Đầu tư Shophouse - Lưu ý những điều gì để đảm bảo không lỗ?

Shophouse (nhà phố thương mại) là mô hình nhà ở kết hợp kinh doanh, xuất hiện ở Việt Nam trong khoảng mười năm trở lại đây và phát triển mạnh ở những thành phố lớn, thị trường shophouse được dự đoán là sẽ phát triển nhanh chóng trong tương lai, không thua kém bất kỳ loại hình bất động sản nào khác. Tuy nhiên, bất kì sự đầu tư nào cũng có rủi ro, để đảm bảo nguồn lợi nhuận an toàn cần phải lưu ý để tránh nguy cơ mất vốn.

Đầu tư Shophouse - Lưu ý những điều gì để đảm bảo không lỗ? - Ảnh 1

Tiềm năng phát triển của shophouse

Ưu điểm lớn nhất của shophouse là kết hợp được giữa kinh doanh và nhà ở nên sẽ tiết kiệm một lượng lớn chi phí thuê mặt bằng cho chủ sở hữu. Không gian riêng tư vẫn sẽ được đảm bảo bởi sự tách biệt giữa các tầng, phía trên dùng để ở, tầng dưới thì đáp ứng được mục đích kinh doanh. Với lợi thế về diện tích và vị trí thuận lợi cho di chuyển, tọa lạc ở những nơi đông dân cư, sầm uất giúp cho giá trị của shophose tăng gấp đôi theo thời gian vượt qua cả giá trị của nhà liền thổ và căn hộ chung cư. Ngoài ra, còn có thể giữ được giá trị khi thị trường BĐS xảy ra biến động.

Sở hữu vị trí đắc địa ở các khu đô thị lớn mang nhiều tính năng ứng dụng khác nhau vừa là nơi ở, kinh doanh hoặc văn phòng làm việc cũng là lợi thế để shophouse có thể lọt vào “mắt xanh” của các nhà đầu tư và liên tục nhận được sự quan tâm nhất là sau thời gian dịch bệnh kéo dài.

Tốc độ phát triển về kinh tế, đời sống, mức thu nhập trung bình của người dân hiện nay ngày càng cải thiện, nhu cầu đời sống về vật chất và tinh thần cũng ngày một cao. Với sự phát triển nhanh chóng về kinh tế nhiều thương hiệu nước ngoài muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam vì thế nhu cầu thuê mặt bằng tăng nhiều hơn trước đây. Phần lớn các căn hộ shophouse đều nằm ở tầng trệt của các căn hộ và tòa nhà lớn có cơ hội thuận tiện tiếp cận lượng khách hàng tiềm năng, do đó shophouse trở thành lựa chọn ưu tiên của các nhãn hàng, thương hiệu lớn.

Số lượng nhà shophouse trên thị trường hiện nay không quá nhiều so với những phân khúc BĐS khác, ít áp lực cạnh tranh lại nằm ở vị trí đẹp, nhiều người qua lại trở thành ưu thế thuận lợi cho các đơn vị kinh doanh đó là lý do vì sao shophouse lại có tính thanh khoản cao và có thể dễ dàng mua đi, bán lại hoặc cho thuê.

Shophouse sở hữu vị trí đắc địa ở khu đô thị lớn mang nhiều tính năng ứng dụng khác nhau  
Shophouse sở hữu vị trí đắc địa ở khu đô thị lớn mang nhiều tính năng ứng dụng khác nhau  

Cân nhắc những rủi ro khi đầu tư

Shophouse có nhiều ưu điểm nổi bật vì thế giá cả cũng sẽ cao hơn rất nhiều so với loại hình bất động sản khác. Hơn nữa, số lượng shophouse không nhiều đẫn đến sự cạnh tranh của các nhà đầu tư khá lớn để có thể giành quyền nên giá thành ngày một tăng. Vì thế, cân nhắc khả năng tài chính trước khi quyết định xuống tiền đầu tư là một yếu tố quan trọng, đáng lưu ý để không bị vướng vào gánh nặng kinh tế.

Không phải shophouse nào cũng mang lại hiệu quả kinh doanh như mong đợi, sự thành công của shophouse phụ thuộc khá nhiều vào yếu tố khách hàng. Shophouse phải được xây dựng ở vị trí nhộn nhịp, đông dân cư và điều kiện sống của người dân tại đó tương đối tốt thì mới có khả năng sinh lợi nhuận cao, nếu không thì chỉ có thể sinh lời từ việc mua đi, bán lại. Vì thế, để tránh rủi ro mất đi lợi nhuận, trước khi bắt đầu đi vào kế hoạch kinh doanh nên khảo sát những thông tin cần biết về shophouse dự định mua như phần trăm đối tượng khách hàng nhiều hay ít, nhu cầu lớn nhất của khu dân cư,… để có thể đưa ra quyết định đầu tư tốt nhất.

Thêm vào đó, một lưu ý khác cần phải cân nhắc là thời hạn sở hữu shophouse có giới hạn là 50 năm. Loại hình BĐS này không phải là tài sản có thể sở hữu vĩnh viễn hay để lại cho con cháu mà sau 50 năm phải trả lại nó cho chủ nhà, đây cũng là vấn đề mà nhiều nhà đầu tư lo ngại nhất, đặc biệt đối với những nhà đầu tư có ý muốn kinh doanh lâu dài. Tuy nhiên, với tình hình phát triển nhanh chóng của thị trường hiện nay, đa số các địa phương đều đang điều chỉnh, xây dựng chính sách mới phù hợp nhất với shophouse.

Mục đích chủ yếu của shophouse là phục vụ các hoạt động kinh doanh thương mại và cho thuê, tuy nhiên lại không phù hợp với các loại hình kinh doanh như: Văn phòng, trụ sở công ty, dịch vụ khách sạn,…

Để có thể đầu tư vào shophouse một cách hợp lý và hiệu quả, tránh mất mát hay rủi ro về chi phí, lợi ích, cần lưu ý, nắm rõ những yếu tố về ưu điểm lẫn mặt hạn chế của loại hình BĐS này. Từ đó, lập ra được một kế hoạch đầu tư, kinh doanh thành công thu được nguồn lợi nhuận như ý muốn.

Nguyên Ngọc

Theo Chất lượng và Cuộc sống