Đầu tư trái phiếu DN: 'Hóng' thông tin bề nổi, khó tránh khỏi rủi ro
Nhiều nhà đầu tư cá nhân ở Việt Nam thường chỉ nhìn vào 2 yếu tố khi quyết định mua TPDN, đó là tên doanh nghiệp là gì và lãi suất bao nhiêu và bỏ qua một thực tế là lãi suất cao của một trái phiếu thường là chỉ báo về mức độ rủi ro cao của trái phiếu đó.
Nâng cao điều kiện để bảo vệ nhà đầu tư cá nhân
Chia sẻ với báo chí mới đây, ông Nguyễn Anh Minh - Phó Trưởng ban Quản lý đăng ký trái phiếu, Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam nhận định, cơ cấu nhà đầu tư TPDN riêng lẻ của nước ta hiện đang thiếu sự hiện diện của các nhà đầu tư tổ chức như công ty bảo hiểm, quỹ hưu trí hay quỹ đầu tư.
Theo dữ liệu từ Bộ Tài chính và thống kê từ báo cáo tài chính bán niên, tính đến cuối tháng 6/2024, nhà đầu tư tổ chức như công ty bảo hiểm, quỹ hưu trí và quỹ đầu tư chỉ nắm giữ 8% TPDN đang lưu hành. Trong khi đó, nhà đầu tư cá nhân lại chiếm tới 15%, gần như cao gấp đôi so với tỷ lệ nắm giữ của 3 nhóm nhà đầu tư tổ chức trên.
Trao đổi với Tạp chí Đầu tư Tài chính, ông Nguyễn Đức Hải, Giám đốc đầu tư cấp cao tại Công ty TNHH Quản lý Quỹ Manulife Investment nhận định, cơ cấu nhà đầu tư TPDN riêng lẻ tại thị trường Việt Nam đang có sự khác biệt lớn với các thị trường trái phiếu khác trên thế giới – nơi mà ở đó, tỷ lệ các nhà đầu tư cá nhân thấp và chỉ thường đầu tư thông qua các quỹ.
“Thực tế, TPDN về bản chất không phải là sản phẩm dành cho nhà đầu tư cá nhân, kể cả nhà đầu tư đấy có 2 tỷ hay bao nhiêu tỷ đi chăng nữa. Bởi lẽ, khác với cổ phiếu trên thị trường niêm yết với sự đồng nhất về mặt hình thức, tính chất thì TPDN lại có phần phức tạp hơn. Chỉ riêng một doanh nghiệp đã có các lô trái phiếu khác nhau, với điều kiện, điều khoản và tài sản đảm bảo cùng tính chất khác nhau”, ông Hải nói.
Theo ông Hải, nếu như nhà đầu tư tổ chức có một đội ngũ riêng chuyên đánh giá chi tiết tình hình tài chính, kế hoạch kinh doanh, đánh giá xếp hạng sức khoẻ tài chính doanh nghiệp, và có thể thuê các công ty luật để thẩm định hồ sơ pháp lý, các điều kiện, điều khoản của trái phiếu,… trước khi quyết định đầu tư thì nhiều nhà đầu tư cá nhân lại ít khi cùng lúc có đủ chuyên môn, kiến thức và kinh nghiệm cần thiết trong việc đánh giá tình hình tài chính, đầu tư của doanh nghiệp phát hành và vấn đề pháp lý… để có thể đánh giá chính xác được rủi ro tiềm ẩn của trái phiếu. Đặt lên bàn cân so sánh, rõ ràng nhà đầu tư cá nhân bất lợi hơn rất nhiều.
Nhiều nhà đầu tư cá nhân ở Việt Nam thường chỉ nhìn vào 2 yếu tố khi quyết định mua TPDN, đó là tên doanh nghiệp đấy là gì và lãi suất của lô trái phiếu ấy là bao nhiêu và bỏ qua một thực tế là lãi suất cao của một trái phiếu thường là chỉ báo về mức độ rủi ro cao của trái phiếu đó
Thậm chí, có những nhà đầu tư cá nhân chỉ tìm hiểu xem doanh nghiệp ấy có sở hữu tòa nhà to hay không và không thể hiểu hết được những khái niệm, thông tin trong bộ hồ sơ TPDN. Vậy nên, việc bị thiệt thòi khi tham gia thị trường TPDN riêng lẻ là điều không thể tránh khỏi”, ông Hải nói.
“Thực tế cho thấy nhà đầu tư cá nhân ở Việt Nam ‘quên đau’ rất nhanh. Cách đây hơn một năm, nhiều nhà đầu tư cá nhân mất tiền khi ham lợi nhuận cao, đầu tư vào trái phiếu với lãi suất được hứa hẹn lên tới mười mấy phần trăm.
Thế nhưng, sau bài học đó, đến nay, nhiều người vẫn sẵn sàng mua TPDN có lãi suất mười mấy phần trăm – mức gấp đôi so với lãi suất bình quân 5 – 6% trên thị trường tiền gửi hiện tại”, đại diện của Công ty TNHH Manulife Investment Management (Việt Nam) cho biết.
Từ những nhận định đó, ông Hải cho rằng, dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi nâng cao tiêu chuẩn của nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường TPDN là điều hoàn toàn hợp lý.
“Bất kỳ thị trường nào, không riêng thị trường trái phiếu, đều có một mức độ rủi ro nhất định. Điều quan trọng là người chơi có được trang bị đầy đủ kiến thức để tham gia cuộc chơi và thu lời hay không. Việc nâng cao các tiêu chuẩn để đảm bảo chỉ những nhà đầu tư có đủ kiến thức, năng lực tham tham gia thị trường TPDN là điều hợp lý. Việc này cũng là một cách để bảo vệ nhà đầu tư cá nhân trước rủi ro trên thị trường này”, ông Hải cho hay.
