Dạy con về tiền: Cha mẹ càng né tránh, con càng dễ sai lầm
Cha mẹ ngày xưa và cả ngày nay ở Việt Nam phần lớn vẫn xem tiền bạc là một chủ đề nhạy cảm, giống như chủ đề về giáo dục giới tính. Vậy nên, rất ít cha mẹ chủ động dạy con về tiền và cho rằng con lớn tự khắc sẽ biết.
Ngại nói về tiền như ngại giáo dục giới tính
Chia sẻ trên trang Facebook cá nhân của mình, chị Nguyễn Trang (48 tuổi, Thanh Hóa) cho biết: “Từ khi cậu con trai đầu lòng lên Hà Nội học đại học, tôi bỗng dưng kiêm thêm chức ‘chuyên gia hoạch định tài chính’ cho con”. Từ việc đóng tiền nhà, tiền điện nước đến việc chi tiêu, mua sắm hàng ngày, dù là những thứ nhỏ nhất, cậu con trai 18 tuổi của chị Trang cũng phải gọi điện thoại về hỏi ý kiến của mẹ. Có những tháng chi tiêu quá tay, cậu lại gọi về giục chị Trang gửi thêm tiền để không phải ăn mì tôm chống đói vào những ngày cuối tháng.
“Khi nhìn những người bạn của con mình có thể tính toán, thu vén chi tiêu dù cùng trong một độ tuổi, tôi mới nhận ra sự sai lầm trong cách giáo dục con. Từ trước đến nay, tôi luôn tâm niệm rằng cho con tiền chỉ làm con hư và nhiệm vụ của con chỉ là tập trung ăn học. Chính vì thế, từ bé đến lớn, khi con muốn mua bất kỳ thứ gì, từ cục tẩy đến quyển sách, tôi đều tự mình mua cho con”, chị Trang chia sẻ.
Chính vì ít được tiếp xúc với tiền bạc, chi tiêu từ nhỏ nên con trai của chị Trang không giỏi trong quản lý chi tiêu. “Đến bây giờ, cậu con trai 18 tuổi lúc nào cũng phải gọi điện hỏi mẹ xem nên mua gì, mua ở đâu”, chị Trang thở dài.
Không riêng chị Trang, nhiều bậc phụ huynh khác cũng có cùng quan điểm “chuyện tiền bạc là của người lớn, trẻ con chỉ cần tập trung học hành”. Không ít cha mẹ cho rằng “tí tuổi đầu đã biết gì mà đưa tiền cho nó giữ” và tiền bạc chỉ làm hư con cái bởi “có tiền là hư người, suốt ngày chỉ biết mua sắm linh tinh hay đốt tiền vào chơi game”.
Chia sẻ với Tạp chí Đầu tư Tài chính, ông Đức Nguyễn, chuyên gia khai vấn tài chính tại Học viện Huấn luyện Tài chính - Financial Coaching Institute - FCI, cho biết: “Mặc dù quan điểm về giáo dục tài chính của cha mẹ xưa và nay đã dần thay đổi nhưng tựu trung vẫn không có quá nhiều khác biệt. Cha mẹ ngày xưa và cha mẹ ngày nay ở Việt Nam phần lớn đều xem chủ đề về tiền là một chủ đề rất nhạy cảm, giống như chủ đề về giáo dục giới tính. Vậy nên, có rất ít cha mẹ chủ động dạy cho con mình và cho rằng đó là chủ đề tự nhiên, con lớn sẽ tự khắc biết”.
Tuy nhiên, theo ông Đức, đây là một quan điểm sai lầm và đáng báo động. “Việc trang bị kiến thức tài chính cho con từ sớm là điều vô cùng quan trọng. Dạy con về tiền không bao giờ là quá sớm, sẽ giúp con hình thành và phát triển tư duy, năng lực tài chính. Không phải tiền bạc, đất đai hay nhà cửa, tư duy và năng lực tài chính mới là tài sản quý giá mà cha mẹ có thể để lại cho con”, ông nói.
