lại sẽ đổi đất lấy hạ tầng. Khi tỉnh trả cho nhà đầu tư bằng đất, có thể là vùng đất xung quanh sân bay, nhà đầu tư sẽ bán đất lấy lời để bù vào tiền làm sân bay. Thường thì hiệu quả từ khu đất đó sẽ nhiều hơn", TS Lê Văn Bảy chỉ rõ.
Theo vị chuyên gia, kinh nghiệm cho thấy phải có lãi thì tư nhân mới đầu tư. Nếu xã hội hóa hạ tầng hàng không, vậy tư nhân nhận đầu tư phần nào, phần nào của Nhà nước?
Trong trường hợp tư nhân chỉ đầu tư những phần dễ sinh lợi như nhà ga, còn phần xương xẩu, cần vốn lớn, lại sinh lời chậm như khu bay, đường cất hạ cánh giao về cho Nhà nước thì Nhà nước rất thiệt thòi, khó có vốn để tái đầu tư. Do đó, nếu tư nhân đầu tư sân bay thì phải đầu tư đồng bộ cả khu bay và nhà ga hành khách.
Một điểm quan trọng khác được TS Lê Văn Bảy đặt ra, đó là Quảng Trị đã có sân bay Ái Tử (huyện Triệu Phong), tại sao địa phương không tận dụng mà lại xây mới?
Hơn nữa, xây dựng sân bay mới thì nó sẽ nằm giữa sân bay Phú Bài (Thừa Thiên Huế) và sân bay Đồng Hới (Quảng Bình), đi cao tốc chỉ mất chừng 1 tiếng cho quãng đường chưa đầy 100km.
Cụ thể, sân bay Quảng Trị cách sân bay Đồng Hới khoảng 93km về phía Bắc và cách sân bay quốc tế Phú Bài khoảng 88km về phía Nam.
"Việc quy hoạch cảng hàng không quá dày đặc sẽ gây lãng phí nguồn lực. Đặc biệt khi các sân bay quá gần nhau, vùng không lưu để điều phối máy bay lên xuống rất phức tạp", TS Bảy cảnh báo và cho rằng khi đã thấy trước dự án không hiệu quả thì tốt nhất là không nên làm.
Vào tháng 7/2020, Cục Hàng không Việt Nam đã đề nghị Bộ GTVT phê duyệt quy hoạch Cảng hàng không Quảng Trị giai đoạn đến năm 2030.
Cục Hàng không Việt Nam đề xuất xây dựng tại Cảng hàng không Quảng Trị 1 đường cất hạ cánh kích thước 2.400 m x 45m, lề đường cất hạ cánh rộng 7,5 m mỗi bên, hướng 04 – 22, kết cấu đường cất hạ cánh đảm bảo khai thác tàu bay A320/321 và tương đương; 1 sân đỗ đáp ứng tối thiểu 5 vị trí đỗ tàu bay A320/321; các công trình đảm bảo hoạt động bay đồng bộ theo đúng tiêu chuẩn của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế.
Cảng hàng không Quảng Trị được quy hoạch xây dựng 1 nhà ga hành khách tại khu vực phía Nam sân đỗ tàu ba, quy mô 2 cao trình, tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 10.000 m2, công suất 1 triệu hành khách/năm và có đất dự trữ mở rộng khi có nhu cầu…
Mục tiêu của dự án xây dựng Cảng hàng không/sân bay nội địa tại Quảng Trị nhằm hoàn thiện hệ thống giao thông vận tải, tạo động lực quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thúc đẩy phát triển du lịch. Khai thác tiềm năng lợi thế một tỉnh ven biển có chiều dài bờ biển 75km, thu hút đầu tư vào khu kinh tế trọng điểm, thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế đến với Quảng Trị, đặc biệt là du lịch tâm linh.
Thành Luân