Đầu tư sân golf Đăk Đoa: Mất rừng thông 50 tuổi?
Chuyên gia đề nghị cần đánh giá tác động của dự án sân golf Đăk Đoa (Gia Lai) đến môi trường sinh thái của địa phương.
Dự án sân golf Đăk Đoa do Công ty CP Tập đoàn FLC làm chủ đầu tư vừa được phê duyệt chủ trương đầu tư. Dự án được thực hiện tại thị trấn Đak Đoa, xã Glar và xã Tân Bình, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai với mục tiêu đầu tư xây dựng sân golf 36 lỗ tiêu chuẩn quốc tế.
Dự án có quy mô 174,01ha, trong đó phải thực hiện chuyển mục đích sử dụng 155,93ha rừng sản xuất sang mục đích khác để thực hiện dự án. Đáng lưu ý, diện tích rừng sản xuất này là rừng thông gần 50 tuổi.
Theo chuyên gia lâm nghiệp - GS.TS Bảo Huy (Đại học Tây Nguyên), diện tích chuyển đổi rừng tại dự án này khá lớn nên cần thực hiện đánh giá tác động môi trường.
Trong khi đó, là người đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo về việc chuyển đổi rừng để làm sân golf có thể làm ảnh hưởng đến cân bằng môi trường sinh thái tại địa phương, GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, nguyên Viện trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật một lần nữa cho hay, biến đổi khí hậu và môi trường có quan hệ chặt chẽ với nhau, trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng gay gắt, giữ được càng nhiều rừng càng tốt. Gia Lai làm sân golf trước mắt có thể đem lại kinh tế cho tỉnh, nộp ngân sách cho Nhà nước, nhưng khi xảy ra lũ lụt, những mất mát về sinh thái rất khó bù lại được.
"Trong 5 năm tới, cả nước sẽ trồng 1 tỷ cây xanh, nhưng để có được rừng thông 50 năm như ở Đăk Đoa phải mất rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc. Theo một tính toán, mỗi ha rừng trong 1 ngày có thể hấp thụ 1.000kg CO2 và thải ra môi trường 730 kg O2. Do vậy, cần phải suy tính rất kỹ mỗi khi chặt rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng", GS.TS Đặng Huy Huỳnh nói.
Vị chuyên gia đặt câu hỏi: dự án đã đánh giá tác động môi trường hay chưa và lưu ý phải làm kỹ càng việc đánh giá này bởi rừng thông đã 50 năm tuổi có giá trị lớn với sinh thái, môi trường và con người ở khu vực đó, nếu chuyển đổi mục đích sử dụng chắc chắn môi trường nơi này sẽ bị ảnh hưởng.
Ông nhắc lại quan điểm của tỉnh Gia Lai từng tuyên bố trước đó, là dự án sân golf không làm mất rừng, thậm chí còn nhân đôi số rừng trồng lên do khi thực hiện dự án, các cây thông trên đường golf sẽ không bị chặt hạ mà được di thực; nhà đầu tư còn phải nộp số tiền đấu giá sử dụng đất, đồng thời trả tiền để trồng rừng thay thế đối với diện tích triển khai dự án...
Theo nguyên Viện trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật, việc di thực cần phải đảm bảo được sự sống cho cây, bởi đã có trường hợp bứng cây cổ thụ đi trồng chỗ khác song không được chăm sóc nên cây chết khô, mục ruỗng. Bản thân các cây thông sống ở Đăk Đoa từ lâu, thích nghi với vùng đó, khi bứng lên, nếu làm đứt một số rễ nhất định thì khi đến nơi trồng lại, đất không phù hợp thì cây rất khó bén rễ.
Đặc biệt, từ thực tế nhiều dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, việc trồng rừng thay thế trở thành việc làm đối phó với xã hội, không được giám sát thường xuyên, GS Huỳnh đề nghị người dân địa phương cần tham gia giám sát, đặc biệt là cơ quan tài nguyên-môi trường không thể đứng ngoài cuộc.
"Phát triển kinh tế thường có sự đánh đổi, nhưng phải cân nhắc, suy tính rất kỹ lợi, hại của sự đánh đổi ấy", vị chuyên gia nhấn mạnh.
Dự án sân golf Đăk Đoa có tổng vốn đầu tư 1.142,075 tỷ đồng. Trong đó vốn chủ sở hữu 172,912 tỷ đồng (chiếm 15,14% tổng vốn đầu tư), vốn vay 969,163 tỷ đồng (chiếm 84,86%) tổng vốn đầu tư.
Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm kể từ ngày có quyết định giao đất, cho thuê đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Trong quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng có yêu cầu UBND tỉnh Gia Lai chịu trách nhiệm về các thông tin, số liệu báo cáo tại hồ sơ dự án, các nội dung giải trình, tiếp thu của nhà đầu tư và các nội dung đã thẩm định; chịu trách nhiệm toàn diện về các nội dung liên quan đến việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng rừng cho Nhà đầu tư thực hiện dự án theo đúng quy định của pháp luật; chỉ đạo các cơ quan chức năng theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực hiện dự án theo đúng quy định của pháp luật.
Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng rừng, việc bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước, việc đáp ứng quy định của pháp luật về đất đai, lâm nghiệp và các pháp luật liên quan khác thuộc nhiệm vụ quản lý nhà nước của mình.
Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính trung thực, chính xác các thông tin, số liệu, nội dung hồ sơ dự án. Trong quá trình thực hiện dự án phải bảo đảm tuân thủ đúng, đầy đủ các quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, đất đai, lâm nghiệp, tài nguyên môi trường, tài nguyên nước và các quy định của pháp luật liên quan khác…