Đi tìm vấn đề thực sự của thị trường trái phiếu DN
Tuy nhiên, nếu hạn chế nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường thì sự hiện diện của các nhà đầu tư tổ chức trên thị trường TPDN phải rõ nét hơn. Nhưng, đây lại là điều mà nhiều chuyên gia và nhà đầu tư tổ chức trăn trở trong thời gian qua.
Theo quan điểm của ông Nguyễn Đức Hải, các quy định trên thị trường TPDN hiện nay là quá chặt chẽ, quá hạn chế với các thành viên tổ chức có năng lực, chẳng hạn như các công ty bảo hiểm hay các quỹ mở - những nhân tố đáng lẽ phải đóng vai trò chính trên thị trường TPDN theo thông lệ quốc tế.
Ông Hải cho rằng việc cấm các công ty bảo hiểm đầu tư vào trái phiếu phát hành với mục đích tái cơ cấu nợ là chưa phù hợp với cấu trúc thị trường và khẩu vị rủi ro khác nhau của các nhà đầu tư tổ chức.
Để làm rõ hơn về nhận định này, ông Hải lấy ví dụ: như một dự án năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) đều có rất nhiều giai đoạn. Ở giai đoạn đầu, khi dự án còn sơ khai, mọi thứ chưa có gì thì tồn tại nhiều rủi ro, chẳng hạn như rủi ro về pháp lý, rủi ro về xây dựng… Khi đó, khẩu vị rủi ro này chỉ phù hợp với các nhà đầu tư là ngân hàng với đầy đủ năng lực, nhân lực, giám sát được các hoạt động giải ngân, dòng tiền qua tài khoản….
Tuy nhiên, đến giai đoạn sau, khi dự án đã đi vào hoạt động và đã đóng điện kịp thời với doanh thu đều đặn, các doanh nghiệp thường sẽ muốn trả nợ cho ngân hàng để vay vốn mới với lãi suất thấp hơn. Ở giai đoạn này, các công ty bảo hiểm sẵn sàng tham gia với mức lãi suất nhận về thấp hơn do rủi ro của doanh nghiệp đã ở mức thấp hơn, điều này có lợi cho cả doanh nghiệp phát hành lẫn công ty bảo hiểm.
“Từ ví dụ trên để thấy rằng, thị trường trái phiếu có rất nhiều phân khúc khác nhau với cấp độ rủi ro khác nhau và mỗi nhà đầu tư khác nhau lại có thế mạnh và/hoặc mức độ chấp nhận rủi ro khác nhau. Thị trường này giống như một cuộc chơi, có nhiều phần, ai có khả năng đến đâu thì chơi đến đây, ai có lợi thế cạnh tranh ở khía cạnh nào thì tập trung vào khía cạnh đấy.
Tuy nhiên, việc cấm các quỹ bảo hiểm không được phép mua TPDN với mục đích tái cơ cấu nợ làm ảnh hưởng đến cấu trúc của thị trường tài chính, làm mất đi tính linh hoạt và tính phân đoạn của thị trường”, ông Hải nhận định.
Tiếp đến, liên quan đến thị trường quỹ mở, theo quy định, các quỹ mở trái phiếu chỉ được phép đầu tư tối đa 10% tổng giá trị tài sản của quỹ vàotrái phiếu chào bán ra công chúng; trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ bởi tổ chức niêm yết có bảo lãnh thanh toán của tổ chức tín dụng hoặc cam kết mua lại của tổ chức phát hành tối thiểu 1 lần trong 12 tháng và mỗi lần cam kết mua lại tối thiểu 30% giá trị đợt phát hành, tức90% giá trị tài sản quỹ sẽ chỉ đầu tư vào trái phiếu niêm yết.
Song, theo ông Hải, nhìn lại nguồn cung thực tế trên thị trường TPDN, số lượng trái phiếu niêm yết lại chỉ chiếm phần nhỏ trong tổng lượng TPDN đang lưu hành. Trong khi đó, các công ty quản lý quỹ có năng lực phân tích, năng lực quản trị, vẫn có thể lựa chọn ra những trái phiếu chưa niêm yết phù hợp để đầu tư.
Do bị hạn chế nên hầu hết các quỹ mở bây giờ chỉ nắm được một ít trái phiếu từ trước, còn không chỉ có thể gửi tiết kiệm do sản phẩm tài chính trên thị trường Việt không có nhiều. Ông Hải đặt câu hỏi, nếu một quỹ mở đầu tư vào trái phiếu chỉ mang tiền đi gửi tiết kiệm thì quỹ mở đó mang lại được giá trị gì cho nhà đầu tư khi mà nền lãi suất tiết kiệm liên tục “dò đáy” trong khi còn phải trừ thuế, phí như phí giao dịch, phí quản lý.
“Thị trường trái phiếu là một phần của thị trường vốn với nhiều bên tham gia. Vai trò của nhà quản lý là rất quan trọng trong việc nâng cao tiêu chuẩn và tính minh bạch của thị trường hạn chế rủi ro cho những nhà đầu tư chưa đáp ứng được tiêu chuẩn và khuyến khích những nhà đầu tư đủ năng lực tham gia. Thị trường TPDN sẽ phát triển tốt hơn nếu không đánh đồng hay siết toàn bộ thị trường”, ông Hải nói.