Hiện nay, không chỉ riêng Việt Nam mà ngay ở các nước phát triển, các chương trình giáo dục ở các nhà trường chưa đề cập nhiều đến vấn đề giáo dục tài chính cho trẻ em. Theo khảo sát của IFC, gần như 3/4 các bang của Mỹ vẫn chưa có chương trình giáo dục tài chính đầy đủ, đáp ứng được nhu cầu thực tế.
“Ở Việt Nam cũng vậy, giáo dục tài chính cho trẻ vẫn đang ở giai đoạn cực kỳ manh nha. Thậm chí, việc giáo dục tài chính cho người lớn cũng chưa có rõ ràng. Vậy nên, việc dạy con về tiền là trách nhiệm lớn nhất của cha mẹ, vì muốn hay không, đằng nào con cũng phải đối mặt với việc đó. Chính cha mẹ, gia đình phải là những người thầy đầu tiên dạy con về tài chính, tiền bạc trong những giai đoạn đầu đời của con”, ông Đức nói.
Nhà nghèo có nên dạy con về tài chính?
Không chỉ chưa nhận thức đúng về tầm quan trọng của giáo dục tài chính cho con, nhiều cha mẹ còn loay hoay với những hiểu lầm tai hại trong quá trình dạy con về tiền.
Trong khảo sát online do Tạp chí Đầu tư Tài chính thực hiện hồi cuối tháng 6/2024, có đến 43% người tham gia khảo sát cho rằng giáo dục tài chính cho con trẻ chỉ phù hợp với những gia đình có điều kiện về tài chính và cha mẹ có đủ kiến thức về tài chính. “Ngay cả cha mẹ còn đang loay hoay với việc quản lý tài chính, thu vén tiền bạc cho gia đình thì làm sao có thể dạy con về tài chính”, anh Hoàng Văn (38 tuổi, Hà Nội) cho biết.
Nếu như gia đình có điều kiện kinh tế, các con sẽ có được một vùng an toàn nhất định. Nhưng trong một gia đình kém hơn về kinh tế, chỉ cần một chút va vấp về tài chính sẽ tạo ra rất nhiều sóng gió trong cuộc đời.
Liên quan đến vấn đề này, chuyên gia khai vấn tài chính Đức Nguyễn cho rằng quan điểm chỉ nhà giàu và người có kiến thức về tài chính mới nên dạy con về tài chính là quan điểm chung của nhiều cha mẹ. “Họ sợ rằng chính bản thân cũng đang chưa rõ, chưa giỏi về tài chính nên việc họ dạy cho con có thể dẫn đến những kiến thức, nhận thức sai lầm cho con. Quan điểm này nghe chừng có vẻ hợp lý song thực tế, đây lại là một ý kiến tương đối chủ quan và chưa chính xác”, ông Đức nói.
Lý giải về điều này, ông Đức cho rằng: “Khi gặp vấn đề về tiền bạc, chúng ta không chỉ thiếu tiền mà còn thiếu kiến thức và kỹ năng mà xã hội thực sự đòi hỏi. Vì chưa có đủ kiến thức và kỹ năng mà xã hội cần nên chúng ta chưa thể kiếm được số tiền mình mong muốn. Vậy nên khi càng có vấn đề về điều gì, chúng ta lại càng phải học về cái đó. Gia đình có vấn đề về tài chính thì việc đầu tiên cần làm là học hỏi thêm kiến thức về tài chính. Đây gần như là con đường duy nhất để gia đình đó thoát ra khỏi tình cảnh khó khăn hiện tại”.
Nếu như gia đình có điều kiện kinh tế, các con sẽ có được một vùng an toàn nhất định. Nhưng trong một gia đình kém hơn về kinh tế, chỉ cần một chút va vấp về tài chính sẽ tạo ra rất nhiều sóng gió trong cuộc đời.
