ĐBQH: ‘Trao quá nhiều quyền về đất đai cho UBND tỉnh, khó tránh việc vừa đá bóng, vừa thổi còi'

Đại biểu Quốc hội Thạch Phước Bình cho rằng việc giao quyền cho UBND cấp tỉnh quyết định giá đất cụ thể, đồng thời có quyền quyền giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất sẽ khó tránh khỏi tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”.

Dự thảo Luật Đất đai vẫn tiếp tục được mang ra lấy ý kiến.
Dự thảo Luật Đất đai vẫn tiếp tục được mang ra lấy ý kiến.

Thảo luận tại Quốc hội về Luật Đất đai (sửa đổi) ngày 14/11, đại biểu Quốc hội Đặng Bích Ngọc cho hay, về bảng giá đất, Điều 164 dự thảo có thể hiểu Sở Tài nguyên và Môi trường tự xây dựng hoặc đi thuê đơn vị có chức năng xây dựng bảng giá đất và sản phẩm là bảng giá đất vẫn là của Sở Tài nguyên và Môi trường.

Bà Ngọc nêu rõ, trên thực tế, tình trạng tiêu cực, tham nhũng trong việc định giá đất tại một số địa phương trong thời gian qua, một phần do những bất cập trong việc xác định bảng giá đất.

“Tính minh bạch, khách quan, chính xác của bảng giá đất là vấn đề rất quan trọng, góp phần định giá đất cụ thể được sát đúng. Do vậy, tôi đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu quy định theo hướng cần có tổ chức độc lập và chuyên nghiệp trong việc xây dựng bảng giá đất, đảm bảo công khai, minh bạch, tránh tiêu cực khi xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt bảng giá đất hàng năm”, bà Ngọc nêu.

Cũng góp ý về vấn đề này, đại biểu Quốc hội Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh) cho rằng do giá đất cụ thể được UBND cấp tỉnh xác định luôn thấp hơn giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường nên đã làm phát sinh các tranh chấp, khiếu kiện về bồi thường khi nhà nước thu hồi đất. Tình trạng này không những không giảm mà còn tăng lên.

Tuy nhiên, tại khoản 1 Điều 164 về bảng giá đất và Điều 165 về giá đất cụ thể của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) vẫn tiếp tục quy định UBND cấp tỉnh quyết định giá đất cụ thể.

Theo đó, cơ quan định giá đất cấp tỉnh có trách nhiệm giúp UBND tỉnh tổ chức việc xác định giá đất cụ thể, cơ quan định giá đất cấp tỉnh trình hội đồng thẩm định giá đất xem xét trước khi trình UBND tỉnh quyết định. Hội đồng thẩm định giá đất gồm đại diện lãnh đạo UBND tỉnh làm chủ tịch hội đồng và đại diện của cơ quan, tổ chức có liên quan, tổ chức có chức năng tư vấn, xác định giá đất.

“Việc giao quyền UBND cấp tỉnh quyết định giá đất cụ thể trong khi các quyền khác vẫn giữ nguyên (quyền giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, quyền chuyển mục đích sử dụng đất, quyền thu hồi đất…), trong khi đó, dự thảo chưa có cơ chế hữu hiệu để nâng cao chất lượng công tác định giá đất bảo đảm tính độc lập của hội đồng thẩm định giá đất, do đó, sẽ khó tránh khỏi tình trạng 'vừa đá bóng, vừa thổi còi' trong thu hồi đất và xác định giá đất cụ thể để bồi thường cho người bị thu hồi đất”, đại biểu nêu.

Từ đó, ông Bình đề nghị, dự thảo luật nên điều chỉnh theo hướng cơ quan quản lý giá đất cấp tỉnh độc lập với UBND cấp tỉnh quyết định giá đất cụ thể và được thuê tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất để tư vấn mới xác định giá đất cụ thể.

Đại biểu Thạch Phước Bình cũng đề nghị Trung ương xây dựng tiêu chí và quy trình kiểm tra, giám sát các địa phương trong việc xây dựng bảng giá đất; có cơ chế hữu hiệu để nâng cao chất lượng công tác định giá đất, bảo đảm tính độc lập của hội đồng thẩm định giá đất, năng lực của tổ chức tư vấn xác định giá đất, năng lực và đạo đức của các định giá viên; bảo đảm công khai, minh bạch…

“Để giá đất tiệm cận với giá đất thị trường cần định rõ vai trò, thẩm quyền của cơ quan nhà nước cũng như các chủ thể liên quan như nhà đầu tư và người sử dụng đất. Trong quy trình định giá, nguyên tắc chung việc định giá đất là giảm tối đa cơ hội cán bộ có thể lạm quyền. Hội đồng thẩm định giá đất không chỉ gồm cán bộ mà cần cho phép các bên liên quan cử đại diện tham gia và cần quy định công khai, minh bạch trong quá trình định giá đất”, ông Bình nói.

Huyền Trang

Theo VietnamFinance