Đầu tư thua lỗ, Vicem phải trích lập dự phòng lên tới 1.600 tỷ đồng

Ngày 31/12/2023, Công ty mẹ - Tổng công Xi măng Việt Nam trích lập dự phòng tổn thất các khoản đầu tư với số tiền là 3.017.880.952.432 đồng đối với 07 khoản đầu tư.

Cụ thể, Công ty TNHH MTV Xi măng Vicem Tam Điệp: Số vốn đã đầu tư là 1.132 tỷ đồng (tỷ lệ 100% vốn điều lệ); lỗ lũy kế 1.126 tỷ đồng, bằng 99,5% so với vốn góp của chủ sở hữu; trích lập dự phòng 1.069 tỷ đồng. Công ty đang mất cân đối vốn, khả năng thanh toán nợ thấp. Tổng công ty Xi măng Việt Nam đang hỗ trợ cho Công ty vay vốn để thanh toán các khoản nợ đến hạn với tổng số tiền là 396 tỷ đồng.

Công ty TNHH MTV Xi măng Vicem Tam Điệp hạch toán tăng không đúng chỉ phí 575.193.675 đồng, dẫn đến phải giảm lỗ 575.193.675 đồng. Do đó, Công ty mẹ - Tổng công ty phải điều chỉnh giảm số trích lập dự phòng tổn thất đầu tư tại Công ty Xi măng Tam Điệp số tiền 575 triệu đồng.

Nhà máy xi măng Tam Điệp, thuộc Tổng công ty Xi măng Việt Nam - Ảnh: V.T.Đ.
Nhà máy xi măng Tam Điệp, thuộc Tổng công ty Xi măng Việt Nam - Ảnh: V.T.Đ.

Công ty Cổ phần Xi măng Vicem Hải Vân: Số vốn đã đầu tư là 314,6 tỷ đồng (tỷ lệ 75,75% vốn điều lệ); năm 2023 lỗ 64,1 tỷ đồng; lỗ lũy kế 60,7 tỷ đồng, bằng 14,63% vốn góp của chủ sở hữu; trích lập dự phòng 33,9 tỷ đồng.

Công ty Cổ phần Xi măng Hạ Long: Số vốn đã đầu tư là 1.605 tỷ đồng (tỷ lệ 82,69% vốn điều lệ); năm 2023 lỗ 647,9 tỷ đồng; lỗ lũy kế là 4.902 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu âm 2.960 tỷ đồng; trích lập dự phòng 1.605,8 tỷ đồng. Công ty Cổ phần Xi măng Hạ Long được chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu phần nhà nước từ Tổng công ty Sông Đà về Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam theo quyết định ngày 20/01/2016.

Tại thời điểm chuyển giao (ngày 01/01/2016), vốn điều lệ là 982 tỷ đồng, tổng tài sản 5.332 tỷ đồng; tổng nợ vay 7.862 tỷ đồng (nợ dài hạn 6.075 tỷ đồng, trong đó quá hạn 2.117 tỷ đồng; nợ vay các đơn vị nội bộ trong Tông công ty Sông Đà 1.040 tỷ đồng; nợ vay vốn lưu động ngăn hạn 747 tỷ đồng); vốn chủ sở hữu âm 2.658 tỷ đồng; lỗ lũy kế 3.640 tỷ đồng.

Tình hình sản xuất kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn, dẫn đến Công ty liên tục thua lỗ, tình hình tài chính tiếp tục mất cân đối nghiêm trọng, không còn khả năng trả nợ đến hạn, đứng trước nguy cơ phải dừng hoạt động vì không có dòng tiền.

Công ty Cổ phần Xi măng Vicem Sông Thao: Số vốn đã đầu tư là 516,5 tỷ đồng (tỷ lệ 80,79% vốn điều lệ); lỗ lũy kế đến 31/12/2023 là 312,6 tỷ đồng, bằng 48,89% vốn góp của chủ sở hữu; trích lập dự phòng 252,5 tỷ đồng. Tổng công ty Xi măng Việt Nam tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn tại Công ty cổ phần Xi măng Vicem Sông Thao từ Tổng công ty Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị từ tháng 6/2017 theo Quyết định ngày 27/4/2017 của Bộ Xây dựng. Tại thời điểm chuyên giao (ngày 31/12/2016), công ty lỗ lũy kế là 430,4 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu là 208,97 tỷ đồng.

Công ty Cổ phần Sông Đà 12: Số vốn đã đầu tư là 12 tỷ đồng (tỷ lệ 24% vốn điều lệ); năm 2023 lỗ 3,4 tỷ đồng; lỗ lũy kế đến 31/12/2023 là 232,9 tỷ đồng; trích lập dự phòng 10 tỷ đồng. Công ty có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.

Công ty cổ phần Tấm lợp Vật liệu Xây dựng Đồng Nai: Số vốn đã đầu tư là 43,6 tỷ đồng (tỷ lệ 12,5% vốn điều lệ); năm 2023 lỗ 98,9 tỷ đồng; lỗ lũy kế đến 31/12/2023 là 787,7 tỷ đồng; trích lập dự phòng 41,3 tỷ đồng. Công ty có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.

Công ty Cổ phần Cao su Đồng Nai - Kratie: Số vốn đã đầu tư là 96 tỷ đồng (tỷ lệ 11,27% vốn điều lệ); năm 2023 lãi 13,2 tỷ đồng; lỗ lũy kế đến 31/12/2023 là 179,5 tỷ đồng; trích lập dự phòng 4,2 tỷ đồng.

Ngoài ra, 09 công ty con, công ty liên doanh liên kết khác được Công ty mẹ - Tổng công ty đầu tư cũng có kết quả kinh doanh lỗ năm 2023 nhưng vốn chủ sở hữu vẫn cao hơn vốn đầu tư.​

Nguyễn Kim

Theo VietnamFinance