“Khi con trẻ càng được học về tiền, càng hiểu biết hơn về tài chính, con trẻ sẽ càng biết cách sử dụng hợp lý hơn và phạm ít sai lầm hơn. Giống như khi bước vào một cuộc chơi, khi người chơi càng hiểu rõ về luật chơi bao nhiêu thì lại càng ít bị phạm lỗi hơn bấy nhiêu”, ông Đức chia sẻ.
Ngoài ra, theo ông Đức, nhiều cha mẹ đang có cái nhìn sai lầm về giáo dục tài chính cho con trẻ. “Nhiều người cho rằng giáo dục tài chính cho con là nhồi nhét cho con những điều cao siêu, phức tạp về tiền, tài chính, cách vận hành của nền kinh tế hay những kiến thức vĩ mô, ‘đao to búa lớn’. Nhưng thực chất, dạy con về tiền là một quá trình dài, mà ở đó, cha mẹ chính là tấm gương cho con. Con cái có thể quan sát, học tập cha mẹ từ những hành động vô cùng nhỏ nhặt và thường ngày hoặc qua cách cha mẹ giải đáp những thắc mắc về tiền. Từ đó, các con sẽ ‘vô tình’ tiếp nhận các kiến thức và hình thành nên các ý niệm về tài chính, tiền bạc”.
Việc đầu tiên cha mẹ có thể làm là dạy con cách phân biệt những tờ tiền qua những màu sắc. Khi trẻ lớn dần hơn, cha mẹ nên cho con tham gia vào những hoạt động thường ngày như thanh toán tiền khi đi siêu thị hay dạy con cân nhắc về việc có nên mua thêm đồ chơi không. Quá trình này sẽ dần thành hình nhận thức của con về cách tiêu tiền và tạo cho con thói quen cân nhắc tiêu tiền vào những việc thật cần thiết, tránh lãng phí.
Khi con biết cách tiêu tiền tốt rồi, cha mẹ nên gợi mở, hướng con đến những kênh giữ tiền hiệu quả như nhét heo tiết kiệm hoặc lập một tài khoản ngân hàng để con gửi tiền. Cha mẹ cũng có thể dạy con cách sẻ chia với người khác, chẳng hạn như để con ủng hộ đồng bào gặp bão lũ, những người vô gia cư,… Như vậy, tiền không còn đơn thuần là phương tiện thanh toán mà đã trở thành phương tiện vô cùng hiệu quả để cha mẹ thông qua đó có thể dạy con những bài học về trách nhiệm, lòng yêu thương, sự hào phóng, sẻ chia. Sau khi đứa trẻ hiểu đúng về tiền, biết cách tiêu tiền và giữ tiền, con sẽ tìm học cách thức đầu tư thông minh và hiệu quả.
Tuy nhiên, chuyên gia khuyến nghị rằng cha mẹ không nên “đốt cháy giai đoạn”, để con tham gia đầu tư khi chưa thực sự hiểu về giá trị của đồng tiền và sức lao động. Nó giống như việc để con tập chạy khi con còn chưa biết bò, biết đi. Và điều này sẽ tạo ra những tiền lệ xấu trong quá trình hình thành nhận thức về tài chính của con.
Ông Đức cho rằng dạy con về tài chính, tiền bạc không bao giờ là quá sớm, giống như doanh nhân người Mỹ gốc Nhật Robert Kiyosaki, tác giả cuốn “Cha giàu, cha nghèo” từng nói: “Nếu bạn không thể dạy con mình về tiền bạc, sau này sẽ có người khác thay thế bạn, chẳng hạn như chủ nợ, cảnh sát, và thậm chí là những kẻ lừa đảo. Nếu để những người này giáo dục con bạn về tài chính, tôi lo sợ bạn và con cái của bạn sẽ phải trả cái giá đắt hơn”.