Đề xuất chia sẻ phần giảm doanh thu tại dự án PPP
Trình tự Nhà nước chia sẻ phần giảm doanh thu tại các dự án PPP được đề xuất theo 4 bước, có sự tham gia của Kiểm toán Nhà nước.
Đây là một trong những nội dung quan trọng tại dự thảo Nghị định quy định cơ chế quản lý tài chính dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) đang được Bộ Tài chính xin ý kiến các bộ, ngành liên quan.
Dự thảo Nghị định do Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo gồm 8 Chương, 25 Điều và 4 Phụ lục, tập trung vào 4 nội dung chính: quy định phương án tài chính dự án PPP; quy định việc quản lý, sử dụng thanh toán, quyết toán vốn nhà nước trong dự án PPP; quy định về quyết toán vốn đầu tư dự án PPP hoàn thành; quy định về cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu.
Nguồn để thực hiện chia sẻ phần giảm doanh thu của nhà nước từ dự phòng ngân sách trung ương hoặc dự phòng ngân sách địa phương theo nguyên tắc như đối với phần tăng doanh thu mà doanh nghiệp chia sẻ nêu trên.
Về trình tự thực hiện, Dự thảo Nghị định đề xuất thực hiện qua 4 bước.
Tại bước thứ 1, căn cứ doanh thu thực tế và các điều kiện quy định tại Điều 82 của Luật PPP, cơ quan ký kết hợp đồng đề nghị Kiểm toán nhà nước kiểm toán doanh thu thực tế.
Bước thứ 2, căn cứ báo cáo kiểm toán của Kiểm toán nhà nước và hợp đồng dự án, cơ quan ký kết hợp đồng xác định giá trị phần doanh thu chia sẻ, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét quyết định.
Bước thứ 3, cơ quan có thẩm quyền gửi Bộ Tài chính hồ sơ đề nghị thực hiện cơ chế chia sẻ doạnh thu (đối với dự án do Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, người đứng đầu cơ quan trung ương quyết định chủ trương đầu tư); cơ quan ký kết hợp đồng gửi Sở Tài chính (đối với dự án do Hội đồng nhân dân quyết định chủ trương đầu tư)
Được biết, theo quy định tại Điều 82 Luật PPP, cơ chế chia sẻ doanh thu được áp dụng khi doanh thu thực tế cao hơn 125% doanh thu trong phương án tài chính, doanh nghiệp dự án chia sẻ nhà nước 50% số chênh lệch tăng vượt quá mức 125% này sau khi đã điều chỉnh mức giá phí dịch vụ (giảm), điều chỉnh thời gian hợp đồng (giảm) và được Kiểm toán nhà nước kiểm toán phần tăng doanh thu.
Khi doanh thu thực tế thấp hơn 75% mức doanh thu trong phương án tài chính, Nhà nước chia sẻ 50% phần chênh lệch giữa mức 75% này và doanh thu thực tế chỉ áp dụng: đối với hợp đồng BOT, BTO, BOO; lý do giảm doanh thu được xác định do quy hoạch, chính sách, pháp luật thay đổi; đã điều chỉnh tăng giá, phí, tăng thời gian hợp đồng song vẫn chưa đảm bảo đạt mức 75% doanh thu theo phương án tài chính; được Kiểm toán nhà nước kiểm toán phần giảm doanh thu.
Nguồn xử lý chia sẻ doanh thu của Nhà nước từ dự phòng ngân sách các cấp.
Trước đó, ngày 20/4, tại Phiên họp thứ 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến lần 2 về những vấn đề còn ý kiến khác nhau của Dự án Luật PPP.
Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, Dự thảo Luật mới xác định không phải trong mọi trường hợp đều được áp dụng cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu.
Cụ thể, việc chia sẻ phần tăng doanh thu được áp dụng sau khi đã thực hiện điều chỉnh thời hạn hợp đồng PPP theo quy định tại Điểm đ Khoản 3 Điều 52.
Việc chia sẻ phần giảm doanh thu chỉ được thực hiện khi dự án PPP đáp ứng đầy đủ các điều kiện chặt chẽ quy định tại Khoản 2 Điều 83 Dự thảo Luật: dự án do cơ quan có thẩm quyền lập; áp dụng loại hợp đồng BOT, BTO, BOO và không sử dụng vốn nhà nước hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống kết cấu hạ tầng; quy hoạch, chính sách, pháp luật có liên quan thay đổi làm doanh thu thực tế thấp hơn doanh thu cam kết tại hợp đồng;
Đã thực hiện đầy đủ các biện pháp điều chỉnh mức giá, phí sản phẩm, dịch vụ hoặc điều chỉnh thời hạn hợp đồng PPP nhưng vẫn chưa bảo đảm được mức doanh thu cam kết tại hợp đồng.
“Dự thảo Luật PPP không tiếp cận theo hướng chia sẻ khi nhà đầu tư dự án PPP thua lỗ, mất vốn, mà chỉ xem xét việc áp dụng chia sẻ khi doanh thu của dự án bị sụt giảm do lỗi từ phía Nhà nước”, ông Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.
Về mốc giá trị trong cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu, tại hồ sơ Dự án Luật do Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, cơ chế này được đề xuất theo hướng Nhà nước chia sẻ không quá 50% phần hụt thu và nhà đầu tư chia sẻ không thấp hơn 50% phần tăng thu.
Một số ý kiến ĐBQH cho rằng, quy định như vậy không bảo đảm sự bình đẳng trong mối quan hệ giũa Nhà nước và tư nhân, do đó, Dự thảo Luật mới nhất tiếp thu theo hướng cố định tỷ lệ 50% - 50%.
Về mức doanh thu bắt đầu chia sẻ rủi ro, hồ sơ Dự án Luật không đề xuất giá trị này.
Tiếp thu ý kiến ĐBQH, Dự thảo Luật đề xuất tỷ lệ: Khi doanh thu thực tế chỉ đạt 75% doanh thu trong phương án tài chính trở xuống, với các dự án đủ điều kiện, Nhà nước bắt đầu xem xét, tính toán việc chia sẻ phần giảm doanh thu; khi doanh thu thực tế đạt từ 125% doanh thu trong phương án tài chính trở lên, Nhà nước bắt đầu xem xét, yêu cầu nhà đầu tư chia sẻ phần tăng doanh thu. Cơ chế chia sẻ phần tăng doanh thu áp dụng đối với tất cả các dự án PPP.